shunshine group

Quy định ở 15m2 mới được đăng ký thường trú: Lao động nghèo lo "văng" khỏi thủ đô

08/07/2023 08:07

() - Cơ chế siết chặt với mong muốn giảm áp lực quy mô dân số cho nội thành Hà Nội đang khiến hàng triệu người lao động nghèo lo ngại lâm vào cảnh không chốn nương thân.

15m2 sàn/người liệu có khả thi?

Mặc dù câu chuyện 15m2 sàn/người còn gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội đã xem xét, biểu quyết thông qua việc quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể, nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP. Hà Nội như sau: Đối với khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người. Đối với khu vực nội thành là 15 m2/sàn/người.

Cũng từ đây, nhiều người lao động thu nhập thấp tha hương lo ngại sẽ phải đối mặt với việc làm sao để "bám" được tại Hà Nội.

Chị Nguyễn Minh Tâm (Hoàng Liệt, Hà Nội) hiện đang thuê một phòng trọ có diện tích 12m2 với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Phòng trọ này là nơi sinh hoạt, học tập của vợ chồng chị và 2 đứa con nhỏ đang trong độ tuổi đi học.

Theo quy định mới này, để các con được hưởng những chính sách từ việc đăng ký thường trú (được học trường công lập) tại nơi đang sinh sống, chị Tâm bắt buộc phải thuê một phòng trọ lớn hơn, diện tích lên tới 60m2.

"Thuê một phòng trọ 60m2 tương đương là thuê một căn nhà rồi, giá rẻ nhất cũng phải 5-6 triệu đồng/tháng. Trong khi vợ chồng tôi đều là những lao động bình thường, hai vợ chồng 1 tháng thu nhập khoảng 14 triệu đồng. Chưa kể những chi phí sinh hoạt khác, như vậy không thể đủ sống", chị Tâm chia sẻ.

Quy định ở 15m2 mới được đăng ký thường trú: Lao động nghèo lo văng khỏi thủ đô - 1

Quy định 15m2 sàn/người khiến nhiều lao động thu nhập thấp bị áp lực (Ảnh: NVCC).

Cùng chung hoàn cảnh với gia đình chị Tâm, gia đình anh Vũ Anh Tuấn (Phạm Văn Đồng, Hà Nội) hiện đang thuê một phòng trọ với diện tích 40m2. Tuy nhiên, gia đình anh ngoài hai vợ chồng còn thêm 3 con nhỏ trong độ tuổi đến trường. Theo quy định mới, gia đình anh muốn đăng ký thường trú tại Hà Nội phải thuê một nhà trọ có diện tích lên đến 75m2.

Theo anh Tuấn: "Thuê một phòng rộng 75m2 trong nội đô Hà Nội chi phí không hề rẻ, hay nói đúng hơn là những lao động có mức thu nhập trung bình, thấp không có cơ hội sinh sống trong nội đô".

Nhiều lao động cho biết, họ lựa chọn sinh sống trong khu vực nội thành do có nhiều cơ hội việc làm hơn, vấn đề an sinh, an ninh, tiện ích, dịch vụ trường học, y tế cũng được tốt hơn.

Tuy nhiên, việc gia tăng dân số cơ học lại là một trong những nguyên nhân góp phần gây quá tải đô thị.

Nhà ở xã hội liệu có là "cứu cánh"?

Khi cơ chế dân cư siết chặt, nhiều gia đình chuyển hướng sang nhà ở xã hội. Bên cạnh việc tích lũy để mua nhà ở xã hội, đề án cho thuê nhà ở xã hội cũng đang được nhiều người quan tâm.

Tuy nhiên, việc thuê nhà ở xã hội cũng đòi hỏi thủ tục rất phức tạp. Người thuê phải thuộc một trong 10 nhóm đối tượng quy định; thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (thu nhập dưới 11 triệu/tháng); thuộc một trong bảy loại hình khó khăn về nhà ở và phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh/thành phố có dự án. Chưa kể hồ sơ thuê không khác gì bộ hồ sơ mua nhà ở xã hội.

Một điều vô cùng ngặt nghèo khác đó là nếu đã một lần đi thuê nhà ở xã hội, tất cả mã số định danh cá nhân, những người đứng tên trong hộ khẩu đều lưu trữ ở Bộ Xây dựng. Như vậy, cả đời này gia chủ không bao giờ có cơ hội mua nhà ở xã hội. Tức là nếu đã thuê nhà ở xã hội dù chỉ 1 lần thì sẽ không bao giờ được mua nhà ở xã hội.

Điều này được thể hiện cụ thể tại Điều 51 Luật Nhà quy định người muốn mua nhà ở xã hội phải "chưa được mua hoặc thuê nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức".

Lật lại câu chuyện 15m2 sàn/người. Nếu một gia đình có ý định thuê nhà ở xã hội để đủ điều kiện đăng ký thường trú, thì phải thuê một căn ít nhất 60m2. Thế nhưng, để thuê được căn hộ với diện tích như trên, điều cần và đủ trước tiên lại là phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố có dự án.

Thuê nhà ở xã hội lúc này cũng không thể là "cứu cánh" cho những lao động thu nhập thấp.

Một bài toán "vòng vo" khiến người lao động không tìm ra được nút thắt. Thuê nhà ở xã hội được cho là giải pháp để người lao động thu nhập thấp không bị "văng" ra khỏi nội đô, thì nay cũng khiến người dân rơi vào thế bí.

Thay vì chọn nhà ở xã hội là cứu cánh, nhiều người lao động vẫn hoang hoải từng ngày khi biết thêm những thông tin "đề án này, nghị định kia" chính thức được thông qua. Cơ hội mưu sinh của lao động nghèo ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Bạn đang đọc bài viết "Quy định ở 15m2 mới được đăng ký thường trú: Lao động nghèo lo "văng" khỏi thủ đô" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh