shunshine group

Tp.HCM: Công ty Phúc Hảo lừa dối khách hàng? – Bài 2

Nguyên Vũ

02/12/2020 16:48

Môi trường & Đô thị điện tử

Phúc Hảo không có chức năng làm bất động sản!

Như chúng tôi đã thông tin trong bài viết trước, Công ty Phúc Hảo chỉ là đơn vị bên B của Công ty HDTC nhưng lại trực tiếp ký hợp đồng góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở cho các khách hàng đã xảy ra nhiều hệ lụy. Quyền lợi trực tiếp của các nhà đầu tư bị xâm hại nghiêm trọng, nhất là việc không làm được sổ đỏ đã khiến cho nhiều người đang ở trọ trong chính căn nhà của mình.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. HCM cho biết, sổ đỏ của từng nền đã cấp cho chủ đầu tư là Công ty HDTC, tuy nhiên, HDTC không có nghĩa vụ phải chuyển cho từng khách hàng bởi vì họ không phải là người ký hợp đồng bán nền mà Công ty Phúc Hảo mới là người chịu trách nhiệm chính. Việc lấy lý do Công ty HDTC không chịu bàn giao sổ đỏ mà Phúc Hảo đưa ra thật hết sức khiên cưỡng bởi vì các khách hàng khi đặt bút ký hợp đồng không hề biết Công ty HDTC là đơn vị nào, tiền họ chuyển cho Công ty Phúc Hảo chứ không chuyển cho HDTC. Nếu vì lý do gì đó mà HDTC không chuyển sổ đỏ cho Phúc Hảo theo đúng cam kết trong hợp đồng thì Phúc Hảo cứ khởi kiện HDTC ra tòa án dân sự, còn trách nhiệm của Phúc Hảo thì phải làm sổ đỏ cho cư dân.

Ngành nghề kinh doanh của Phúc Hảo không có chức năng bất động sản

Tra cứu thông tin trên trang của Sở kế hoạch đầu tư Tp.HCM thì Công ty Phúc Hảo được cấp phép ngày 26/9/1998, chính thức hoạt động ngày 02/01/1999, do bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc đứng tên làm giám đốc. Ngành nghề chính là sản xuất bao bì
Carton, sau này đã bổ sung nhiều ngành nghề khác nhưng chủ yếu là làm mì ống, mì sợi và các sản phẩm tương tự. Trong giấy phép của Phúc Hảo, có 02 mã ngành 4290 và 4390 là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng và hoạt động xây dựng chuyên dụng chứ không phải kinh doanh lĩnh vực bất động sản. Việc Phúc Hảo ký hợp đồng góp vốn với HDTC để thực hiện dự án khu dân cư và chỉnh trang đô thị An Sương là hoàn toàn trái với giấy phép được cấp. Mặc khác, Phúc Hảo đơn phương ký hợp đồng góp vốn chuyển nhượng QSDĐ cho cư dân là hoàn toàn trái luật, bởi vì Phúc Hảo không có chức năng kinh doanh bất động sản và không phải là chủ đầu tư.

Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Không chỉ là việc người dân mua nền của Công ty Phúc Hảo xây dựng nhà xong không làm được GCNQSDĐ mà oái ăm hơn, nhiều trường hợp đã đóng hết tiền mua nền theo đúng hợp đồng nhưng hiện tại không xây dựng được nhà. Theo tố cáo của cư dân, căn cứ vào biên bản bàn giao nền, khi có nhu cầu xây dựng nhà họ đã liên hệ với Phúc Hảo. Một nhân viên tên Nhàn đại diện công ty bảo rằng, khách hàng phải đưa thiết kế bản vẽ đến Ban quản lý dự án của Công ty HDTC phê duyệt. Khi đến BQL dự án của HDTC thì khách hàng được trả lời là HDTC đã có văn bản thu hồi quyết định cấp đất đợt 3 cho Công ty Phúc Hảo nhưng không nói lý do (!) Sau đó, khi khách hàng trở lại làm việc với Phúc Hảo thì Công ty cho biết, do HDTC đòi tiền cơ sở hạ tầng cao nên hai bên còn đang thương lượng, bao giờ xong thì khách hàng mới xây nhà được (!). Vậy thì, nếu Phúc Hảo và HDTC thương lượng khoảng 3- 5 năm nữa (hoặc lâu hơn) thì khách hàng sẽ ở đâu? Quả là một việc làm vô trách nhiệm!

Sổ đỏ đã cấp cho HDTC

Chúng tôi đã liên hệ với ông Đinh Trường Chinh, Tổng giám đốc của HDTC để đăng ký lịch làm việc, tuy nhiên, ông Chinh cho biết cơ quan điều tra của công an đang thụ lý hồ sơ nên cần phải bảo mật thông tin, không cung cấp cho báo chí được (!). Đây là cách né tránh trách nhiệm, hay nói cách khác hơn là tiền thầy bỏ túi, sống chết mặc bay (!) chỉ có khách hàng là chịu thiệt với cách làm ăn của các đơn vị này.

Nguyên Vũ

Bạn đang đọc bài viết "Tp.HCM: Công ty Phúc Hảo lừa dối khách hàng? – Bài 2" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh