Hội thảo do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) và Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức.
Ở cấp Trung ương, Bộ TN&MT và JICA đã bắt đầu khởi động dự án SPI-NAMA vào năm 2015 để tăng cường chức năng quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, đặc biệt là chuẩn bị thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris.
Trong quá trình hợp tác, Dự án đã hỗ trợ Bộ TN&MT xây dựng Nghị định quy định về Lộ trình và Phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK), cũng như thực hiện Đánh giá công nghệ cacbon thấp cho các phương thức giảm nhẹ của hành động đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), được Chính phủ Việt Nam cam kết theo Thỏa thuận Paris.
Ở cấp địa phương, TP. Hồ Chí Minh và JICA đã nỗ lực chuẩn bị để cập nhật Kế hoạch Hành động Ứng phó với Biến đổi Khí hậu (CCAP) của thành phố cho giai đoạn sau năm 2020.
Các chuyên gia Nhật Bản đã tổ chức tập huấn cho cán bộ Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh về phương pháp sử dụng Mô hình tích hợp châu Á - Thái Bình Dương (AIM) để cụ thể hóa xu hướng phát thải trong tương lai tại TP. Hồ Chí Minh và xác định các chỉ tiêu giảm thiểu vào năm 2030. Dựa trên kết quả mô phỏng của mô hình, TP. Hồ Chí Minh có thể thiết lập ưu tiên các hành động giảm thiểu dự kiến trong Kế hoạch hành động mới.
Kết quả mô phỏng theo mô hình AIM cho thấy, lượng phát thải KNK tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2030 sẽ tăng khoảng 2,6 lần so với năm 2016 nếu không có bất kỳ hành động giảm thiểu nào. Tuy nhiên, nếu có các hành động giảm thiểu hiệu quả, thành phố có thể giảm khoảng 20% lượng phát thải này vào năm 2030.
Kết quả ước tính đã được chia sẻ và tham vấn ý kiến với các bên liên quan tại TP. Hồ Chí Minh và các khuyến nghị chính sách cho Kế hoạch hành động mới đã được xây dựng và gửi tới Sở TN&MT.
Trong khuôn khổ hoạt động thí điểm, các chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà ở TP. Hồ Chí Minh và đề xuất một hệ thống báo cáo cacbon giống như hệ thống đã được Chính quyền thành phố Tokyo áp dụng. Hệ thống này đã giúp Tokyo giảm 16% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2012. Hệ thống cung cấp thông tin về hiệu quả tiết kiệm điện năng nhờ áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả tại các tòa nhà; bên cạnh đó, việc xếp hạng hiệu quả sử dụng năng lượng của Chính quyền Tokyo cũng là động lực thúc đẩy chủ các tòa nhà đầu tư vào các biện pháp tăng cường hiệu quả năng lượng.
“Kinh nghiệm của Chính quyền Thành phố Tokyo về báo cáo cacbon rất hữu ích cho Tp. Hồ Chí Minh khi số nhà cao tầng trong thành phố đang tăng lên nhanh chóng. Hệ thống này cũng sẽ giúp nâng cao nhận thức của người thuê về tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện”, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Trong phạm vi hỗ trợ cho TP. Hồ Chí Minh, Dự án đã ước tính mức giảm phát thải KNK dự kiến cho một số cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh. Phương pháp MRV cho các cảng biển do Dự án phát triển được Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đánh giá cao. Ông Trần Ánh Dương, Vụ trưởng Vụ Môi trường của Bộ GTVT xác nhận rằng, kết quả của dự án SPI-NAMA cho cảng biển tại Tp. Hồ Chí Minh sẽ được đưa vào Kế hoạch Quốc gia phát triển cảng xanh tại Việt Nam đang được Bộ GTVT xây dựng.
Ông Hiromichi Murakami, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường toàn cầu của JICA, cho biết: “Việt Nam, với tư cách là thành viên của cộng đồng toàn cầu, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris. Những nỗ lực tích cực của Chính phủ Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ là minh chứng rõ ràng cho thấy cả chính quyền trung ương và địa phương đều chủ động đẩy mạnh các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm hiện thực hóa mục tiêu xã hội cacbon thấp và tiến tới xã hội không phát thải cacbon, góp phần hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững”.
Ông Hiromichi Murakami hy vọng, những kinh nghiệm và bài học từ dự án SPI-NAMA sẽ giúp Chính phủ Việt Nam củng cố khung pháp lý đảm bảo sự chuyển hướng mô hình trong tương lai, hướng tới nền kinh tế cacbon thấp.