GHN vừa đưa vào vận hành kho phân loại hàng hoá tự động với diện tích 3.000 mét vuông tại TP.HCM. Kho phân loại này hầu hết được tự động hoá, có công suất tối đa 40 ngàn đơn hàng/giờ, tiết kiệm được gần ¾ lượng nhân công.
Bên trong nhà kho của GHN
Ông Nguyễn Hà Anh, Giám đốc vận hành GHN, cho biết đây là kho phân loại tự động duy nhất tại Việt Nam được thiết kế hai tầng, do đó tiết kiệm được diện tích, tăng năng suất.
“Thông thường để vận hành kho với diện tích này, chúng tôi phải thuê 400-500 nhân công. Tuy nhiên với quy trình tự động, chúng tôi cắt giảm được còn khoảng ¾ lượng nhân sự”, ông Hà Anh nói. Kho phân loại tự động giúp ổn định chất lượng dịch vụ, tăng năng suất phân loại hàng, tối ưu chi phí.
Trong quy trình bình thường, GHN nhận đơn hàng từ khách (các cửa hàng), sau đó mang đến kho phân loại, tiếp đó mang đến các kho giao nhận toàn quốc để giao hàng đến tay người mua. Thông thường, khâu phân loại thủ công sẽ tốn nhiều thời gian hơn khiến hàng hoá chậm trễ.
“Với hệ thống phân loại tự động, chúng tôi có thể tiết kiệm 2-3 tiếng đồng hồ với các đơn giao trong ngày. Nâng tỷ lệ giao hàng thành công trong ngày lên 85-90%, so với tỷ lệ khoảng 60% như trước đây”, ông Hà Anh trả lời ICTnews.
Hàng hoá nhận từ cửa hàng được GHN đóng thành từng túi đưa vào kho. Nhân viên tại kho tháo hàng ra, đặt vào dây chuyền. Tại điểm giữa mỗi dây chuyền sẽ có nhân viên đặt hàng hoá lại cho đúng quy cách, sao cho mã đơn hàng hướng lên trên để cảm biến đọc được mã đơn, hệ thống tự động sẽ phân loại từng món hàng để đưa vào các túi khác. Khi các túi đầy sẽ được nhân viên đóng lại đem kiện hàng đi giao.
Nhân viên mở các túi hàng hoá và đặt lên dây chuyền.
Tại các điểm nút, nhân viên sẽ đặt lại hàng hoá lên dây chuyền sao cho mã đơn hướng lên trên.
Hàng hoá chạy qua cổng phân loại tự động (có đèn sáng) sẽ được tách ra đưa về các túi thích hợp.
Hàng hoá sau phân loại tự động đưa vào các túi này.
Các túi đầy sẽ được nhân viên chuyển ra bằng chuyền, đưa lên xe tải giao hàng.
Ông Hà Anh cho biết các thiết bị máy móc được nhập từ đối tác, tuy nhiên phần mềm điều khiển chính được GHN phát triển để phù hợp với nhu cầu thực tế của công ty. Tổng giá trị đầu tư cho hệ thống phân loại tự động này khoảng 2 triệu USD.
Năm ngoái, để phục vụ cho Ngày Độc Thân 11/11 - tháng giao hàng cao điểm nhất - GHN tốn khoảng 400-600 nhân sự vận hành một kho tương tự, tuy nhiên với hệ thống tự động mới, công ty chỉ cần thuê khoảng 120-160 người.
Trước đó, GHN đã mở kho tương tự tại Hà Nội với diện tích 4.000 mét vuông nhưng chỉ có một tầng, có công suất tối đa 30 ngàn đơn/giờ.
Tham vọng dẫn đầu ngành logistics Việt Nam
Trả lời ICTnews, ông Lương Duy Hoài - Đồng sáng lập kiêm CEO GHN - cho biết kho phân loại tự động này chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch phát triển hệ thống kho bãi của công ty.
“Riêng hệ thống phân loại tự động ở Hà Nội và TP.HCM của GHN đã dẫn đầu thị trường, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm để dẫn đầu ở những mảng khác trong logistics”, ông Hoài nói.
Ông Hoài cho PV ICTnews xem hình ảnh của một kho bãi khác đang được xây dựng tại TP.HCM, với diện tích lên tới 30 ngàn mét vuông, lớn gấp nhiều lần so với các kho hiện tại.
Kế hoạch của GHN sắp tới phải mở đến 100 ngàn mét vuông kho bãi, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hoá, fulfillment, warehouse cho công ty lẫn đối tác.
GHN mới đây được Temasek rót vốn, với quy mô “khủng” nhất từ trước tới nay mà GHN nhận được. Cả hai phía không tiết lộ giá trị khoản đầu tư nhưng có nguồn tin cho biết quỹ đầu tư của Singapore đã bỏ ra khoảng 100 triệu USD vào công ty khởi nghiệp sáng giá của Việt Nam.
Ông Hoài cho biết, thị trường vẫn sẽ tiếp tục cạnh tranh, nhưng có lẽ trong cả khu vực Đông Nam Á, chỉ ở Việt Nam mới thấy các công ty nội địa lại quyết liệt và cạnh tranh ngang hàng với các công ty khu vực, cho dù các công ty khu vực có nguồn lực tài chính dồi dào và phát triển sớm hơn.
“Chúng tôi sẽ xây kho chứa hàng khoảng 30 ngàn mét vuông tại TP.HCM, một kho khác 40 ngàn mét vuông tại Hà Nội”, ông Hoài nói. “Vị trí của kho sẽ cực kỳ quan trọng, chẳng hạn một kho chứa hàng cách sân bay 30 phút di chuyển sẽ tốt hơn nhiều so với kho cách đó 2 giờ đồng hồ. Chúng tôi sẽ đầu tư để có được vị trí kho tốt nhất như thế”, CEO trẻ tuổi của GHN khẳng định.
Ông Hoài, người từng làm tại Thế Giới Di Động, cho biết sẽ xây dựng một chuỗi logistics tích hợp tốt nhất tại Việt Nam. Ngoài hệ thống kho dự kiến đạt tổng diện tích 100 ngàn mét vuông, GHN có kế hoạch nâng cấp khoảng 700 xe tải hiện hữu lên 2.000 xe vào cuối năm, nâng tổng số bưu cục lên 2.000 điểm, sẽ có vài chục kho phân loại.
“Tại Việt Nam chưa có công ty nào đầu tư bài bản và đồng bộ như vậy”, ông Hoài nói với ICTnews.
Các xe tải của GHN tại kho phân loại tự động ở TP.HCM
GHN hiện đảm nhận công việc fulfillment cho các nhà bán lẻ khác, như Juno hay The Coffee House chẳng hạn. Với việc này, GHN vừa phải đảm nhận việc lưu trữ hàng tại kho, vận chuyển hàng hoá đến nhà bán lẻ, đảm nhận luôn việc giao hàng cho khách, do đó cần mở rộng quy mô kho bãi lẫn hệ thống vận chuyển.