Ngày 3/1/1986, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam công bố Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự quy định các Viện kiểm sát quân sự được tổ chức thành 3 cấp trong đó bao gồm: VKSQS Trung ương, VKSQS quân khu và tương đương, VKSQS khu vực. Ngày 1/1/1988, Viện kiểm sát quân sự khu vực tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An chính thức đi vào hoạt động. Đến năm 1998, Viện kiểm sát quân sự tỉnh Thanh Hoá đổi tên thành Viện kiểm sát quân sự khu vực 41; Viện kiểm sát quân sự tỉnh Nghệ An đổi tên thành Viện kiểm sát quân sự khu vực 42. Năm 2003, thực hiện Quyết định số 159/2003/QĐ/KSTC-TCCB của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao về việc tổ chức các Viện kiểm sát quân sự khu vực, Viện kiểm sát quân sự khu vực 41 và Viện kiểm sát quân sự khu vực 42 được sát nhập lại thành Viện kiểm sát quân sự khu vực 41. Có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp liên quan đến quân đội trên địa bàn Thanh Hóa và Nghệ An từ đó cho đến nay.
Trong những ngày đầu mới thành lập, điều kiện khó khăn, đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên còn thiếu nhiều, trình độ chuyên môn chủ yếu đào tạo qua trường Cao Đẳng Kiểm sát, chưa có đồng chí nào tốt nghiệp Đại học Luật hay Đại học chuyên ngành Luật, một số đồng chí cán bộ điều tra hình sự trong Quân đội chuyển sang. Cơ sở vật chất, phương tiện trang thiết bị thiếu thốn. Mặt khác, địa bàn Thanh Hóa và Nghệ An rộng, các đơn vị đóng quân trên địa bàn đông, là địa bàn tương đối phức tạp, tội phạm vi phạm xảy ra nhiều. Nhưng với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, KSV và nhân viên trong cơ quan đã chủ động triển khai đều trên các mặt. Lãnh đạo Viện qua các thời kỳ luôn chú trọng phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đấu tranh phòng ngừa ngăn chặn, làm giảm tình hình tội phạm, vi phạm trong Quân đội nói chung và địa bàn Quân khu 4 nói riêng.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội và của ngành Kiểm sát mà trực tiếp là Viện kiểm sát quân sự Quân khu 4, Viện kiểm sát quân sự khu vực 41 đã bám sát các quy định của pháp luật cũng như các chỉ thị, quy chế, hướng dẫn nghiệp vụ của ngành Kiểm sát triển khai và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần đấu tranh có hiệu quả vi phạm, tội phạm trên địa bàn, củng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa và nâng cao khả năng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của LLVT Quân khu 4. Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình mới.
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự đã tập trung đấu tranh có hiệu quả các tội phạm xâm phạm đến nghĩa vụ trách nhiệm quân nhân; các tội phạm xâm phạm tài sản của nhà nước; xâm phạm trật tự công cộng và xâm phạm đến nhân thân. Xác định muốn phòng ngừa vi phạm tội phạm có hiệu quả, biện pháp tốt nhất là tuyên truyền giáo dục, VKSQS Khu vực 41 đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực tiếp phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ; bên cạnh đó giữ liên lạc với chỉ huy các đơn vị, nhất là những đơn vị đông quân để trao đổi cách xử lý, ngăn ngừa tội phạm, vi phạm, tránh trường hợp giấu giếm khuyết điểm hoặc xử lý vội vàng, gây hậu quả đáng tiếc. Đồng thời cùng với Tòa án, Cơ quan điều tra tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động với ý nghĩa tuyên truyền, phổ biến GDPL giúp người dân cũng như quân nhân dễ hiểu, dễ nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp, đồng thời nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, quân nhân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm; mặt khác đề cao tính răn đe, cảnh báo và tính giáo dục thuyết phục và cũng thể hiện tốt sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa 3 cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án, Điều tra trong giải quyết các vụ án hình sự
Đoàn công tác Viện kiểm sát quân sự trung ương chụp ảnh với lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Viện kiểm sát quân sự khu vực 41
Viện kiểm sát quân sự khu vực 41 luôn đẩy mạnh thực hiện phương châm công tác “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai thi hành tốt Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và các đạo luật mới về tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng chất đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực thực thi pháp luật; xây dựng ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Với sự cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên, trong những năm qua luôn được cấp trên ghi nhận và đánh giá cao; luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; minh chứng là tập thể đã được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhiều lần tặng cờ thi đua và bằng khen; Thủ trưởng Bộ tư lệnh, Cục chính trị Quân khu 4 nhiều lần tặng Danh hiệu đơn vị quyết thắng, bằng khen và giấy khen. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân tiêu biểu cũng được cấp trên khen ngợi thông qua các phong trào thi đua hàng năm.
Đồng chí Đại tá Đoàn Xuân Bường – Phó CNCT Quân khu đến thăm và chúc Tết cán bộ, nhân viên VKSQS khu vực 41
Trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng thời hướng đến kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành KSQS, VKSQS Khu vực 41 sẽ phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới các phương pháp để đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn đầy đủ công tác tổ chức cán bộ; đề cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp kết hợp với đẩy mạnh các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, KSV trong sạch, vững mạnh, có đủ năng lực, trí tuệ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhắc về lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt; xã hội tốt thì người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ”. Những tư tưởng và lời dạy vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn động viên lớn lao, định hướng hành động cho mỗi cán bộ, kiểm tra viên, kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự khu vực 41 trong việc nâng cao bản lĩnh, ý chí đấu tranh với sai phạm và tội phạm; bảo vệ pháp luật, bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm minh, thống nhất; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước./.