shunshine group

Công nhân mong "chạm" tới lương hưu khi giảm năm đóng bảo hiểm

14/03/2023 12:08

() - Khi nghe thông tin về đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu, chị Lê Thị Luận (33 tuổi) khấp khởi mừng. Có lương hưu, về già không phải phụ thuộc là mơ ước của vợ chồng chị.

Rời quê Thanh Hóa, đến Khu công nghiệp Thăng Long ở Đông Anh, Hà Nội tìm việc. Đến nay, chị đã có 4 năm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Làm công nhân tại thủ đô, thu nhập cao hơn nhưng chị Luận phải thêm chi phí thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn.

Tiếp nhận thông tin về định hướng sửa luật BHXH, giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu, ngoài nội dung này, nữ công nhân này còn mong mỏi được xem xét thêm về tuổi nghỉ hưu.

Công nhân mong chạm tới lương hưu khi giảm năm đóng bảo hiểm - 1

Chị Luận rất quan tâm tới các điều kiện để có thể tiếp cận lương hưu (ảnh: Thanh Xuân).

"Chúng tôi là lao động trực tiếp trong doanh nghiệp, nên còn sức khỏe sẽ cố gắng làm việc nhưng tôi cũng không biết bản thân có thể duy trì sức làm việc đến bao giờ" - chị Luận bày tỏ.

Nữ công nhân cũng xác định khó có thể tiếp tục làm việc ở nhà máy đến 60 tuổi. Chị dự định trước thời điểm đó sẽ về quê tìm một công việc phù hợp hơn. Dẫu vậy, chị vẫn sẽ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để có "của để dành" cho tuổi già sau này.

Ở quê Quý Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang, làm vườn cho thu nhập không cao, chị Leo Thị Mùi (37 tuổi) quyết định đi làm công nhân. Mới ngày nào cầm bộ hồ sơ xin việc đến nộp tại Công ty TNHH Luxshare ICT (Vân Trung, Bắc Giang), đến nay chị đã có 2 năm làm việc trong nhà máy.

Từ Tết Nguyên đán đến nay, công ty giảm đơn hàng, chị Mùi không được tăng ca. Lần đầu tiên, nữ công nhân "nếm mùi" chỉ làm 8 tiếng/ngày. Nếu đều đặn tăng ca, lương khoảng 9-10 triệu đồng/tháng, nay mỗi tháng chỉ còn cầm về được 6-7 triệu đồng, thu nhập giảm đến 1/3.

Chị Mùi từng có ý nghĩ cố gắng làm công nhân thêm 3-4 năm. Sau đó chị sẽ về quê cùng chồng tiếp tục công việc làm vườn, trồng cây ăn quả.

"Nhà tôi ở Lục Ngạn có vườn cây nên không có ý định đi làm lâu. Sau khi nghỉ 1 năm, chắc tôi sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần, vì điều kiện gia đình không cho phép tiếp tục tham gia mười mấy năm để có lương hưu" - chị Mùi trần tình.

Thêm nữa, nhà chị cách xa nơi làm việc đến 50km. Nếu đi làm ca 1, chị phải dậy từ 4h30 để kịp đón xe lúc 5h30. Có khi tan ca tối cũng phải 21h30 chị mới bước chân đến về đến nhà.

Nữ công nhân kể: "Thêm vài tuổi nữa sức khỏe đi xuống, khó lòng có thể đi xa mà làm việc như vậy. Giá như nhà gần khu công nghiệp thì tôi sẽ gắn bó với công việc ở nhà máy lâu hơn".

Mấy nay, chị Mùi cũng nghe thông tin được giảm số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm. Song với hoàn cảnh gia đình mình, chị nhẩm tính khó lòng có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.

Chồng ở quê làm vườn, trồng cây ăn quả. Hai vợ chồng lao động cật lực mỗi tháng cũng chỉ đủ chi tiêu, sinh hoạt, nuôi 3 con học hành.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, để hưởng chế độ hưu trí có hai điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Rõ ràng, khi được tiếp cận chế độ hưu trí, tỉ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động sẽ giảm.

Ông Quảng phân tích, muốn tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người lao động tiếp cận với lương hưu hơn chỉ có cách giảm điều kiện đóng bảo hiểm.

Công nhân mong chạm tới lương hưu khi giảm năm đóng bảo hiểm - 2

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

"Giảm tuổi nghỉ hưu không khả thi bởi Nghị quyết 28 của Trung ương (năm 2018) về cải cách bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động năm 2019… đã được thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2021, xác định rõ lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Đó cũng là việc tất yếu phải làm khi già hóa dân số, để đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Vậy nên chỉ còn điều kiện thứ 2 có thể xem xét, cân nhắc. Đây chính là mục tiêu mà dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang hướng tới. Quy định giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm đang được đưa ra để lấy ý kiến" - ông Quảng phân tích.

Biện giải về nội dung này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, đề xuất giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn được hưởng lương hưu.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo luật, hiện nay, số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội là 5,1 triệu người, mới chỉ chiếm 35% so với số người trong độ tuổi nghỉ hưu. Trong đó, số người hưởng lương hưu là 2,7 triệu người.

Bạn đang đọc bài viết "Công nhân mong "chạm" tới lương hưu khi giảm năm đóng bảo hiểm" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh