Trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm hại trên mạng
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quế Phong, qua thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn cho thấy, trẻ có nhiều nguy cơ bị xâm hại trên không gian mạng.
Đặc biệt, do đặc thù địa hình huyện miền núi, địa bàn rộng nên nhiều học sinh tại huyện Quế Phong phải đi học xa nhà. Sự non nớt trong nhận thức, kỹ năng sống, cũng như thiếu sự quản lý của bố mẹ khiến trẻ dễ bị tác động bởi môi trường mạng xã hội, tăng nguy cơ bị bạo lực, xâm hại trên không gian mạng.
Theo ông Nam, trước hết, các đối tượng xấu sẽ tiếp cận nạn nhân thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram hoặc Game online.
Khi tiếp cận, làm quen, các đối tượng xây dựng bản thân là người giàu có, tri thức, từng trải hoặc giả người cùng tuổi, cùng giới tính để trò chuyện hay thường xuyên tặng quà để đánh vào tâm lý, khiến trẻ tin tưởng.
"Sau thời gian tạo sự tin tưởng, chúng chuyển sang trò chuyện về giới tính, muốn trao đổi hình ảnh những bộ phận nhạy cảm cho nhau, đề nghị trẻ chụp ảnh, ghi hình clip nhạy cảm của bản thân và gửi lại.
Khi có hình ảnh nhạy cảm của trẻ, tội phạm sẽ đe dọa phát tán nếu trẻ không chịu quan hệ tình dục hoặc đáp ứng các yêu cầu khác của chúng", Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quế Phong chỉ rõ.
Theo ông Nam, hậu quả mà xâm hại trẻ em trên môi trường mạng là rất lớn. Ngoài việc gây ra những tổn thương về thể xác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và tâm lý của trẻ em, rối loạn về cảm xúc, lo âu, ám ảnh, có thể dẫn đến bạo lực, tự kỷ, tự tử, hay học tập sa sút, hạn chế giao tiếp và hòa nhập xã hội.
Làm gì để bảo vệ trẻ trước nguy cơ xâm hại?
Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quế Phong đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng về cách phòng tránh, ứng phó với các nguy cơ trên không gian mạng đối với trẻ em và phụ huynh.
Các nội dung tuyên truyền được thiết kế trực quan, ngắn gọn, đầy đủ, sinh động, phát tận tay phụ huynh, học sinh, kết hợp các buổi tuyên truyền trực tiếp, qua đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phòng ngừa đối với loại tội phạm này.
Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quế Phong cũng đưa ra các khuyến cáo đối với phụ huynh, nhằm bảo vệ con em trên không gian mạng.
Phụ huynh cần trao đổi với trẻ để cùng đưa ra nguyên tắc khi sử dụng Internet và điện thoại di động như không cho trẻ sử dụng điện thoại di dộng trong phòng ngủ, kiểm soát thời gian sử dụng mạng cho mục đích giải trí. Bố mẹ cần đặt các thiết bị truy cập mạng trong không gian chung của gia đình.
Với yêu cầu học tập, giải trí hiện nay, việc cấm trẻ sử dụng điện thoại, máy tính là khó khả thi. Do đó, cha mẹ cần có giải pháp nhằm chọn lọc thông tin, giám sát hoạt động trực tuyến của trẻ bằng cách cài đặt thiết bị, phần mềm để chặn nội dung xấu độc.
Cha mẹ cũng cần trao đổi, chia sẻ với con, hướng dẫn con kết bạn, giao tiếp với bạn khác giới hay bạn trên mạng; quản lý thông tin, hình ảnh cá nhân hay chia sẻ với bố mẹ, thầy cô khi gặp các vấn đề rắc rối trên mạng xã hội.
"Nếu phát hiện con em có dấu hiệu bị đe dọa, xâm hại, bố mẹ, người thân cần lập tức liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ và xử lý kịp thời. Nếu chính bố mẹ, người chăm sóc trẻ cảm thấy bối rối, khó giải quyết, chưa tìm được các giải pháp tháo gỡ, hãy gọi Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em theo số 111, hoàn toàn miễn phí và bất kể thời gian nào", ông Nam nói.