shunshine group

Thanh toán không tiếp xúc ngày càng được ưa chuộng

10/08/2023 20:05

Hiện nay, thanh toán ứng dụng công nghệ số đã len lỏi trong cuộc sống hàng ngày và trở thành phương thức thanh toán không thể thiếu, đặc biệt là với giới trẻ.

Tăng về lượng và giá trị 

Trong đại dịch Covid-19, tại Việt Nam, việc sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng vượt bậc. Nhiều người dùng lần đầu trải nghiệm sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ để thanh toán cho đơn hàng giao tận nhà hoặc chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Sau khi dịch lắng xuống, mặc dù việc sử dụng tiền mặt vẫn phổ biến, nhưng tỷ lệ người tiêu dùng chọn các thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng.

Theo nghiên cứu của Visa về “Thái độ thanh toán của người tiêu dùng 2022”, việc sử dụng tiền mặt ở Việt Nam đã giảm đáng kể so cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, 89% số người tiêu dùng sử dụng ví điện tử, 85% ưa chuộng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, chủ yếu cho thanh toán trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc. Trên thực tế, theo dữ liệu từ mạng lưới VisaNet, số lượng giao dịch không tiếp xúc trên thẻ Visa tại Việt Nam trong năm 2022 đã tăng hơn gấp hai lần so với năm 2021.

Trong khi đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, với nhiều giải pháp đồng bộ, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Trong năm tháng đầu năm 2023, so cùng kỳ, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua kênh internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị; qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến cuối năm 2022, có 22 tổ chức phát hành thẻ triển khai phát hành thẻ bằng eKYC (định danh khách hàng điện tử), số lượng thẻ ngân hàng đang hoạt động phát hành bằng eKYC đạt 10,8 triệu thẻ, số lượng giao dịch thẻ phát hành bằng eKYC đạt hơn 89,1 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 106,1 nghìn tỷ đồng; có khoảng 40 ngân hàng thực hiện mở tài khoản thanh toán bằng eKYC, với hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động.

Xu hướng thị trường - Thanh toán không tiếp xúc ngày càng được ưa chuộng

Thanh toán không tiếp xúc đang dần phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. 

Trưởng bộ phận Phát triển sản phẩm và giải pháp, Visa Việt Nam và Lào, ông Kelvin Utomo chia sẻ với báo Nhân Dân, thanh toán kỹ thuật số, đặc biệt thanh toán không tiếp xúc, là một xu hướng đang phát triển nhanh chóng ở châu Á và Việt Nam. Công ty đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể của số lượng các thiết bị chấp nhận thanh toán, điểm chấp nhận thanh toán thẻ, thanh toán không tiếp xúc hoặc mã QR, nhờ vậy, tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ của toàn thị trường Việt Nam năm 2022 đã tăng hơn 50% so với năm 2021.

Xuất hiện mã QR đa năng 

Theo thông tin đăng tải trên Báo Tin tức, một đơn vị ví điện tử tại Việt Nam lại đang có tham vọng là quy tất cả các ngân hàng, ví điện tử có sử dụng QR Code về một mối. Theo đó, cuối tháng 7 vừa qua, ZaloPay đã cho ra mắt mã QR ZaloPay đa năng (kết hợp giữa mã QR của ZaloPay và VietQR), giúp các cửa hàng bán lẻ, hộ kinh doanh và cả những thương hiệu bán lẻ lớn giải bài toán đồng nhất một mã QR để quét tất cả ứng dụng ngân hàng thương mại, ví điện tử khác.

Bà Lê Lan Chi, Tổng Giám đốc ZaloPay cho hay, do "sinh sau đẻ muộn" nên ví điện tử phải luôn tích hợp nhiều tính năng mới để thu hút người dùng. Cụ thể, trong 3 năm, từ năm 2020 - 2021, đơn vị đã đẩy mạnh hợp tác với các đối tác bán lẻ như Big C, KFC... để tạo kênh bán hàng và chăm sóc khách hàng trên Zalo. Nhờ vậy, cuối năm 2022 đã có hơn 11,5 triệu người dùng kích hoạt ví điện tử (có phát sinh giao dịch). Đến năm 2022, ví điện tử ZaloPay đã tăng độ phủ thị trường khi triển khai các sản phẩm tài chính và cung cấp các tiện ích cho các khách hàng hay đối tác.

Thông qua sự hợp tác cũng như lắng nghe doanh nghiệp, người tiêu dùng, mã QR ZaloPay đa năng ra đời giúp các doanh nghiệp có thể giải quyết trong vấn đề quản trị doanh thu, đẩy mạnh kinh doanh hiệu quả, ngay cả người tiêu dùng cũng thuận tiện khi thanh toán. Cụ thể, người tiêu dùng có thể sử dụng bất cứ ví điện tử nào (MoMo, SmarPay, VNPay, Shopee Pay, Apple Pay…) hay bất cứ ngân hàng nào có mã QR đều có thể quét trên nền tảng QR ZaloPay thanh toán; còn các doanh nghiệp, cửa hàng khi được thanh toán qua mã QR đa năng này đều có thể nhận tiền về mà chỉ cần sử dụng một ngân hàng mà thôi.

“Hiện tại mã QR đã phủ 237 đơn vị chuỗi cửa hàng lớn nhỏ, gồm 65% là cửa hàng dịch vụ ăn uống (Texas Chicken, The Coffee House, Katinat, Bonchon Chicken, KFC…) và 35% dịch vụ bán lẻ. Hiện đơn vị chỉ còn tập trung thực hiện các chiến dịch marketing để gia tăng nhận biết của người dùng về mã QR đa năng nữa mà thôi”, bà Lê Lan Chi, CEO ZaloPay chia sẻ.

Đáng chú ý, ví điện tử này cũng đang có tham vọng mở rộng thanh toán xuyên biên giới. Theo đó, khách nước ngoài khi đến Việt Nam, chỉ cần tích hợp thẻ tín dụng ngân hàng của họ vào ZaloPay là có thể thanh toán dễ dàng. Tuy nhiên, tính năng này đang trong quá trình nghiên cứu phát triển.

Thực tế, một ví điện tử đa năng tích hợp thanh toán nhiều ngân hàng không phải là lần đầu tiên xuất hiện. Trước đó, VNPay đã thực hiện giải pháp này. Hiện có hơn 40 ngân hàng và hàng trăm doanh nghiệp liên kết với VNPay để thực hiện thanh toán. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa VNPay-QR với QR ZaloPay đa năng chính là người dùng muốn thanh toán qua VNPay phải tải ví điện tử này về; nếu thanh toán trên nền tảng web, người dùng phải đăng nhập thông tin ngân hàng để thực hiện giao dịch. Ngoài ra, chưa có ví điện tử khác có thể thanh toán qua VNPay-QR.

Với cuộc đua và sự cạnh tranh của các ví điện tử nội - ngoại, các chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, điều này sẽ góp phần giúp cho tốc độ phủ sóng thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch khi phương thức thanh toán ngày trở nên thuận tiện và gần gũi với mọi người, đặc biệt người già cũng có thể dễ dàng thao tác thanh toán.

Mặt khác, sự phát triển của thị trường điện thoại thông minh, công nghệ cũng tác động rất lớn. Hãng Insider Intelligence dự báo, năm 2023, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam dự kiến ở mức 63,8 triệu người, tăng 1,6% so với năm 2022 và chiếm 96,1% lượng người dùng internet trên cả nước.

Còn theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, số tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng thương mại trên cả nước khoảng 68,7 triệu tài khoản, 70 tổ chức tín dụng đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua internet và khoảng 36 ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. NHNN cũng đã cấp giấy phép hoạt động trung gian thanh toán cho 21 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán… Điều này đã góp phần đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt.

Hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối dữ liệu 

Trao đổi với báo Nhân dân, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Anh Tuấn cho biết, khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số ngành ngân hàng liên tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ mới và bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục tổ chức triển khai các Đề án, Chương trình, Kế hoạch, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, như: Kế hoạch triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của ngành ngân hàng triển khai Đề án 06;...

Xu hướng thị trường - Thanh toán không tiếp xúc ngày càng được ưa chuộng (Hình 2).

Các chính sách, cơ sở pháp lý đang ngày càng được hoàn thiện để đẩy mạnh việc thanh toán không tiếp xúc. 

Bên cạnh đó, các hạ tầng công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Hệ thống thanh toán quan trọng được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn. Hệ thống Chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử vận hành ổn định, dịch vụ thông suốt. Hệ thống thanh toán bán lẻ Việt Nam cũng đã đạt bước tiến mới vào cuối năm qua khi đã kết nối thanh toán song phương với Thái Lan, cho phép người dân, du khách hai nước có thể thanh toán hàng hóa, dịch vụ thuận tiện qua quét mã QR code. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, đem lại giá trị thiết thực, đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng…

Theo nhìn nhận của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng, hiện nay, dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.

Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động. 

Xác định rõ vai trò quan trọng của dữ liệu trong hoạt động ngân hàng cũng như mục tiêu, định hướng của Đề án 06, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán đã và đang tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là thanh toán và tín dụng nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, cũng theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngành ngân hàng đã và đang gặp phải một số thách thức, trong đó phải kể đến thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng.

Chính vì vậy, tại các Quyết định, Kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số đều đặt ra nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu và phát triển hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng.

Apple Pay gia nhập cuộc đua 

Mới đây, Apple Pay chính thức gia nhập thị trường Việt Nam, khiến các "Fan nhà táo” hào hứng và nhanh chóng tìm kiếm thông tin để có thể tích hợp các loại thẻ ngân hàng vào ví và trải nghiệm phương thức thanh toán mới này.

Ngoài việc thanh toán qua thẻ ngân hàng, hiện ví điện tử “nhà táo” còn có thể thanh toán trên cổng thanh toán ZaloPay, Vnpay. Điều này có nghĩa, các đối tác doanh nghiệp đang hợp tác và sử dụng Cổng thanh toán ZaloPay, Vnpay có thể mở thêm lựa chọn thanh toán mới là Apple Pay cho khách hàng của họ.

Hiện nay, khách hàng có thể thanh toán trực tuyến và tại cửa hàng bằng các thiết bị Apple (iPhone, Apple Watch, iMac, MacBook và iPad) ở các điểm chấp nhận thanh toán như Starbucks, Phúc Long, Mc Donald's, Highlands Coffee, CGV, Winmart, nhà thuốc Long Châu, Taxi MaiLinh, Thế giới di động,  Pizza Company, Emart… Ngay cả các trang web cũng có thể thanh toán được bằng ví điện tử Apple như Shopee, Baemin, Be, Hasaki...

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên một phương thức thanh toán qua di động của nước ngoài có mặt ở thị trường Việt Nam. Trước Apple Pay, cả Samsung Pay và Google Pay đều đã xuất hiện nhưng chưa thực sự có sự đột phá. 

Hương Anh (tổng hợp) 

 

Bạn đang đọc bài viết "Thanh toán không tiếp xúc ngày càng được ưa chuộng" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh