"Ông trùm" giáo dục tư nhân
Nguyễn Hoàng Group hiện là tập đoàn giáo dục tư thục từ mầm non đến cấp 3 có mức học phí thuộc hàng cao nhất cả nước. Ở hệ thống trường quốc tế Bắc Mỹ - SNA, học phí mầm non đã hơn 300 triệu đồng/năm cho năm học 2021-2022; học phí lớp 12 hơn 600 triệu đồng/năm. Như vậy, để học từ mầm non đến hết cấp 3, mỗi học sinh phải nộp học phí vài tỷ đồng. Trụ sở chính của Tập đoàn Nguyễn Hoàng tại sô 49 Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP.HCM).
Hệ sinh thái giáo dục của Nguyễn Hoàng Group bao gồm 60 trường học trải dài 24 tỉnh, thành phố trên cả nước với hơn 90.000 học sinh, sinh viên và hơn 4.500 cán bộ, nhân viên.
Hệ thống giáo dục tư thục của Nguyễn Hoàng Group là chuỗi khép kín từ bậc mầm non đến tiến sĩ. Những thành viên thuộc hệ sinh thái Nguyễn Hoàng Group có thể kể đến là hệ thống trường mầm non quốc tế Sài Gòn Academy (SGA), hệ thống Trường hội nhập quốc tế (iSchool), hệ thống trường quốc tế song ngữ Học viện Anh quốc (UK Academy), hệ thống trường quốc tế Bắc Mỹ (SNA), trường quốc tế IEC, trường cao đẳng Hoa Sen (HSC), trường đại học Công nghệ Miền Đông (MIT University), trường Đại học Gia Định (GDU), trường đại học Bà Rịa - Vũng Tàu (BVU), trường đại học quốc tế Hồng Bàng (HIU), trường đại học Hoa Sen (HSU).
iSchool là hệ thống trường đào tạo liên cấp từ mầm non đến phổ thông. Được thành lập năm 2008, iSchool đã có mặt tại 14 tỉnh thành trên cả nước. Trong 10 năm qua, có hơn 40.000 học sinh đã học tại hệ thống iSchool; iSchool đang giảng dạy gần 6.000 học sinh từ mầm non đến lớp 12, là nơi làm việc của đội ngũ 700 giáo viên.
Theo Cổng đăng ký thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, người đại diện công ty là ông Hoàng Quốc Việt và bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo. Công ty đã nhiều lần thay đổi tên gọi từ Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Nguyễn Hoàng thành Công ty cổ phần công nghệ và giáo dục Nguyễn Hoàng. Cuối năm 2014, công ty được đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (Tập đoàn Nguyễn Hoàng).
Ban đầu, công ty có vốn điều lệ 105 tỉ đồng với các cổ đông sáng lập góp 99 tỉ đồng, tương đương 94,2% vốn điều lệ gồm ông Hoàng Quốc Việt (sinh năm 1971) góp 96 tỉ đồng (tỉ lệ 91,43%) bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo (sinh năm 1979) góp 2 tỉ đồng (tỉ lệ 1,9%) và ông Lê Thanh Huỳnh Cang góp 1 tỉ đồng (tỉ lệ 0,95%). Ông Việt giữ vai trò tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Theo thông báo thay đổi thông tin vào tháng 12/2015, ông Việt giữ chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty. Bà Thảo đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc kiêm vai trò là người đại diện theo pháp luật của Nguyễn Hoàng Group.
Trong qua trình phát triển, công ty cũng đã có sự thay đổi quy mô vốn nhanh chóng, từ 105 tỉ đồng năm 2013 nay đã tăng lên 3.000 tỉ đồng.
Tập đoàn Nguyễn Hoàng làm ăn thế nào?
Xuất phát điểm ban đầu của Tập đoàn Nguyễn Hoàng là một cửa hàng máy tính nhỏ trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM, được thành lập vào tháng 8/1999 bởi ông Hoàng Quốc Việt. Sau đó ông Việt rẽ sang mảng giáo dục với việc thành lập trường nghề i-Space, sau này nâng cấp thành trường cao đẳng nghề i-Space.
Năm 2008, doanh nghiệp này chính thức bước chân vào lĩnh vực giáo dục với việc mở trường đầu tiên mang tên trường hội nhập quốc tế iSchool tại Rạch Giá, Kiên Giang. Từ đây, Nguyễn Hoàng mở rộng ra các tỉnh lân cận như Long Xuyên – An Giang (năm 2008), Long An, Quy Nhơn – Bình Định (năm 2009), Nha Trang – Khánh Hòa (năm 2010)...
Với chủ trương xã hội hóa giáo dục, Nguyễn Hoàng Group nhận được rất nhiều ưu đãi từ các địa phương trong việc giao đất miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi thuế…
Năm 2011, sau 3 năm phát triển hệ thống iSchool ở nhiều địa phương, Nguyễn Hoàng đưa vào vận hành trường mầm non Quốc tế Saigon Academy tại TP.HCM. Cuối năm đó, Nguyễn Hoàng đầu tư hệ thống trường mầm non quốc tế SGA.
Cái tên Nguyễn Hoàng bắt đầu nhận được sự chú ý từ năm 2015, khi tập đoàn này tham gia một loạt thương vụ M&A đình đám với việc mua cổ phần đại học quốc tế Hồng Bàng (năm 2015), mua đại học Gia Định (2018) và sau đó là đại học Hoa Sen (năm 2018).
Tháng 5/2016, tập đoàn sáp nhập tiếp Trường Đại học Bà Rịa Vũng Tàu (BVU), thành lập UKA Bà Rịa – Vũng Tàu (tháng 6/2016), sáp nhập Trường Quốc tế Bắc Mỹ – SNA Nam Sài Gòn và thành lập viện hợp tác quốc tế và du học iStudent (tháng 12/2016)...
Đến tháng 7/2007, Nguyễn Hoàng chính thức chuyển sang mô hình quản trị tập đoàn, thay đổi nhận diện mới. Trong giai đoạn từ năm 2013 tới năm 2019, Nguyễn Hoàng liên tục tăng vốn điều lệ lên 20 lần tại thời điểm tháng 1/2019, đạt 3.000 tỷ đồng.
Vào tháng 4/2018, Nguyễn Hoàng Group đã tổ chức khởi công dự án "Thành phố giáo dục quốc tế" (IEC) tại tỉnh Quảng Ngãi với quy mô 90.372 m2, tổng vốn đầu tư 1.078 tỷ đồng.
Một dự án khác của Nguyễn Hoàng Group là IEC Nam Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án có quy mô quy hoạch khoảng 60 ha, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Với mô hình tương tự, tập đoàn này đã được chấp thuận các dự án IEC Hà Tĩnh (1.329 tỷ đồng, 22,1 ha), dự án IEC tại Đắk Lắk (2.500 tỷ đồng, 89 ha); IEC Thanh Hóa (1.329 tỷ đồng, 84,2 ha); dự án Thành phố giáo dục quốc tế Vũng Tàu (4.000 tỷ đồng, 4,5 ha). Dự án quy mô nhất của tập đoàn này là tổ hợp thành phố giáo dục quốc tế tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, Hải Phòng có diện tích 69,5 ha với vốn đầu tư lên tới 13.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Nguyễn Hoàng cũng đang trong quá trình triển khai nhiều dự án, như IEC Huế (40 ha) khởi công tháng 8/2018; IEC Bạc Liêu (40ha) khởi công vào tháng 10/2018.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ của doanh nghiệp, năm 2017, doanh thu thuần của Nguyễn Hoàng Group đạt 47 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thuần ở mức gần 329 tỷ đồng.
Năm 2018 và 2019, Nguyễn Hoàng ghi nhận doanh thu thuần lần lượt đạt 104,5 tỷ đồng và 91,4 tỷ đồng, nhưng báo lãi ròng ở mức 361,8 tỷ đồng và 304 tỷ đồng. Năm 2020, với mức doanh thu tương đương năm 2019, còn lãi ròng đạt trên 230 tỷ đồng.
Kết quả này có thể do cấu trúc của Nguyễn Hoàng Group khi Công ty Đầu tư Phát triển Nguyễn Hoàng giữ vai trò holding trong hệ sinh thái, sở hữu cổ phần tại nhiều công ty con, trong đó phần mang lại lợi nhuận lớn nhất là các cơ sở giáo dục.
Quy mô tài sản của công ty này tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2017 - 2020. Tại ngày 31/12/2020, quy mô tổng tài sản của Nguyễn Hoàng Group đạt gần 10.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 3.373 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình mở rộng của doanh nghiệp này phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nợ phải trả. Biểu hiện rõ nhất là chênh lệch tăng trưởng giữa tổng tài sản và vốn chủ sở hữu. Như năm 2020, trong khi tổng tài sản của Nguyễn Hoàng Group tăng 24% thì vốn chủ sở hữu lại giảm so với cuối năm trước.
Tai tiếng với nhiều dự án bất động sản "gắn mác" giáo dục?
Nguyễn Hoàng Group, ngoài hoạt động trong ngành giáo dục, còn được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án nghìn tỉ từ Bắc đến Nam. Bên cạnh những bước phát triển trong mảng kinh doanh giáo dục tư thục thì Nguyễn Hoàng Group dính nhiều lùm xùm quanh những dự án "đất vàng" được gắn mác giáo dục.
Từ năm 2021 đến nay, Nguyễn Hoàng Group triển khai phát triển quỹ đất ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, phần lớn những dự án này lại đang "án binh bất động". Cụ thể như loạt dự án tại Hà Tĩnh, Hải Phòng... đã được Nguyễn Hoàng Group đề xuất theo hình thức đầu tư dự án với tên gọi "thành phố giáo dục" nhưng chậm triển khai.
Tại tỉnh Thanh Hoá, dự án "thành phố giáo dục quốc tế" ban đầu được Nguyễn Hoàng Group dự tính sẽ khởi công vào tháng 6/2019, khánh thành toàn bộ công trình vào tháng 6/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dự án vẫn chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, thủ tục thực hiện dự án theo quy định, chậm tiến độ.
Đến đầu năm 2022, Nguyễn Hoàng Group tiếp tục xin điều chỉnh thời điểm khởi công xây dựng dự án từ quý 4/2021 sang quý 4/2022. Điều này, khiến thời điểm dự kiến hoàn thành dự án vào quý 3/2023 dời sang quý 3/2025.
Còn tại Quảng Ngãi, thời điểm năm 2018, tập đoàn Nguyễn Hoàng cũng dính nhiều lùm xùm tại dự án IEC Quảng Ngãi với diện tích khoảng 9 ha thuộc phường Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi).
Dự án này trước đó không có trong quy hoạch của tỉnh Quảng Ngãi, khu đất thực hiện dự án cũng có nguồn gốc là đất công viên. Tuy nhiên, vào năm 2017, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi bất ngờ thu hồi và chuyển giao cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng triển khai dự án Thành phố giáo dục quốc tế Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2019, Nguyễn Hoàng Group tiếp tục thâu tóm trường Đại học Phạm Văn Đồng nhưng không thành. Tập thể cán bộ hưu trí tại Quảng Ngãi đã gửi đơn ra Trung ương khiếu nại Nguyễn Hoàng Group muốn thâu tóm 30 ha đất vàng của trường Đại học Phạm Văn Đồng, dưới cái mác là đầu tư dự án giáo dục.
Còn tại Đà Nẵng, Nguyễn Hoàng Group đã đề xuất xây dựng trường chất lượng cao ngay tại trung tâm thành phố. Tuy nhiên, khi được chấp thuận và được giao đất (không thông qua đấu giá), Nguyễn Hoàng Group đã lập tức xin chuyển đổi mục đích dự án 5.000 m2 thành 50 lô, với diện tích mỗi lô là 90 m2.
Dự án này đã được UBND TP. Đà Nẵng liệt kê là 1 trong 30 dự án vi phạm pháp luật về sử dụng đất. Người ký giao 5.000 m2 đất cho Nguyễn Hoàng Group không thông qua đấu giá là ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Ngoài các công trình giáo dục, Nguyễn Hoàng còn tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, triển khai khu tổ hợp thực hành du lịch, khách sạn ngay trong khuôn viên trường học như một nơi thực tập tại chỗ cho sinh viên.
Vào tháng 4/2018, doanh nghiệp này đã khánh thành Khu tổ hợp thực hành Du lịch và Khách sạn Sulyna tiêu chuẩn 5 sao trong khuôn viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng – HIU (thành viên của NHG) tại TP.HCM, tạo điều kiện cho sinh viên ngành du lịch HIU có điều kiện tiếp cận, thực hành trong môi trường làm việc thực tế sau này.
Nguyễn Hoàng còn sở hữu Khu nghỉ dưỡng làng Bình An (Binh An Village) nằm ngay sát bờ biển Vũng Tàu và Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU).
Vào tháng 7/2020, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã có buổi làm việc với lãnh đạo UNBD tỉnh Phú Yên để đề xuất xây dựng Dự án thành phố du lịch và giáo dục quốc tế Phú Yên (IEC Phú Yên) với quy mô lên đến 65 ha.
Theo đó, dự án sẽ là tổ hợp gồm 3 vị trí tại Khu du lịch và giáo dục quốc tế Núi Thơm (42 ha), Khu du lịch và quốc tế Sao Mai (20 ha), Khu tri thức - Khu đô thị Nam TP Tuy Hòa (3 ha) được đầu tư xây dựng thành một hệ sinh thái đồng bộ, thống nhất, bao gồm: Trường mầm non Học viện Sài Gòn; Trường liên cấp Hội nhập quốc tế iSchool; Trường liên cấp quốc tế Song ngữ Học viện Anh Quốc; Phân hiệu Đại học quốc tế Hồng Bàng; Khu thể thao và dịch vụ tiện ích; Khu đa chức năng du lịch, du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc người cao tuổi ở khu Sao Việt, Sao Mai…
Mới đây nhất, Công ty Sulyna Hospitality, một thành viên của Nguyễn Hoàng Group, đã đề xuất thực hiện dự án Khu đô thị và du lịch biển Mỹ Khê ở tỉnh Quảng Ngãi.
Dự án này có ba phân khu gồm tổ hợp khách sạn 5 sao với 400 phòng hướng biển, trung tâm hội nghị, mua sắm, khu biệt thự bungalow cao cấp, các dịch vụ nhà hàng, spa, khu vui chơi giải trí trên cạn và các trò chơi trên biển; khu ở, dịch vụ kiểu mẫu, hiện đại phục vụ nhu cầu ở và kinh doanh cho người dân trong tỉnh và khu hoạt động giải trí trên biển đảo.
Những dự án của Nguyễn Hoàng được dư luận đặt câu hỏi, công ty có đang thâu tóm nhiều quỹ đất phát triển bất động sản "gắn mác" giáo dục?
Box:
Về vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng xảy ra tại Trường Hội nhập Quốc tế iSchool (Nha Trang) khiến hàng trăm học sinh nhập viện và 1 em tử vong, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết nguyên nhân ngộ độc là do nhiễm khuẩn Salmonella.
Trước đó, ngày 17/11, trường Ischool Nha Trang tổ chức bữa ăn trưa cho 880 học sinh gồm các món: cơm gà, xốt trứng; gỏi gà (gà xé, cà rốt, bắp sú, rau răm); cánh gà chiên; canh (xương, cà rốt, cải thảo); dưa leo. Bữa ăn xế với bánh ngọt, uống nước tại hệ thống lọc nước của trường.
Sau khi ăn, một số em có các triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần. Đến khoảng 22h, các em xuất hiện thêm triệu chứng sốt, buồn nôn, được người nhà đưa đến các bệnh viện. Ngày 20/11, một bé tử vong do sốc nhiễm trùng.
Đến nay, số học sinh ngộ độc được các bệnh viện tiếp nhận là 648, trong đó 261 em được cho về nhà theo dõi, 176 trẻ đã xuất viện, còn 211 đang điều trị.
Sau sự việc, nhiều phụ huynh cho biết đã nhiều lần phản ánh về chất lượng bữa ăn lên nhà trường tuy nhiên không được tiếp nhận và phản hồi. Theo phụ huynh, mỗi suất ăn của học sinh có giá khoảng 70.000 đồng/học sinh tuy nhiên chất lượng khá kém.