shunshine group

Người dân bỏ về trong buổi đối thoại Dự án tu bổ Gò Đống Thây

24/07/2023 20:05

Theo ý kiến của một hộ dân, cuộc đối thoại này không đạt hiệu quả, không đạt được mục đích và không đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

M

ới đây, UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội đã tổ chức đối thoại với các tổ chức, công dân đang sử dụng đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng “Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây” trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại, hàng chục hộ dân đã bức xúc và đứng dậy ra về với lý do không đủ thành phần các cơ quan chức năng liên quan.

Liên quan việc triển khai dự án, ngày 17/3/2022, UBND quận Thanh Xuân đã tổ chức hội nghị thông báo tới các tổ chức, hộ dân về kế hoạch, tiến độ thu hồi đất, GPMB và công khai các văn bản pháp lý liên quan đến Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây.

Tuy nhiên, các hộ dân không đồng ý với phương án GPMT được đưa ra và kiến nghị được đối thoại với các sở, ngành và lãnh đạo quận để làm rõ các nội dung liên quan dự án.

Đến ngày 14/7/2023, UBND quận Thanh Xuân gửi giấy mời cho các hộ dân liên quan tới dự án tham gia buổi đối thoại. Theo giấy mời, ngoài các hộ dân liên quan, buổi đối thoại do ông Lê Hồng Thắng (PCT UBND quận Thanh Xuân làm chủ trì) còn có thành phần tham dự khác như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Quận ủy, …và các phòng ban chuyên môn.

Theo ghi nhận của PV, tại buổi đối thoại một số đơn vị được mời không cử người tham dự như Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa – Thể thao và Duc lịch… Đặc biệt, đại diện của Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội đến dự nhưng tự ý bỏ về.

Không hài lòng trước sự vắng mặt của một số các sở, ban ngành có vai trò quan trọng trong việc thực hiện dự án, nhiều hộ dân đã nêu ý kiến xin được tạm dừng cuộc đối thoại. Đồng thời, kiến nghị được tổ chức lại một buổi đối thoại khác với sự tham dự đầy đủ các ban ngành liên quan. Đặc biệt cần có sự tham gia của đại diện UBND thành phố Hà Nội đóng vai trò chủ chốt.

Mặc dù hầu hết các hộ dân ra về, nhưng UBND quận Thanh Xuân vẫn tiếp tục tổ chức đối thoại, cho rằng đại diện các ban ngành vắng mặt thì người dân sẽ kiến nghị trực tiếp, và họ sẽ trả lời bằng văn bản.

Theo ý kiến của một hộ dân, cách đối thoại này không đạt hiệu quả, không đạt được mục đích và không đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Dân sinh - Người dân bỏ về trong buổi đối thoại Dự án tu bổ Gò Đống Thây

Buổi đối thoại với các tổ chức, công dân đang sử dụng đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng “Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây” trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung.

Việc thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo Gò Đống Thây, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, việc thực hiện dự án có nhiều dấu hiệu sai phạm, các văn bản chồng chéo trái quy định pháp luật; Công tác kiểm đếm, tổ chức hỗ trợ, đền bù GPMB cho dự án này không phù hợp với thực tế. Nhiều hộ dân sinh sống ở khu gần Gò Đống Thây từ những năm 1970 - 1980, cuộc sống ổn định hơn 40 năm nay, không tranh chấp đất với ai, không vi phạm pháp luật, thế nhưng khi bị thu hồi lại không được hỗ trợ chỗ ở, chỉ được đền bù phần tài sản trên đất.

Do vậy, các hộ dân liên quan đến dự án đang kiến nghị và mong muốn các cơ quan chức năng cần rà soát về quy trình, thủ tục đầu tư dự án mà UBND quận Thanh Xuân đang thực hiện và đặc biệt cần phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi của những người dân khi bị thu hồi đất liên quan đến dự án này.

Gò Đống Thây nằm trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Đây là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân Tây Sơn đại phá 29 vạn quân Thanh năm 1789. Ngày 28/9/1990, Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin thể thao và du lịch (nay là Bộ văn hóa thể thao và du lịch) ký Quyết định số 993, xếp hạng di tích lịch sử Gò Đống Thây là di tích cấp Quốc gia.

Ngày 26/3/1997, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1185/QĐ-UB, giao Ban quản lý Di tích danh thắng Hà Nội sử dụng 26.722m2 đất tại khu vực Gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân để quản lý và bảo tồn di tích lịch sử - nghệ thuật.

Ngày 28/10/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, với diện tích 15.336m2 tại văn bản số 4394 về việc thỏa thuận điều chỉnh khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích lịch sử gò Đống Thây.

Năm 2017, Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân đề xuất chủ trương lập Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất việc lập dự án để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích bằng nguồn vốn ngân sách của quận Thanh Xuân.

Ngày 25/10/2018, Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) với quy mô: Tu bổ gò số 1 và gò số 3; xây dựng mới miếu thờ, bổ sung bia và biển tại gò số 2; xây dựng mới các hạng mục công trình: Nhà quản lý và trưng bày (5 gian), 4 gò mô phỏng, cùng với đó là các hạng mục phụ trợ: Cổng chính, cổng phụ, khu để xe, sân lễ, sân khấu, phù điêu, tường rào, đường dạo, cây xanh, thảm cỏ…

Ngày 19/11/2021, Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân đã ban hành Kế hoạch số 293 về việc thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để thực hiện dự án. Theo số liệu của Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân, để thực hiện Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây, cần giải phóng mặt bằng 189 hộ dân, trong đó giai đoạn 1 có 56 hộ, giai đoạn 2 có 133 hộ. 

Bạn đang đọc bài viết "Người dân bỏ về trong buổi đối thoại Dự án tu bổ Gò Đống Thây" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh