shunshine group

Nỗi lo vào mùa “lộc rừng” 4 năm mới có 1 lần

30/07/2021 20:54

Chu kỳ 4 năm 1 lần, lực lượng chức năng ở Thừa Thiên-Huế lại vất vả trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác ươi theo hình thức tận diệt.

Khoảng 4 năm 1 lần, trên các cánh rừng của tỉnh Thừa Thiên-Huế, cây ươi lại ra hoa, kết trái. Ươi là một loại cây rừng có giá trị kinh tế cao. Quả cây ươi thường được dùng để làm thảo dược hoặc pha chế nước giải khát, giá thị trường cao dao động từ 300.000 đến 400.000 đồng/kg. Việc thu hái quả của loài cây này đã giúp bà con miền núi các huyện như Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên-Huế), nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Bởi vậy, ươi được bà con nơi đây xem như “lộc rừng”, 4 năm mới có 1 lần.

Môi trường - Nỗi lo vào mùa “lộc rừng” 4 năm mới có 1 lần

Hoa cây ươi (màu đỏ nhạt) đang nở rộ trên cánh rừng tự nhiên ở Thừa Thiên-Huế.

Hoạt động khai thác ươi thường diễn ra vào tháng 7 đến tháng 9 hằng năm. Hình thức khai thác đáng lẽ phải đợi quả chín rụng rồi thu lượm, tuy nhiên, những năm gần đây, việc khai thác bằng hình thức đốn hạ cây, tận diệt diễn ra khá ồ ạt đã ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường sinh thái.

Môi trường - Nỗi lo vào mùa “lộc rừng” 4 năm mới có 1 lần (Hình 2).

Hạt ươi đã đem lại thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nhiều bà con ở A Lưới.

Ông A Kơ Văn Một, phụ trách Đội tuần tra bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới cho biết, năm nay, ươi được mùa hơn so với các năm trước. Do đặc điểm là loài cây thân gỗ, mọc thẳng, không nhánh, rất khó để leo lên cây nên nhiều người dân đã thực hiện hành vi đốn hạ cây ươi để lấy quả. Đây là hình thức khai thác tận diệt vì không chỉ cây ươi bị đốn hạ mà còn làm cho những cây khác ở lân cận bị gãy đổ theo, ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái. Cho nên, khi đến mùa ươi, lực lượng chức năng phải rất vất vả để ngăn chặn tình trạng khai thác này.

Trước tình hình này, ngay từ đầu mùa vụ ươi, Sở NN&PTNT tỉnh, Chi cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ rừng, các hạt kiểm lâm đẩy mạnh các biện pháp để ngăn chặn tình trạng khai thác tận diệt loài cây này.

Ông Văn Thân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới thông tin, ngoài chốt chặn, tuần tra, truy quét, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm, lực lượng đơn vị còn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương tích cực tham gia bảo vệ cây ươi.

Môi trường - Nỗi lo vào mùa “lộc rừng” 4 năm mới có 1 lần (Hình 3).

Ngoài chốt chặn, kiểm soát, ngay từ trước mùa ươi, lực lượng kiểm lâm địa phương còn tích cực tuyên truyền bà con bảo vệ loài cây được xem như "lộc rừng" này.

Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến nay đã có hàng trăm poster, áp phích, trích dẫn quy định của pháp luật về nghiêm cấm, xử lý vi phạm khai thác, vận chuyển ươi đã được treo ở các điểm công cộng, cửa rừng để tuyên truyền, hàng chục ngàn tờ rơi đã được phát đến tận tay người dân, cùng hàng loạt cuộc tuần tra, truy quyét, chốt chặn... đã được thực hiện.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm cũng đã tham mưu sở ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các chủ rừng đăng ký, xây dựng kế hoạch tổ chức thu hái giống hạt ươi trong khu vực rừng đã giao theo đúng quy định để bảo tồn tài nguyên rừng, khai thác bền vững sản phẩm của loài cây này.

Lê Kông

Bạn đang đọc bài viết "Nỗi lo vào mùa “lộc rừng” 4 năm mới có 1 lần" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh