Sau khoảng ba giờ đi bộ và thực hiện các trò chơi vận động, 1.500 sinh viên, nhân viên văn phòng và nhóm gia đình đã thực hiện 10 triệu bước chân để “mở khóa” quỹ 25.000 USD từ CapitaLand Việt Nam.
Việc đếm số bước chân được thực hiện bằng ứng dụng di động. Thông qua việc “mở khóa” quỹ hỗ trợ, cộng đồng đã cùng mở ra cánh cửa giúp trẻ tự kỷ hoà nhập tốt hơn với xã hội, mang lại cơ hội, hy vọng cho hàng ngàn trẻ em tự kỷ và gia đình.
Hơn 10 triệu bước chân đã được ghi nhận trên bảng điện tử.
Sự kiện được tổ chức bởi Saigon Children’s Charity CIO (saigonchildren) kết hợp cùng CapitaLand Việt Nam. Trong khoảng một tháng trước sự kiện, saigonchildren đã phát động chiến dịch trực tuyến #stepupforautism. Với hoạt động chia sẻ số bước chân lên mạng xã hội, chiến dịch đã đạt được gần 200 triệu "bước chân trực tuyến", gấp đôi mục tiêu đề ra ban đầu, góp phần lan tỏa và nâng cao nhận thức cộng đồng về tự kỷ.
saigonchildren cho biết, số tiền gây quỹ sẽ được sử dụng cho các dự án về giáo dục dành cho trẻ tự kỷ khắp cả nước, thông qua các hoạt động tập huấn cho các nhà thực hành giáo dục đặc biệt và những người chăm sóc hoặc cha mẹ trẻ tự kỷ, tạo sân chơi cho trẻ tự kỷ và cha mẹ, hỗ trợ phát triển chương trình giáo dục dành cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam, thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về trẻ tự kỷ…
“Từng làm việc tại Mỹ, tôi đã biết đến một số gia đình có con cái mắc chứng tự kỷ nhưng lúc đó tôi chưa hiểu biết nhiều về vấn đề này. Hiện nay qua tìm hiểu, tôi biết rằng nhiều trẻ tự kỷ nếu được giáo dục đúng cách sẽ phát triển bình thường. Vì vậy chúng ta cần đầu tư nhiều hơn cho việc giáo dục đúng đắn với trẻ tự kỷ, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng để các bé không bị kỳ thị bởi những người không hiểu về chứng tự kỷ”, đại sứ Dustin Phúc Nguyễn chia sẻ với Forbes Việt Nam.
Năm 2016, ngân sách liên bang dành cho việc nghiên cứu về tự kỷ ở Mỹ lên đến 216 triệu USD, tăng từ 192 triệu USD vào năm 2012, theo Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ. Hiện Việt Nam chưa có số liệu chính thức về số lượng người mắc chứng tự kỷ, nhưng GS. Nguyễn Thanh Liêm – nguyên Giám đốc bệnh viện Nhi trung ương trong một sự kiện về người tự kỷ hồi tháng 4 đã ước tính, ở Việt Nam có khoảng 1 triệu trẻ tự kỷ.
Một nghiên cứu năm 2017 về các vấn đề liên quan đến tự kỷ và sức khỏe của tổ chức Autism Speaks, tuổi thọ trung bình của một người mắc chứng tự kỷ chỉ bằng một nửa so với dân số nói chung (36 so với 72 tuổi). Tuy nhiên nghiên cứu này cũng cho thấy, tự kỷ không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng tuổi thọ thấp cho những người mắc chứng này, nhưng là do béo phì, trầm cảm, lo lắng... Trong khi đó, các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần này hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu người tự kỷ nhận được sự hỗ trợ tốt hơn bởi những người thân và cộng đồng có hiểu biết về chứng tự kỷ.
V.S