Nhà máy mía đường 333 tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Ea Knốp dân cư đông đúc, lại cạnh trường học nên trong thời gian dài liên tục bị phản ánh hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe người dân…
Nhà máy xả thải gây ô nhiễm, người dân bức xúc
Nhà máy Mía đường 333 (thuộc Công ty Cổ phần mía đường 333) có công suất chế biến khoảng 3.500 tấn mía/ ngày. Trong quá trình hoạt động Nhà máy này đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nằm cạnh nhà máy, hàng ngày, học sinh trường Tiểu học Nguyễn Huệ không tránh khỏi mùi hôi thối bủa vây, hay khói bụi từ xe chở mía nguyên liệu, xe chở bã mía, bùn thải… qua lại trước cổng trường. Xa hơn vài trăm mét là trụ sở UBND thị trấn Ea Knốp, trường mầm non, chợ dân sinh… cũng rơi vào tình cảnh tương tự, không chỉ mùi hôi mà khói bụi cũng tràn vào tận phòng làm việc, phòng học, hàng quán.
Theo tính toán, lượng nước dùng cho sản xuất và lượng nước thải ra môi trường gần tương đương nhau. Trong đó, có lượng nước thải từ Nhà máy đường 333 được tuồn thẳng xuống hồ Ea Knốp làm cho nguồn nước trong hồ bị ô nhiễm; nguồn nước giếng của các hộ dân xung quanh cũng ngày một ô nhiễm không thể sử dụng để sinh hoạt. Nhiều gia đình phải “cắn răng” mua nước đóng bình về sử dụng.
Được biết, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền huyện Ea Kar và lãnh đạo nhà máy. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này không những không được xử lý mà mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Có mặt tại khu vực Nhà máy đường 333, phóng viên (PV) đã ghi nhận tình trạng nhà dân phải thường xuyên đóng kín cửa, nhiều hàng quán hầu như không thể kinh doanh vì bụi và mùi hôi lan rộng đến cả hàng cây số.
Tại hồ Ea Knốp, chúng tôi phát hiện một ống nước xả trực tiếp được âm dưới đáy hồ. Quan sát bằng mắt thường, khu vực mặt hồ tại đầu ống xả, nước có màu đen, xủi bột và bốc mùi hôi thối nồng nặc…
Trao đổi với congnghiepmoitruong.vn, ông Trần Văn K. - một người dân sống gần nhà máy cho biết: “Nhà máy đường được đặt ngay trung tâm thị trấn nên dân cư khá đông đúc. Vì vậy, việc ô nhiễm môi trường từ hoạt động của nhà máy sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người. Thông thường nhà máy xả khí ga vào ban đêm, khoảng 1-2 h sáng. Tại khu vực này nhiều giếng khoan bị tắc, nước ô nhiễm có mùi tanh, mùi lưu huỳnh, nếu không có máy lọc nước sẽ không dùng được. Khi người dân phản ánh phản ánh tình trạng này, nhà máy cũng đã tài trợ được máy lọc nước cho vài hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
Ngay tại đất của nhà tôi cũng có một đường ống ngầm xả thải đi qua. Giờ muốn xây dựng nhà cửa cũng không biết làm thế nào. Nhân đây, chúng tôi cũng đề nghị chính quyền đại phương và nhà máy đường 333 phải có chính sách giải quyết cho người dân bị ảnh hưởng nhằm ổn định cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cho người dân…”.
Còn bà Nguyễn Thị V. - một người bán quán nước gần đó cho biết thêm: “Khi nhà máy đường này hoạt động cuộc sống của gia đình tôi và những người xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khói bụi và tiếng ồn từ nhà máy. Bên cạnh đó, mùi hôi còn gây nên bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, viêm phế quản, đó là chưa nói nhiều người dân bị chết vì bệnh ung thư. Đặc biệt là nước thải gây nên thường xuyên bệnh ngoài da như lở lét, ngứa ngáy…"
"Nhà máy thường tranh thủ đêm tối để xả trực tiếp ra hồ Ea Knốp gây nên mùi hôi thối. Khi người dân phản ảnh, nhà máy có xuống nhưng không có động thái giải quyết… Vấn đề ô nhiễm còn ảnh hưởng đến tình hình buôn bán của người dân như gia đình tôi khi mùi hôi từ nhà máy, bụi bặm từ xe chở mía, xe chở bã mía khiến khách không dám ngồi uống nước…” - bà V. bức xúc.
Chính quyền địa phương nói gì?
Liên quan đến vấn đề nêu trên, ngày 19/5/2023, trao đổi với congnghiepmoitruong.vn, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch UBND thị trấn Ea Knốp cho biết: “Cách đây 5 - 7 năm tình trạng ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng, nên người dân phản ánh nhiều, thời gian gần đây nhà máy cũng đã khắc phục phần nào. Khói bụi từ nhà máy bay ra và đọng trên mái tôn và nhà người dân dẫn đến giảm tuổi thọ của tôn. Hệ thống nước giếng của người dân bị ảnh hưởng nên cách đây vài năm, nhà máy cũng đã hỗ trợ 50-60 máy lọc nước cho những gia đình gần nhà máy để lọc nguồn nước bị ô nhiễm…”.
Liên quan đến phản ánh của người dân về việc nhà máy xả thải làm ô nhiễm nước hồ Ea Knốp làm cá chết, ông Hưng chia sẻ:“Hồ Ea Knốp do nhà máy đường quản lý. Chúng tôi đang đề nghị giao về cho địa phương để địa phương quản lý. Bản thân tôi từng nhúng chân xuống thử, sau đó về nhà có thì có cảm giác bị ngứa. Địa phương cũng đã báo cáo lên lãnh đạo huyện khi người dân có ý kiến về tình trạng xe chở bã mía làm bụi bay ảnh hưởng đến những hộ dân ven đường…”.
Đề cập đến kế hoạch di dời nhà máy khỏi địa bàn thị trấn Ea Knốp, ông Hưng cho biết: “Theo kế hoạch thì năm 2025, Nhà máy đường 333 sẽ di dời đến khu công nghiệp sản xuất tập trung….”.
Liên quan đến vụ việc, ông Võ Như Anh - Chánh văn phòng UBND huyện Ea Kar cho biết: “Hồ Ea Knốp là một trong hai hồ nước lớn và quan trọng nhất của huyện Ea Kar. Tuy nhiên, điều bất cập là hồ Ea Knốp lại thuộc sự quản lý của Nhà máy đường 333. Hiện tại địa phương cũng đã đề nghị giao lại cho địa phương quản lý nhưng vẫn chưa được chấp nhận…”.
“Lãnh đạo huyện sẽ chỉ đạo cho Phòng Tài nguyên và Môi trường báo cáo những vấn đề PV đã thông tin theo phản ánh của người dân…” - ông Như Anh chia sẻ thêm.
Theo thông tin cơ quan chức năng địa phương, Nhà máy đường 333 cũng đã nhiều lần bị cơ quan chắc năng xử phạt. Cụ thể, tháng 1/2017 Công ty cổ phần mía đường 333 đã bị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng. Hay như đầu năm 2018 Nhà máy đường 333 cũng đã bị xử phạt do vận hành “chui” sau khi nâng cấp khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng…
Theo kế hoạch thì đến năm 2025 Nhà máy đường 333 mới chính thức được di dời. Theo đó, tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy này sẽ vẫn còn tiếp tục kéo dài, người dân vẫn nặng nỗi lo cho sức khỏe nếu không có sự vào cuộc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra tại Nhà máy đường 333.
Theo các chuyên gia, quá trình sản xuất đường từ cây mía sẽ sinh ra một số phụ phẩm như bã mía, mật rỉ, bùn lọc… Trong đó, mật rỉ chiếm 3%-5% trọng lượng mía đem ép với các thành phần là nước, đường saccara, đường khử, tro, protein… Bên cạnh đó, phần cặn bã còn lại sau khi chế biến đường là bùn lọc, chiếm khoảng 1,5%-3% trọng lượng đem ép.
Nước thải của ngành công nghiệp mía đường luôn chứa một lượng lớn các chất hữu cơ bao gồm các hợp chất của cacbon nitơ, phốt-pho. Các chất này dễ bị phân hủy bởi các vi sinh vật, gây mùi hôi thối cho không khí và nguồn nước. Mặt khác, phần lớn các chất rắn lơ lửng có trong nước thải ngành công nghiệp mía đường ở dạng vô cơ, khi thải ra môi trường, các chất này có khả năng lắng và tạo thành một lớp dày ở đáy nguồn nước, phá hủy hệ sinh vật. Các khí độc trong quá trình phân hủy sẽ gây thiếu hụt ôxy trong nước, tác động xấu đến hệ sinh thái.