Đề nghị thu hồi nhiều dự án vi phạm Luật Đất đai
Dựa trên kết quả kiểm tra của Tổng cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 4241 ngày 11/10/2022 về việc công khai 43 dự án bất động sản vi phạm trên địa bàn với tổng diện tích gần 645ha.
Trong đó, nổi cộm nhất là Dự án Khu du lịch biệt thự cao cấp King Sea Phan Thiết, được tỉnh Bình Thuận chấp chủ chương đầu tư cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang, sau gần 20 năm qua đến nay dự án này vẫn là bãi đất trống, đầy cỏ hoang.
Theo tìm hiểu của PV, Dự án King Sea Phan Thiết được chấp thuận chủ chương đầu tư từ năm 2005, đến năm 2010 được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 86 ha. Nhưng suốt nhiều năm vẫn chỉ là bãi đất trống đầy cỏ hoang.
Đến ngày 6/3/2018, UBND tỉnh Bình Thuận lại cấp Quyết định đầu tư mới cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang chỉ còn 55,4ha. Tuy nhiên trải qua, nhiều lần cấp đổi, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai.
Cụ thể, dự án King Sea Phan Thiết được tỉnh Bình Thuận cho thuê 49,3 ha đất, trả tiền hàng năm tại Quyết định số 672/QĐ-UBBT ngày 24/3/2005. Số diện tích đất còn lại bao gồm đất sông suối, đất hồ và một phần đất rừng phòng hộ với diện tích 12.198m2 cùng với rất nhiều diện tích đất của dân chồng lấn trong dự án mà chưa được thương lượng, đền bù theo giá thị trường.
Theo chủ trương của UBND tỉnh, Công ty Đại Thanh Quang phải triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động khách sạn, căn hộ du lịch cao tầng vào năm 2018. Đến năm 2019 đưa vào hoạt động khối biệt thự liên kết, biệt thực độc lập…và năm 2021 phải hoàn thành đưa toàn bộ dự án vào hoạt động kinh doanh.
Đến năm 2019, dự án này vẫn chỉ là bãi đất trống, phía trên đồi có trồng một số cây keo lá tràm, phía dưới có duy nhất một căn nhà bỏ trống. Tuy nhiên, tỉnh Bình Thuận lại “ưu ái” ra hạn cho dự án King Sea Phan Thiết thêm 24 tháng đến ngày 4/3/2021, nhưng đến nay dự án vẫn là bãi đất trống hoang tàn, không một bóng người, gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong khu vực.
Đáng nói, dù dự án được chấp thuận đầu tư từ những năm 2005 nhưng đến nay công ty Đại Thanh Quang vẫn chưa thoả thuận đền bù cho nhiều hộ dân ở đây. Vì vậy những hộ dân này phải sống chật vật trong những căn nhà chật hẹp, hư hỏng, con đường đi vào khu vực này là đường đất cát, người dân di chuyển khó khăn nhất là trong mùa mưa bão.
Qua tìm hiểu thực tế của PV, dự án này đang bị nhiều tổ chức, cá nhân tố cáo hành vi làm giả hồ sơ, giấy tờ để lấn chiếm đất của dân không đền bù. Trong đó, có Công ty cổ phần TV ĐT TM DV địa ốc Thái Dương đề nghị không cho phép Công ty Đại Thanh Quang thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đang tranh chấp là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng King Sea Phan Thiết và toàn bộ tài sản trên đất.
Bên cạnh đó, cá nhân ông Nguyễn Hồng Chương đại diện pháp luật Công ty TNHH Đại Thanh Quang liên tục bị bà Nguyễn Thị Trúc Vân (HKTT tại TP Hồ Chí Minh, nguyên phó giám đốc Công ty Đại Thanh Quang), ông Hồ Duy Đấu, nguyên phó giám đốc Công ty Đại Thanh Quang và ông Nguyễn Văn Thảo (Trú tại TP Phan Thiết) tố cáo lừa đảo, cố ý làm giả hồ sơ, giấy tờ, chiếm đoạt tài sản. Hơn nữa, dự án cũng có nhiều khuất tất trong việc chuyển nhượng, mua bán, tranh chấp với những hộ dân dẫn đến tình trạng gây mất an ninh trật tự kéo dài.
Mỏi mòn chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân kêu cứu.
Theo phản ánh của 30 hộ dân tại xóm 5, thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, đã gần 20 năm, kể từ khi dự án King Sea Phan Thiết được phê duyệt, đến nay dự án chưa hề có dấu hiệu triển khai. Dự án còn chồng lấn rất nhiều diện tích đất của các hộ dân đang sử dụng hợp pháp từ nhiều năm qua nhưng Công ty Đại Thanh Quang không đo vẽ, khảo sát, thương lượng, bồi thường cho dân dẫn đến tình trạng tranh chấp kéo dài.
Điển hình như hộ gia đình ông Đỗ Ngọc Anh và 30 hộ dân khác đã xây nhà ở trên đất ổn định gần 40 năm qua. Chia sẻ với PV, ông Đỗ Ngọc Anh (sinh năm 1940) cho biết: "Từ năm 1975 sau giải phóng đến năm 1980, người dân chúng tôi tới đây ở để tăng gia sản xuất, làm ăn sinh sống. Gia đình tôi và một số hộ dân ở ổn định đến khoảng thời gian năm 2001 thì có ông thôn trưởng tới tập trung dân địa phương này lại rồi nói, bữa nay có Công ty du lịch của Đại Thành Quang tới triển khai dự án. Chúng tôi là người dân làm ăn lao động, không biết dự án hay công ty nào. Bởi đã gần 20 năm qua, chúng tôi chưa bao giờ thấy người của Công ty Đại Thanh Quang cũng như chưa thấy dự án này triển khai bất cứ hạng mục gì.Người dân chúng tôi rất khổ, vì đất đai nhà cửa nằm trong quy hoạch dự án nên toàn bộ ba chục hộ dân ở đây đều không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nhà cửa hỏng hóc không được sửa sang. Chúng tôi cứ mỏi mòn chờ từ năm này qua năm khác mà không biết kêu ai".
Còn ông Phạm Văn Tòng (trú tại tổ 5 thôn Tiến Bình) cũng bức xúc: "Tôi năm nay 47 tuổi, cha mẹ tôi ở đây, sinh ra tôi ở hồi đó cho đến giờ chúng tôi ở ổn định tại đất này. Dựán của Đại Thành Quang này đã nghe nói từ hai chục năm nay mà cũng không có triển khai gì. Dân chúng tôi không có sổ đỏ, cũng không được cất nhà cất cửa. Người dân rất mong chính quyền vào cuộc để cho nhân dân chúng tôi có GCNQSDĐ. Để chúng tôi có quyền lợi chính đáng của công dân".
Ông Châu Sáu (sinh năm 1966, trú tại Tổ 5) cũng cho biết, đã nhiều năm nay người dân mong chờ cơ quan chức năng có có biện pháp giải quyết, để tháo gỡ những khó khăn cho dân về chỗ ăn ở, đường đi lối lại. Theo ông Sáu, con đường hiện đang đi là do bà con bỏ công sức đổ đất, cát để đi tạm chứ không phải là đường của xã hay là nhà nước làm. “Từ khi dự án qui hoạch treo kéo dài khiến gia đình tôi và những hộ dân ở đây gặp nhiều khó khăn, khổ cực. Nhà cửa hư hỏng không được sửa chữa, trồng cây cũng bị nhắc nhở. Đất không có sổ, không giao dịch, buôn bán gì được, dân tình kêu cứu khổ sở, nhưng chẳng ai giải quyết”, ông Châu Sáu chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Văn Thảo, bà Nguyễn Thị Trúc Vân, ông Hồ Duy Đấu thì đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng tố cáo ông Nguyễn Hồng Chương, người đại diện pháp luật Công ty Đại Thanh Quang đã làm giả giấy tờ, tài liệu, cung cấp các tài liệu phản ánh không đúng sự thật về nguồn gốc đất, lập khống danh sách các hộ dân được đền bù, làm giả hồ sơ mua bán đất… để có thể xin chấp thuận đầu tư từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, sau khi được chấp thuận chủ trương, công ty này liền lập khống danh sách đền bù đối với những hộ dân có trong dự án.
Theo đơn trình bày của ông Thảo, kể từ khi công ty Đại Thanh Quang lập dự án đến nay, gần 20 năm, gia đình bà Huệ, ông Thảo cùng một số hộ dân tại đây vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn bỏ hoang, chưa hề có dấu hiệu triển khai.
Tuy nhiên, việc kêu cứu của ông Thảo và hàng chục hộ dân tại đây dần bị chìm vào quên lãng và công ty Đại Thanh Quang ngang nhiên tố cáo ông Thảo chiếm đất dự án.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: hiện dự án này đang rất phức tạp, xã không có quyền phát ngôn khi chưa có sự chỉ đạo của cấp trên.