Theo BCTC hợp nhất quý I (niên độ tài chính 1/7/2024 - 30/6/2025), Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Mía đường Lam Sơn - Lasuco) ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, trong kỳ, Lasuco ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 481 tỷ đồng, giá vốn hàng bán ghi nhận 424 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 56,9 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các khoản thu và chi phí, trong quý I này Lasuco ghi nhận lợi nhuận sau thuế 22,8 tỷ đồng tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về sự tăng trưởng này, trong báo cáo giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Lasuco cho biết kết quả này do trong kỳ đơn vị ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ, đồng thời, mặc dù doanh thu tăng nhưng đơn vị này đã quản trị tốt các chi phí cơ bản như chi phí quản lý trong kỳ này giảm 18,4% so với cùng kỳ, chi phí bán hàng giảm 0,4% mặc dù doanh thu kỳ năng tăng gần 3%.
Cũng theo BCTC của Lasuco, phần lớn doanh thu ghi nhận được của Lasuco đều tới từ các hoạt động sản xuất dịch vụ nông nghiệp, với tỉ trọng gần 100% tổng doanh thu của đơn vị này. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm là 469 tỷ đồng, kỳ này đơn vị ghi nhận thêm doanh thu bán hàng hóa hơn 11 tỷ đồng, giúp Lasuco tiến sát mốc thu 500 tỷ đồng trong một quý.
Phù hợp với tỉ trọng lớn doanh thu từ ngành nông nghiệp, hiện Mía đường Lam Sơn có 7 công ty con và các công ty này đều hoạt động trong linh vực nông nghiệp. Theo đó, lĩnh vực hoạt động chủ yếu các công ty con này phục vụ trải dài từ khâu giống cây trồng tới khâu chế biến "tinh" và phân phối sản phẩm. Từ đó, tạo ra "hệ sinh thái nông nghiệp Lasuco", giúp đơn vị tiết giảm chi phí và ngày càng chủ động hơn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, hiện Lasuco đang triển khai các dự án lớn như dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chi phí đầu tư xây dựng dở dang 30 tỷ đồng, dự án nhà máy nước mía cô đặc đã đầu tư hơn 17 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong các khoản đầu tư dở dang là dự án công viên sinh thái tre luồng Tam Thanh với vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, trên diện tích 159,2 ha, tại 4 xã, gồm: Xuân Bái, Thọ Xương, Xuân Phú, huyện Thọ Xuân và xã Thọ Thanh huyện Thường Xuân.
Dự kiến trong giai đoạn 1 được đầu tư 200 - 300 tỷ đồng. Tiếp đó, từ 2020 - 2025 đầu tư khoảng 800 - 1.000 tỷ đồng. Tuy vậy, quá trình triển khai dự án vẫn đang chậm tiến độ do nhiều vướng mắc thủ tục. Tại dự án Mía đường Lam Sơn đã đầu tư hơn 272,9 tỷ đồng theo ghi nhận tới ngày 30/9/2024.
Về cơ cấu tài sản, tính tới ngày 30/9, tổng tài sản của công ty đạt 2.718 tỷ đồng. Đồng thời với tình hình kinh doanh thuận lợi cũng giúp Mía đường Lam Sơn tích lũy lượng vốn chủ sở hữu lên tới hơn 1.790 tỷ đồng,trong đó vốn góp của chủ sở hữu 801 tỷ đồng. Trong khi đó, vay nợ tài chính cả dài hạn và ngắn hạn ghi nhận ở mức gần 700 tỷ đồng tại thời điểm nêu trên.
Trong niên độ sản xuất kinh doanh 2024-2025, Lasuco đặt kế hoạch doanh thu thuần toàn công ty là 2.700 tỷ đồng, tăng 0,3% so với thực hiện niên độ 2023 - 2024. Lợi nhuận trước thuế 145 tỷ đồng, tăng 0,9% so với thực hiện niên độ 2023 - 2024. Cổ tức dự kiến niên độ là 10-15%. Trước đó trong niên độ tài chính 2023 – 2024, Lasuco đạt doanh thu thuần hơn 2.692 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 143,7 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Công ty Mía đường Lam Sơn bắt đầu niêm yết với mã chứng khoán LSS trên Sở giao dịch Tp.Hồ Chí Minh (HoSE) từ ngày 21/12/2007. Hiện, có hơn 80 triệu cổ phiếu LSS được niêm yết và lưu hành trên thị trường. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp niêm yết đầu tiên, có trụ sở hoạt động chính trên địa bản tỉnh Thanh Hóa.
Phiên giao dịch ngày 8/11, cổ phiếu LSS có giá đóng cửa là 11.450 đồng/cổ phiếu, và vốn hóa thị trường đạt khoảng 917 tỷ đồng.
Việt Phương