shunshine group

Như chàng Đăm Săn đi tìm nữ thần mặt trời

Lý Thị Thuỷ

20/07/2021 23:42

Nếu như hành trình của chàng tù trưởng Đăm Săn là hành trình chinh phục tự nhiên thì Đi về phía Mặt Trời của Lê Tấn Nghĩa chính là hành trình chinh phục cái đẹp của thi ca.

Tôi không biết nhà thơ Lê Tấn Nghĩa có yêu thích hình tượng chàng Đăm Săn trong sử thi Đăm Săn không, có ngưỡng mộ hành động táo bạo của chàng tù trưởng hùng mạnh đã có vợ đẹp, có chiêng lắm la nhiều rồi vẫn không thôi một khát vọng lớn lao là đi cầu hôn nữ thần Mặt Trời về làm vợ và có những ân tình nào dành riêng cho mảnh đất tây nguyên – nơi khởi nguồn của những bản sử thi anh hùng bất tận như sử thi Đăm Săn hay không?

Chỉ là ngay khi vừa nhìn vào cái tên tập thơ là “Đi về phía Mặt Trời” và cả bài thơ cùng tên đầu tiên thôi người viết những dòng này lại nhớ đến hành trình đi tìm nữ thần Mặt Trời của chàng tù trưởng Đăm Săn. Với sự liên tưởng đó, tôi đã đọc Đi về phía mặt trời trong tâm thế so sánh chàng thi sĩ Lê Tấn Nghĩa đi về phía Mặt Trời với chàng tù trưởng Đăm Săn đi cầu hôn nữ thần Mặt Trời.

Con người ai cũng đến rồi đi như một định mệnh mà trên chuỗi thời gian đó trên cuộc đời của riêng anh đã có những chuyến đi tìm lại chính mình hay tìm một niềm tin yêu cuộc sống đang ở mãi phía trước. Lê Tấn Nghĩa là thế , những chuyến đi trong đời anh trải qua để tìm gì trong nỗi khắc khoải mơ hồ.

Nếu như hành trình của chàng tù trưởng Đăm Săn là hành trình chinh phục tự nhiên thì Đi về phía Mặt Trời của Lê Tấn Nghĩa chính là hành trình chinh phục cái đẹp của thi ca. Trên con đường ấy là những trải nghiệm về cuộc sống trần thế, với tất cả những cung bậc thăng trầm, sướng khổ, vui buồn của cuộc đời và thi sĩ tự nhận mình như một kẻ rong chơi trên con đường hoạn lộ:

Tôi rong chơi giữa đời

Trên bước đường hoạn lộ

Hành trình ấy không ít những gian nan và thử thách bởi những “chốn hoang vu trầm mặc”, “cái nắng chói chang”, “lũ quỷ bày trò ma ám”, “bầy quỷ ám”, có cả “những người đang học đòi làm nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình nhưng kiến thức thì nghèo nàn trống rỗng”. Ở tuổi tri thiên mệnh, nhà thơ đủ từng trải để hiểu lẽ đời là như thế, con đường đến với cái tuyệt mỹ là con đường lắm gian nan nhưng không vì thế mà anh nản lòng, chùn bước. Người tự nhận mình là kẻ rong chơi ấy vẫn lựa chọn:

Tôi đi về phía tôi

Đi về phía Mặt Trời.

Vâng, đó là một lựa chọn, lựa chọn một lối đi riêng của chính mình, lựa chọn đi về phía Mặt Trời, là không đồng hành với “bầy quỷ ám”, là không chung lối với những “kẻ a dua xu nịnh”. Nhờ vậy mà thi nhân có được cái tâm thế giữa dòng đời nhìn rõ đục trong.

Nhà thơ Lê Tấn Nghĩa

Đi về phía Mặt Trời là một hành trình rong chơi, trải nghiệm đường trần của thi nhân với những điều tai nghe mắt thấy. Toàn bộ tập thơ là một bức tranh với hai gam màu sáng tối của hai thế giới đối lập nhau rõ rệt, điều này thể hiện rõ nhất trong các bài thơ như: Đi về phía Mặt Trời, Giọt nước hồi sinh, Say thơ, Độ rơi của đóa hồng, Chiếc bóng và tôi, Lẽ ở đời, Tử ca,.. Đặc biệt là bài thơ Giọt nước hồi sinh. Màu sáng là thế giới của những con người cần lao gần gũi “người thợ cày vật vạ bên đường”, “cô công nhân gục đầu bên máy khâu”, “đám trẻ con chơi trò bắt ma”, “người chiến sĩ đang ngày đêm ở hải đảo”, “những bà mẹ Việt Nam anh hùng” và mảng màu tối là của những hình ảnh của những “cạm bẫy và bầy lang sói”, “lũ chó săn”, “đám buôn lậu”, “đám loạn thần”, “bầy ngạ quỷ”. Giữa hai mảng màu sáng tối ấy vẫn là chân dung của kẻ lãng du đi về phía mặt trời, nhìn đời mà “lòng vẫn thấy thương sao những hình hài số phận”. Bài thơ không trau chuốt về ngôn từ cũng không thật sự đặc biệt về mặt cấu tứ nhưng lại có thể gây ấn tượng cho người đọc bởi những hình ảnh đối lập đến mức ám ảnh, khó quên như thế. Hơn nữa, khi tiếng thơ hướng đến những con người cần lao như vậy cũng góp phần gây được cảm tình đối với bạn đọc. Con đường đến với thi ca của Lê Tấn Nghĩa, vì thế có lẽ cũng chính là con đường đến với những kiếp người cần lao để thấu hiểu, để cảm thông và để yêu thương. Trên con đường ấy, thi nhân vẫn luôn tự nhắc nhở mình luôn “nhận ra mình” giữa “ảo và thực” giữa “đôi bờ thiện ác” để “đi về phía Mặt Trời với bao điều tốt đẹp”.

Như thể để làm dịu hơn sự tương phản của hai gam màu sáng tối, bên cạnh những bài thơ mang khuynh hướng thế sự như trên, trong Đi về phía mặt trời còn có một số bài thơ về tình yêu như: Trái đắng, hai nửa cuộc đời, giọt đắng ái tình, Em, Người đàn bà của anh, Đong đầy giọt xuân,… Có lẽ tình yêu là liều thuốc dễ khiến cho người ta bị ảo giác nhất bởi khi yêu rồi người ta sẽ thấy đời đẹp hơn, dễ nhìn đời qua lăng kính màu hồng hơn. Hoặc ít nhất thì người ta cũng dễ chìm trong bể tình, dễ mơ mộng, lãng đãng mà quên đi phần nào cái thực tại cuộc sống đang song hành đối chọi giữa thiện và ác. Đến với tình yêu, thơ của Lê Tấn Nghĩa không còn nhắc đến những hình ảnh như “bầy quỷ ám”, “đám buôn lậu”, “lũ chó săn”… mà chỉ còn là những cung bậc của rung động, của khát khao yêu và được yêu. Là “tím đợi chờ rơi rụng trong anh” và “Em sẽ mãi là vì sao. Để trái tim anh không còn đi lạc hướng”. Thế nhưng, đọc những bài thơ tình của Lê Tấn Nghĩa, chúng ta vẫn thấy không khí chung là buồn, buồn vì sự chia ly, cách trở “Tình buồn tiếng quốc tu oa. Lẻ đôi nhớ bạn vào ra thẫn thờ”, “Em về. Bóng ngả phía sau. Tơ duyên gãy gánh. Còn đâu ngọt lành”. Và rồi dù có bị lạc trong biển tình đến đâu thì thi nhân cũng vẫn rất tỉnh táo để nhận ra rằng “Tuổi xuân đi qua rất vội. Tình buồn một giấc mơ hoa”. Buồn vì cuộc đời ngắn ngủi, tuổi trẻ chóng đi qua và tình yêu cũng tan nhanh như giấc mộng. Nếu như những bài thơ mang khuynh hướng thế sự là những nét vẽ chắc khỏe, đậm màu sáng tối thì những bài thơ tình lại được hiện lên với dáng vẻ của những nét bút mềm mại với gam màu dịu nhẹ góp phần làm hài hòa thêm bức tranh con đường đi về phía mặt trời của thi nhân.

Với 60 bài thơ là những khoảnh khắc trải nghiệm của thi nhân khi rong chơi giữa chợ đời. Dòng đời có đục có trong, có thăng trầm có buồn vui, tình yêu có hội ngộ rồi chia ly, có hạnh phúc và cả những khổ đau nhưng dù có “Nửa đời tay vẫn trắng tay” thì “Yêu em vẫn cứ đong đầy giọt xuân”. Hành trình của cuộc rong chơi giữa chợ đời của thi nhân dường như cũng không dễ dàng hơn hành trình của chàng tù trưởng Đăm Săn đi tìm nữa thần Mặt Trời là mấy. Chỉ biết rằng, cuối cùng thì nhà thơ vẫn luôn kiên định con đường đi của chính mình -đi về phía mặt trời. Và rồi cuộc đời là hữu hạn, sẽ có lúc chúng ta mỏi gối chồn chân, đó là khi cuộc lãng du đã đến mùa gió chướng. Sinh tử là lẽ vô thường, ai rồi cũng phải như thế. Thi nhân hiểu rõ thế nhưng cũng không khỏi thốt lên nghẹn ngào trước quy luật khắc nghiệt của thời gian:

Thôi ta về nghe em

Cuộc lãng du đã đến mùa gió chướng

Cát bụi sẽ đón ta về

Cho ngày mới hồi sinh.

(Vòng đời)

Khi hiểu lẽ vô thường, người ta biết quý cuộc đời hơn và biết sống hơn. Với sự từng trải của mình, có lẽ nhà thơ Lê Tấn Nghĩa càng thấm thía sự quý giá của từng khoảnh khắc của cuộc sống hơn bao giờ hết. Càng yêu cuộc sống, anh càng yêu thơ vậy. Anh làm thơ mà như kể lại những gì mình tai nghe mắt thấy, những gì mình suy nghĩ. Thơ của Lê Tấn Nghĩa vì thế mà chân chất như hơi thở của những người con của miền trung thật thà, có sao nói vậy, không cầu kỳ hoa mỹ, cũng không nặng về trau chuốt ngôn từ hay vần điệu cấu tứ của từng bài thơ. Thơ của anh như là tâm tình, như giãi bày, nhiều khi như là tự nói với chính mình vậy, gần gũi mà thân thương lạ. Nhân vật trữ tình trong trong thơ anh tự nhận mình là “tôi rong chơi”, “kẻ lãng du”, “kẻ lãng du”, “gã mã phu già” trên hành rong chơi giữa chợ đời, sống và yêu giữa cái chợ đời ấy luôn trong tâm thế đi về phía mặt trời. Đó chính là điểm khác biệt của Lê Tấn Nghĩa, không lẫn với bất kỳ ai.

Tối

Thôi ta về nghe em

Cuộc lãng du đã đến mùa gió chướng

Cát bụi sẽ đón ta về

Cho ngày mới hồi sinh

(Vòng đời)

Bạn đang đọc bài viết "Như chàng Đăm Săn đi tìm nữ thần mặt trời" tại chuyên mục Văn hóa – Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh