Hiện diện chứng minh phiên khai mạc hội thảo có Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Giới, Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN; Hòa thượng Thích Khế Chơn, Hòa thượng Thích Gia Quang đồng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; chư vị Ủy viên Thường trực, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN; chư tôn đức lãnh đạo các Ban, Viện T.Ư, lãnh đạo các Phân viện, các Trung tâm trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học VN; chư Tăng Ni các nơi tham dự.
Hòa thượng Tiến sĩ Thích Gia Quang (Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam) cho biết: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức nhiều Hội thảo liên quan chủ đề Phật giáo 2 nước Việt Nam & Ấn Độ. Nhưng lần này là một dấu ấn đặc biệt, Hội thảo được tổ chức đúng dịp Kỷ niệm 35 năm thành lập Viện, là một vinh dự to lớn cho chúng tôi được vinh dự phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ để cùng nhau “Khám phá những liên kết lịch sử, tâm linh và văn hóa của Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam”.
Hy vọng qua Hội thảo này, các học giả, nhà nghiên cứu công bố các bài báo khoa học, các tham luận nghiên cứu làm sáng rõ hơn quá trình khám phá các liên kết lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Việt Nam. Qua đó ngày càng vun bồi tình hữu nghị, mối quan hệ đặc biệt giữa 2 quốc gia Ấn Độ và Việt Nam trong quá khứ, giai đoạn hiện tại và hướng tới tương lai.
Năm 2024, Kỷ niệm 52 năm (1972 – 2024) quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong đó, 8 năm mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (2016 – 2024); và cũng khoảng 21 đến 22 thế kỷ có sự giao lưu, tương tác và tiếp biến văn hóa Phật giáo giữa hai quốc gia. Gia tài đó đã hun đúc, kiến tạo nên tình hữu nghị có bề dày truyền thống, có sức ảnh hưởng sâu rộng từ chiều kích của tâm linh, văn hóa, tôn giáo để kết nối 2 đất nước cùng nhau viết nên những trang sử mới trong thời đại hôm nay và mai sau.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ngài Đại sứ Sandeep Arya đã rất nỗ lực trong việc tiếp nối truyền thống quan hệ giữa 2 nước khi nhấn mạnh về việc đẩy mạnh triển khai hợp tác, thực hiện các dự án cộng đồng về giáo dục, văn hóa. Ngài Đại sứ chia sẻ: “Ấn Độ quan tâm hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án về xây dựng trường học, bệnh viện, các khóa đào tạo, học bổng; giao lưu văn hóa, du lịch; quảng bá, phát triển bộ môn Yoga… góp phần đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Ấn Độ ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả”.
Ông Mahesh Chand Giri, Quyền Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM; đại diện các tổ chức giáo dục, các nhà nghiên cứu, học giả các giới, nhân sĩ trí thức, giảng viên các trường đại học trong và ngoài nước cùng Tăng Ni sinh, Phật tử tham dự.
Đại biểu tham dự |
4 chuyên đề của Hội thảo, đó là: Từ truyền thừa đến chuyển hóa: Di sản Phật giáo chung; Nghệ thuật, kiến trúc và đời sống thường nhật: Những biểu đạt của văn hóa Phật giáo; Hành hương Phật giáo: Kết nối các di tích thiêng liêng và Thực hành thiền định và trao đổi Phật pháp: Con đường Phật giáo xuyên biên giới.
Qua thời gian du nhập mới mẻ ban đầu, Phật giáo từ Ấn Độ nhanh chóng hòa nhập vào văn hóa và tín ngưỡng dân gian của nước ta. Trước khi giao lưu văn hóa với Trung Quốc, bằng chứng là trong ngôn ngữ Việt, từ “Bụt” xuất hiện trước từ “Phật”. Từ “Bụt đã có trong các truyện cổ dân gian, mà “Bụt” là tiếng người Việt phiên âm trực tiếp từ tiếng Phạn “Buddha”. Trong lịch sử, từ thế kỷ II đến thế kỷ IX, X ở trung tâm Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) không chỉ là nơi dịch kinh Phật từ chữ Phạn sang chữ Hán (đọc theo âm Hán - Việt), mà còn là nơi đào tạo, giảng dạy Phạn ngữ (Pāli, Sanskrit) để các vị sư có đủ trình độ về ngôn ngữ trước khi sang Ấn Độ du học và nghiên cứu về kinh văn Phật giáo. Nếu từ thế kỷ thứ III về sau, các danh tăng Ấn Độ như ngài Ma-ha-kỳ-vực, ngài Chi-cương-lương (Cương-lương-lâu-chí). sang truyền bá Phật giáo tại Giao Châu, thì sau đó nhiều đoàn du tăng Việt Nam đã sang Ấn Độ học tập và nghiên cứu. Chẳng hạn, thế kỷ thứ VII có Pháp sư Trí Hành, quê gốc Ái Châu (tỉnh Thanh Hóa ngày nay) đã sang Ấn Độ nghiên cứu và có những trước tác để lại. Đây là bằng chứng lịch sử quan trọng thể hiện sự tương tác giữa hai quốc gia trong quá khứ. Tiếp nối mối quan hệ hữu hảo này, trong thể kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nehru đã kế thừa và phát huy tốt đẹp truyền thống này.
Điều đó thể hiện Phật giáo Ấn Độ có sức ảnh hưởng rất to lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam. Cùng với đạo Phật, đạo Hindu có nguồn gốc từ Ấn Độ cũng đã du nhập vào miền Trung và phía Nam Việt Nam từ đầu Công nguyên, đã bản địa hóa thành nền văn hóa Chăm của vương quốc Champa hùng mạnh (từ khoảng 2000 năm trước, suốt dọc từ dải đất miền Trung đến tận vùng Đồng Nai của Nam Trung Bộ đã xuất hiện bộ tộc người Chăm, chủ nhân của nhà nước Champa). Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, dân tộc Chăm đã để lại một nền văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc vô cùng độc đáo, không hề thua kém bất cứ quốc gia cổ đại nào trong vùng Đông Nam Á ở cùng thời điểm tương quan. Nghệ thuật Champa cùng với những công trình sáng lập đồ sộ và có giá trị đặc biệt. Với những tác phẩm điêu khắc thông qua những vật liệu bằng đồng, đá đã mô tả về các chủ đề Phật giáo, phát triển hầu khắp tất cả không gian rộng lớn của vương quốc Champa, từ miền Bắc Indrapura đến miền Nam Panduranga.
Cho đến nay, đa phần các di tích về nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Champa đang trong tình trạng đổ nát. Vì vậy, việc phục dựng lại những đặc điểm của kiến trúc Champa gặp nhiều khó khăn, vì các nhà phục dựng hiện nay chưa tường minh nhiều điều về phương thức xây dựng kiến trúc này.
Ông Mahesh Chand Giri, Quyền Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM phát biểu chúc mừng |
Ông Mahesh Chand Giri, Quyền Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM thay mặt Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu chúc mừng Viện Nghiên cứu Phật học VN 35 năm hình thành và phát triển đã có những cống hiến quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và tâm linh.
"Ấn Độ vinh dự là quê hương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và là nơi lưu giữ di sản to lớn về cuộc đời, giáo pháp, tư tưởng của Ngài, cùng với ảnh hưởng bất hủ của Ngài đối với nhân loại. Có thể nói, Đức Phật đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, triết học, xã hội và công chúng ở Ấn Độ.", ông Mahesh Chand Giri nhận định.
Ông Mahesh Chand Giri cho biết hiện nay có hàng trăm Tăng Ni, học giả và sinh viên Phật giáo từ Việt Nam đã tham gia các chương trình cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về Phật giáo, triết học, ngôn ngữ Pali và các lĩnh vực liên quan tại các trường đại học uy tín ở Ấn Độ. Qua đó cho thấy Phật giáo là cầu nối quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Hòa thượng Thích Gia Quang phát biểu |
Sự ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ tới Phật giáo Việt Nam và dấu ấn đó sẽ tiếp biến, phát triển và giao thoa, cùng tồn tại trong mối quan hệ đa chiều, đa cực cũng như sự tương đồng văn hóa trong tiến trình hội nhập toàn cầu giữa hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ.
Văn hóa tôn giáo nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy và phát triển quan hệ giữa hai nước. Tình hữu nghị giữa hai nước sẽ được tăng cường thúc đẩy mối thân tình giữa các ngôi chùa và thiền viện, quảng bá những giáo lý của đức Phật vì hòa bình thịnh vượng và sự hòa hợp trên toàn thế giới. Việc kết nối hai nền văn hóa Việt Nam và Ấn Độ, nhất là ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo đối với hai quốc gia là cần thiết, bởi đây là lĩnh vực văn hóa với những tư tưởng minh triết và có giá trị lâu dài.
Để nâng cao mối quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam nhằm tạo sự hiểu biết giữa hai nền văn hóa, nhất là văn hóa Phật giáo, các nhà nghiên cứu cần nối kết giữa quá khứ với hiện tại, giữa hiện tại với tương lai, để từ đó tạo mối quan hệ ngày càng thắt chặt hơn. Ấn Độ nên tạo điều kiện tối đa về tiện nghi để giúp học giả Việt Nam đến đất nước Ấn Độ nghiên cứu về tư tưởng kinh điển Veda, về ngôn ngữ Sanskrit và ngôn ngữ Pāli và Việt Nam hiện nay có truyền thống và thế mạnh là nghiên cứu về ngôn ngữ Pali.
Với Hội thảo “KHÁM PHÁ NHỮNG LIÊN KẾT LỊCH SỬ, TÂM LINH VÀ VĂN HÓA CỦA PHẬT GIÁO GIỮA ẤN ĐỘ VÀ VIỆT NAM”, cộng đồng Tăng, Ni Phật tử Việt Nam, Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp phần cùng với Nhà nước và với cả 2 quốc gia trong việc phát huy di sản văn hóa Phật giáo, di sản văn hóa tâm linh tôn giáo trong thực tiễn, củng cố và xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc, mang lại hy vọng, ánh sáng và niềm tin vào sự thịnh vượng của Việt Nam và Ấn Độ trong kỷ nguyên mới.
P.V