shunshine group

Đau đầu lo việc giải quyết người lang thang, ăn xin tại đô thị

23/12/2022 12:11

() - Tại hội nghị về công tác bảo trợ xã hội diễn ra tại Kiên Giang, nhiều địa phương than khó khi vận động, đưa người cơ nhỡ, lang thang vào các trung tâm bảo trợ xã hội.

Trong buổi làm việc chiều 22/12 và sáng 23/12, các đại biểu tại hội nghị chuyên đề công tác Bảo trợ xã hội năm 2022 tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, như: Triển khai công tác xã hội theo Nghị định 20; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xã hội; rà soát chính sách pháp luật trong công tác bảo trợ xã hội…

Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến công tác bảo trợ xã hội; các kiến nghị xung quanh Nghị định số 20... Nhiều đại biểu quan tâm, đề cập thực tế việc đưa người lang thang, cơ nhỡ vào các trung tâm bảo trợ có những vướng mắc cần được tháo gỡ.

Đau đầu lo việc giải quyết người lang thang, ăn xin tại đô thị  - 1

Sáng 23/12, ông Tô Đức - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội chủ trì phiên thảo luận liên quan đến các chính sách về công tác bảo trợ xã hội (Ảnh: Nguyễn Hành).

Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội cho biết, qua 2 năm, công tác bảo trợ xã hội tại địa phương đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, ngành lao động đã kịp thời phối hợp với các sở, ngành thực hiện việc thống kê, chi hỗ trợ kịp thời đến hàng chục nghìn hộ nghèo, người lao động khó khăn.

Bên cạnh đó, đại biểu Hà Nội nhận định, mảng công tác bảo trợ xã hội phạm vi rất rộng lớn, đòi hỏi cán bộ có kiến thức chuyên môn sâu. Tuy nhiên, hiện có tình trạng cán bộ luân chuyển, nghỉ việc nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác.

Nữ đại biểu cũng nêu vướng mắc trong công tác quản lý, hỗ trợ người cơ nhỡ, lang thang tại Hà Nội. Thực tế, khi kiểm tra, xác minh nhân thân, xác định người cơ nhỡ từ các địa phương xa như miền Tây tập trung về Hà Nội thì việc phối hợp, lo kinh phí để đưa các cá nhân về địa phương gặp nhiều khó khăn.

Còn bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, nhiều năm qua, thành phố quyết tâm đưa người cơ nhỡ, lang thang, xin ăn ngoài đường vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc này vướng nhiều với những đối tượng là người nước ngoài. Những điểm vướng đến từ cả vấn đề xác minh nhân thân tới chế độ, chính sách áp dụng với những đối tượng này, tốn chi phí hơn nhiều. 

Đại diện thành phố thủ phủ miền Trung kiến nghị Cục Bảo trợ xã hội có những văn bản hướng dẫn việc thực hiện giữa các ngành có liên quan, xử lý bất cập về tài chính để các địa phương thuận lợi hơn khi đưa người cơ nhỡ vào các trung tâm bảo trợ tập trung.

Giám đốc LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng Võ Thanh Quang thì góp ý, đối với chính sách hỗ trợ người cao tuổi, cần điều chỉnh độ tuổi được hưởng trợ cấp, hạ xuống mức 75 tuổi thay vì 80 tuổi mới được nhận bảo trợ xã hội.

Ông Quang cũng nêu việc Sóc Trăng hiện thiếu những nhà điều dưỡng người có công. Tỉnh này mong muốn xây dựng một trung tâm điều dưỡng dành cho người có công kết hợp với nghỉ dưỡng, du lịch, để những người có công ở các tỉnh thành khác đến Sóc Trăng, người ra Côn Đảo du lịch có chỗ nghỉ ngơi.

Vị Giám đốc Sở cũng nêu ý kiến về công tác giảm nghèo. Theo ông, cần có chính sách hỗ trợ tín dụng linh hoạt, hiệu quả hơn với người lao động. Nhiều trường hợp, người lao động cần hỗ trợ phải có vài chục triệu đồng đối ứng mà không xoay được nên mất cơ hội, rõ ràng nhất là đi làm việc ở nước ngoài. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi chia sẻ: "Do đại dịch Covid-19 nên trong 2 năm qua, Bộ chưa tổ chức được cuộc hội nghị nào về công tác bảo trợ xã hội. Vì thế, hội nghị lần này là cơ hội để nhìn nhận và đánh giá kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những khó khăn, tồn tại trong công tác này, nhất là việc dự báo về những khó khăn, thách thức trước mắt. Từ đó, Cục Bảo trợ xã hội, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH tăng cường các giải pháp phù hợp để đảm bảo các chương trình an sinh xã hội cho người dân, nhất là nhóm người nghèo, lao động khó khăn; trẻ em khuyết tật, người yếu thế và người cao tuổi…".

Đau đầu lo việc giải quyết người lang thang, ăn xin tại đô thị  - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị chuyên đề về công tác bảo trợ xã hội năm 2022 (Ảnh: Nguyễn Hành).

Nói về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ Trưởng Hồi cho biết, Bộ LĐ-TB&XH tập trung triển khai các nghị quyết của trung ương và các chính sách pháp luật về bảo trợ xã hội tới nhóm đối tượng thụ hưởng như trẻ em khuyết tật, người yếu thế, người cao tuổi, lao động khó khăn để giải quyết tốt các chế độ chính sách cho nhóm đối tượng này. Ngoài ra, trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra, chúng ta có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân khi gặp khó khăn.

Mặt khác, Bộ sẽ tập trung là hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện các chính sách theo Nghị định số 20 về trợ cấp hàng tháng đối với người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần, người nhiễm HIV. Một số nhóm đối tượng khác thuộc diện khó khăn chưa có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được xem xét cấp, nhất là nhóm người cao tuổi chưa có thẻ. Đồng thời, Bộ sẽ chỉ đạo ngành lao động các địa phương đẩy mạnh công tác đưa người cơ nhỡ, ăn xin, lang thang ngoài đường vào các trung tâm nuôi dưỡng kịp thời, có những chính sách phù hợp cho công tác này.

Bạn đang đọc bài viết "Đau đầu lo việc giải quyết người lang thang, ăn xin tại đô thị" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh