shunshine group

Bảo hiểm y tế thay đổi sao từ 1/7, khi tăng lương cơ sở?

27/03/2023 16:03

() - Khi lương cơ sở tăng, một số mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) tăng theo. Đồng thời, nhiều quyền lợi của người tham gia BHYT cũng sẽ tăng.

Tăng mức đóng BHYT theo hộ gia đình

Nghị định 146/2018/NĐ-CP (ban hành ngày 17/10/2018) của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của luật BHYT. Điểm e, khoản 1, Điều 7 của nghị định này quy định mức đóng BHYT hằng tháng của người tham gia BHYT hộ gia đình.

Theo đó, mức đóng BHYT của người tham gia BHYT hộ gia đình như sau: "Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất".

Bảo hiểm y tế thay đổi sao từ 1/7, khi tăng lương cơ sở? - 1

BHYT có nhiều thay đổi từ ngày 1/7/2023 (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Trong năm 2023, mức lương cơ sở áp dụng theo 2 giai đoạn. Từ đầu năm đến hết ngày 30/6 là 1.490.000 đồng. Từ ngày 1/7 trở đi là 1.800.000 đồng.

Do mức đóng căn cứ vào lương cơ sở nên khi lương cơ sở thay đổi thì mức đóng BHYT của người tham gia BHYT hộ gia đình cũng thay đổi theo. Cụ thể như sau:

Nhóm tham gia BHYT hộ gia đình Mức đóng  Từ nay đến 30/6/2023 (đồng/tháng) Từ 1/7/2023 trở trở đi (đồng/tháng)
Người thứ nhất4,5% mức lương cơ sở  67.050 81.000
Người thứ hai70% mức đóng của người thứ nhất 46.935 56.700
Người thứ ba60% mức đóng của người thứ nhất 40.230 48.600
Người thứ tư50% mức đóng của người thứ nhất33.52540.500
Người thứ năm trở đi40% mức đóng của người thứ nhất 26.82032.400

Thay đổi điều kiện hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh

Ngoài các nhóm đối tượng chính sách, người tham gia BHYT chỉ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh khi có đủ 5 năm tham gia BHYT liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Tức là trong năm, nếu số tiền khám chữa bệnh mà người bệnh đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì phần vượt quá 6 tháng lương cơ sở sẽ do quỹ BHYT thanh toán và người bệnh được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh từ thời điểm này cho đến hết năm.

Do điều kiện đồng chi trả căn cứ theo lương cơ sở nên khi mức lương cơ sở thay đổi từ ngày 1/7, điều kiện để được miễn đồng chi trả cũng thay đổi theo. Cụ thể như sau:

 
Điều kiện hưởng 100% chi phí BHYTMức đồng chi trả cao hơn
Trước ngày 1/7/20238.940.000 đồng 
Từ ngày 1/7/2023 trở đi10.800.000 đồng

Tăng số tiền được BHYT thanh toán 100%

Theo điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia BHYT được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở.

Trước ngày 1/7, nếu chi phí cho một lần khám chữa bệnh của người bệnh thấp hơn 223.500 đồng thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí.

Từ ngày 1/7 trở đi, nếu chi phí cho một lần khám chữa bệnh của người bệnh thấp hơn 270.000 đồng thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí.

Tăng mức thanh toán trực tiếp

Điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định mức thanh toán trực tiếp cho người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh. Mức thanh toán này được tính trên mức lương cơ sở nên khi tăng lương cơ sở, mức thanh toán trực tiếp tăng theo.

Cụ thể, nếu người bệnh khám, chữa bệnh tại cơ sở tuyến huyện và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu), trường hợp ngoại trú sẽ được thanh toán trực tiếp tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám bệnh, chữa bệnh. Kể từ ngày 1/7, mức thanh toán này tăng từ 223.500 đồng lên 270.000 đồng.

Trong trường hợp nội trú, người bệnh sẽ được thanh toán trực tiếp tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện. Từ ngày 1/7, mức thanh toán này tăng từ 745.000 đồng lên 900.000 đồng.

Nếu khám, chữa bệnh nội trú tại cơ sở tuyến tỉnh và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu), người bệnh được thanh toán trực tiếp tối đa không quá 1 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện. Từ ngày 1/7, mức thanh toán này tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng.

Nếu khám, chữa bệnh nội trú tại cơ sở tuyến trung ương và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu), người bệnh được thanh toán trực tiếp tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện. Từ ngày 1/7, mức thanh toán này tăng từ 3.725.000 đồng lên 4.500.000 đồng.

Trong trường hợp khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký ban đầu không đúng quy định và người bệnh ngoại trú sẽ được thanh toán trực tiếp tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám, chữa bệnh. Từ ngày 1/7, mức thanh toán này tăng từ 223.500 đồng lên 270.000 đồng.

Nếu khám chữa bệnh nội trú, người bệnh sẽ được thanh toán trực tiếp tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện. Từ ngày 1/7, mức thanh toán này tăng từ 745.000 đồng lên 900.000 đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Bảo hiểm y tế thay đổi sao từ 1/7, khi tăng lương cơ sở?" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh