Trong cái nắng gay gắt, dòng người xếp hàng ngay ngắn để nhận suất cơm trưa tại nhà bà Dương Thị Tiên tại khu dân cư Bình Hưng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Người đến nhận cơm đa phần là những lao động tự do, từ anh xe ôm cho đến những cụ già bán vé số, mọi người đều rất vui mừng khi nhận được những suất cơm trưa của gia đình nhà cô Tiên.
Anh Lê Vũ (32 tuổi, quê ở tỉnh BRVT) là tài xế công nghệ cho biết: “ Đợt dịch này, công việc của tôi bị ảnh hưởng nhiều lắm, mọi người hạn chế di chuyển nên thành ra cũng ít khách, trong khi đó biết bao nhiêu chi phí. Như tiền nhà, tiền ăn, rồi gửi về quê nữa. Nên nhận được sự chia sẻ của gia đình cô Tiên bằng những hộp cơm thế này thì tôi rất cảm ơn, rất vui. Hy vọng đợt này thành phố mình vượt qua cơn dịch, chứ thế này khổ quá.”
“Giờ không chỉ riêng TpHCM mà cả nước mình dịch nhiều quá. Người nghèo đã khổ nay còn khổ hơn nên mình làm được gì thì cố gắng để sẻ chia với mọi người. Nhà tôi là nấu cơm phát từ thứ hai cho đến thứ bảy, cũng muốn làm được nhiều phần cơm hơn nữa nhưng sức mình có hạn. Năm nay tôi 63 tuổi rồi, may nhờ có mấy đứa con nó hỗ trợ thêm từ quyên góp trong gia đình, các nhà hảo tâm, cho đến phụ nấu ăn. Mong rằng sẻ chia phần nào với sự khó khăn của người, cố gắng vượt qua cơn dịch này.”- Bà Tiên chia sẻ thêm.
Hàng ngày, bắt đầu từ sáng sớm thì gia đình bà Tiên chia nhau ra các công việc từ chuẩn bị đồ ăn cho đến nấu nướng để nhanh chóng kịp đến buổi trưa phát cho bà con. Trung bình một ngày bà Tiên phát khoảng 350 hộp cơm trưa. Mỗi phần cơm đều có đủ rau xào, canh, và các món mặn, kèm theo đó là hai cái khẩu trang. Bên cạnh các phần cơm được phát hàng ngày thì gia đình bà Tiên còn trao tặng các phần quà nhu yếu phẩm cho các khu cách ly trên địa bàn.
Khu trọ của bà Bùi Thị Bên (57 tuổi) tại phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, có 35 phòng với gần 120 công nhân đang trọ. Trước tình hình dịch phức tạp, công nhân gặp nhiều khó khăn, gia đình bà Bên không chỉ giảm tiền nhà trọ mà còn hỗ trợ thêm các nhu yếu phẩm như: gạo, mỳ, trứng, rau, củ…và luôn nhắc nhở, căn dặn mọi người hạn chế ra ngoài khi không thật cần thiết, đảm bảo các biện pháp an toàn cho sức khoẻ.
Bạn Hoàng Ngân Trung (23 tuổi) là nhân viên văn phòng cho biết: “Từ khi thành phố xảy ra dịch bệnh, nên công ty tạm thời cho nghỉ ở nhà, không đến văn phòng nữa, thu nhập thì cũng giảm phần nào. Trong thời gian này thì cô Bên có động viên, nhắc nhở các biện pháp phòng dịch và cô còn giúp đỡ về tiền phòng, thực phẩm. Tôi rất là cảm kích trước tấm lòng của cô, việc này rất có ý nghĩa động viên tinh thần, cuộc sống trong thời gian giãn cách cũng phần nào đỡ hơn.”
Được biết, từ nhiều năm nay khu trọ bà Bên không chỉ giữ nguyên giá cho thuê, mà bà Bên còn làm đồng hồ điện, nước riêng cho từng phòng để công nhân được xài điện, nước đúng giá. Nhiều người ở nhà bà từ lúc độc thân đến khi lấy chồng, lấy vợ rồi sinh con vẫn không muốn rời đi. Ở cùng nhau lâu nên công nhân xem bà như mẹ, còn bà cũng quý họ như con cháu trong nhà.
“Tôi thì xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, một thời đi làm, ở nhà thuê nên mình thấu hiểu những hoàn cảnh như vậy. Nên giờ hỗ trợ các bạn được gì thì hỗ trợ, mỗi khi cơn dịch thì gia đình lại tặng gạo, mỳ, khẩu trang….chỉ mong các bạn mạnh khoẻ qua được cơn dịch.”- bà Bùi Thị Bên chia sẻ.
Cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 có lẽ còn kéo dài, cam go và không ít khó khăn. Trong cơn hoạn nạn thì dường như tình người ngày càng gắn kết và không ngừng lan toả. Thành phố còn đó rất nhiều những con người, những hành động thiết thực như bà Tiên, cô Bên. Những suất cơm trưa, những phần quà tuy nhỏ nhưng trong đó chứa đựng nghĩa tình của con người đối với nhau. Những nghĩa cử đùm bọc, sẻ chia đang lan tỏa nhắc nhớ chúng ta biết trân trọng những gì đang có và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng.