shunshine group

Tiền mã hóa liệu có phải giải pháp cho các quốc gia đang phát triển?

11/09/2021 13:19

Ukraine đã công nhận tính hợp pháp của tiền mã hóa. Một nghị sĩ Panama cũng đề xuất dùng tiền mã hóa để thanh toán. Liệu đây có là xu hướng mới?

Sau khi El Salvador chính thức công nhận bitcoin là một đồng tiền pháp định song song với USD, mới đây Ukraine và Panama cũng đã có những động thái pháp lý nhằm đưa tiền mã hóa vào hệ thống tài chính với tư cách một thực thể được công nhận và kiểm soát. Tuy nhiên, mức độ công nhận ở những quốc gia này có một số điểm khác nhau quan trọng.

Quốc hội Ukraine đã thông qua một dự luật hợp pháp hóa và kiểm soát tiền mã hóa. Dự luật này sau đó sẽ được xem xét bởi Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Cho đến nay, tiền mã hóa là một vấn đề chưa được phân định rõ ràng về pháp lý ở Ukraine. Người Ukraine được mua và trao đổi tiền mã hóa, nhưng các công ty và giao dịch bằng tiền mã hóa thường bị cơ quan thực thi pháp luật theo dõi sát sao và thậm chí trang thiết bị liên quan đến tiền mã hóa thường bị tịch thu mà không cần lý do.

Dự luật mới của Ukraine bao gồm nhiều định nghĩa rõ ràng về tiền mã hóa và các giao dịch liên quan cũng như một số điều khoản về bảo vệ người sở hữu bitcoin và các loại tiền tương tự khỏi hành vi lừa đảo.

Tuy nhiên, khác với El Salvador, dự luật tiền mã hóa của Ukraine không công nhận sử dụng bitcoin hay tiền mã hóa với tư cách phương thức thanh toán và không đặt tiền mã hóa ngang với đồng tiền chính thức của nước này là Hryvnia.

Trước khi dự luật này được thông qua, vào ngày 4/9 vừa qua Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc gặp với đại diện của quỹ Phát triển Stellar - tổ chức phát triển tiền mã hóa lumens/XLM. Theo quỹ này, Tổng thống Zelensky đã thảo luận cùng nhóm đại diện về tiềm năng phát triển công nghệ IT ở Ukraine, trong đó có tiền mã hóa. Ông Zelensky cũng chào đón quỹ Phát triển Stellar mở rộng hoạt động tại Ukraine.

Xu hướng thị trường - Tiền mã hóa liệu có phải giải pháp cho các quốc gia đang phát triển?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đại diện Quỹ Phát triển Stellar. Ảnh: Stellar Development Foundation

Ở bên kia Đại Tây Dương, nghị sĩ Gabriel Silva đã trình trước Quốc hội Panama một dự thảo luật nhằm đặt nền tảng kiểm soát tiền mã hóa. Dự luật này nhắm đến việc công nhận các loại tiền ảo như Bitcoin là phương thức thanh toán hợp pháp đối với các giao dịch dân sự và thương mại. Theo các tác giả của dự luật này, nó sẽ giúp cung cấp phương thức thanh toán có chi phí thấp hơn, tạo hàng nghìn việc làm và thu hút đầu tư trong và ngoài nước. 

Nếu dự luật này được thông qua, người dân và doanh nghiệp ở Panama sẽ được tự do chọn chấp nhận tiền mã hóa hay tiền pháp định (Balboa và USD) làm phương thức thanh toán - một điểm khác với trường hợp của El Salvador, nơi mà việc chấp nhận tiền mã hóa là bắt buộc. Người Panama cũng có thể đóng thuế và trả các khoản lệ phí bằng tiền mã hóa theo dự luật trên.

Cũng theo dự luật được Gabriel Silva đề xuất, tiền mã hóa sẽ chịu thuế lãi vốn nhưng không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Văn bản này cũng nhắm đến việc kết nối hệ thống tài chính truyền thống với sàn giao dịch tiền mã hóa.

Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác có thể là giải pháp tài chính mới cho một số quốc gia đang phát triển, chịu biện pháp trừng phạt hoặc phụ thuộc vào kiều hối - El Salvador là một quốc gia như vậy. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2020 kiều hối chiếm đến khoảng 24% GDP của El Salvador. Theo CNBC, khoảng 70% người dân El Salvador nhận kiều hối và đối với họ kiều hối đóng góp trung bình 50% thu nhập. 

Sử dụng giao dịch bằng tiền mã hóa có thể giúp người Salvador sống ở nước ngoài tiết kiệm chi phí gửi tiền so với dịch vụ chuyển tiền truyền thống. Đây cũng là lý do được Tổng thống El Salvador Nayib Bukele đưa ra khi chính thức công nhận bitcoin làm đồng tiền pháp định - ông ước tính nếu phần lớn dân số sử dụng bitcoin, những dịch vụ chuyển tiền quốc tế như Western Union và MoneyGram sẽ mất 400 triệu USD mỗi năm do mất đi khoản phí chuyển tiền. 

Tuy nhiên, tính bất ổn của giá trị tiền mã hóa cũng đem lại nhiều rủi ro cho những quốc gia muốn sử dụng sâu rộng loại tiền này. Vào ngày 8/9, sau khi El Salvador công nhận bitcoin làm đồng tiền pháp định, giá bitcoin đã giảm từ 52.000 USD xuống có lúc dưới 43.000 USD, khiến một chính khách đối lập tuyên bố rằng El Salvador vừa mất 3 triệu USD do diễn biến đó. 

Tùng Phong 

Bạn đang đọc bài viết "Tiền mã hóa liệu có phải giải pháp cho các quốc gia đang phát triển?" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh