shunshine group

Công nhân mất không có tiền làm đám tang, 11 năm sau mới nhận được bảo hiểm

21/07/2023 20:07

() - Không may bị ung thư rồi qua đời, người thân của công nhân nhà máy Dệt kim Haprosimex ngược xuôi đi đòi tiền tử tuất nhưng bất thành vì công ty nợ tiền bảo hiểm.

6 năm cay đắng đi đòi quyền lợi

Chia sẻ của chị Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc Phân xưởng may của nhà máy Dệt kim Haprosimex (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex) tại Hội thảo "Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc" chiều 21/7 tại Hà Nội khiến nhiều người ngậm ngùi.

Chị Huyền cho biết, sau 6 năm "đấu tranh" ròng rã và nhờ có báo chí vào cuộc, tháng 3 vừa qua, công ty đã trả 15 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2011 của gần 500 công nhân.

Nhớ lại hành trình "đòi" quyền lợi chính đáng của công nhân trong những năm, chị Huyền thở dài "quá gian nan". Người lao động phải đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ, trước và sau khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, câu trả lời mà người lao động nhận được là những lời nói vô cảm "doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả".

Công nhân mất không có tiền làm đám tang, 11 năm sau mới nhận được bảo hiểm - 1

Chị Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc phân xưởng may của nhà máy Dệt kim Haprosimex.

Suốt thời gian đó, quyền lợi của hàng trăm lao động của công ty bị ảnh hưởng.  Đặc biệt, trong số gần 500 công nhân nhà máy Dệt kim, có hoàn cảnh của 2 chị em chị Lê Thị Là vô cùng khó khăn. Trước tháng 3, chị Là đã 2 lần sinh con nhưng chưa được nhận chế độ thai sản.

Đáng buồn hơn, em gái chị Là là chị Ngân không may qua đời năm 2012. Tới trước tháng 3, gia đình vẫn chưa được nhận tiền tử tuất.

Làm tại nhà máy từ tháng 12/2008 thì đến tháng 9/2012, sức khỏe chị Ngân giảm sút. Lúc này, chị Ngân mang thai cháu thứ 2 được 5 tháng.

Chị Ngân được sau đó phát hiện mắc bệnh ung thư máu. Khi đó, mọi chi phí thuốc men cho Ngân đều do gia đình chi trả, bởi chị không được tham gia bảo hiểm y tế.

Sau đúng 1 tuần phát hiện ra bệnh thì chị Ngân mất cùng với đứa con chưa kịp chào đời.

Giai đoạn này, hoàn cảnh gia đình chị Ngân hết sức khó khăn… Để có tiền làm tang cho chị Ngân, người thân trong gia đình đến trụ sở của cơ quan bảo hiểm xã hội nộp hồ sơ nhằm được hưởng chế độ tử tuất.

Tuy nhiên, bấy giờ, phía cơ quan Bảo hiểm xã hội cho biết, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội cho chị Ngân nên không thể hoàn thiện hồ sơ thủ tục để chi chế độ tử tuất cho gia đình.

"Thấu hiểu hoàn cảnh của Ngân, cùng cảnh công nhân nghèo với nhau, nên anh chị em trong nhà máy đã cùng nhau ủng hộ một ngày lương để hỗ trợ gia đình làm đám tang cho Ngân", chị Huyền nghẹn ngào.

Khi mẹ mất, con trai chị Ngân mới 3 tuổi. Nay, cháu đã 14 tuổi, nhưng đến trước tháng 3, chế độ tử tuất của chị Ngân, gia đình vẫn chưa được nhận.

Bản thân chị Là cũng gặp rất nhiều khó khăn. Để nuôi 3 con ăn học, nữ công nhân hàng ngày cùng chồng bươn chải kiếm tiền, ai thuê gì làm nấy từ thợ may gia công, lái xe ôm, phụ hồ…

Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, người lao động đã nhiều lần tìm gặp lãnh đạo công ty để đòi quyền lợi… nhưng đáp lại người lao động là những lời hứa suông.

Đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã trả hết số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội của người lao động. Phía cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã tiến hành chốt sổ cho gần 100 người lao động còn lại của Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội gia tăng và diễn biến phức tạp

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho hay, thời gian vừa qua đã có nhiều vi phạm, tội phạm phát sinh trong lĩnh vực bảo hiểm nói chung, đặc biệt là bảo hiểm xã hội. Nguyên nhân vì động cơ vụ lợi, số tiền vi phạm như trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt… lên đến hàng trăm tỷ đồng.

"Việc trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã tác động, ảnh hưởng đến số lượng lớn người lao động, gây thất thu đối với quỹ bảo hiểm, khiến an sinh xã hội không được bảo đảm", ông Dũng nhấn mạnh.

Công nhân mất không có tiền làm đám tang, 11 năm sau mới nhận được bảo hiểm - 2

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, mặc dù hệ thống pháp luật đã xác định hành lang pháp lý để giải quyết nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng còn nhiều bất cập, xa thực tế, thiếu thống nhất.

Từ đó, dẫn đến thiếu tính khả thi, khiến tình trạng nợ bảo hiểm xã hội gia tăng và diễn biến phức tạp.

Theo ông Hiểu, có ý kiến đề xuất mở rộng chủ thể khởi kiện là cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, tiếp tục trao quyền khởi kiện cho công đoàn nhưng không cần phải quy định về ủy quyền của người lao động đối với công đoàn. Bởi, công đoàn là đại diện đương nhiên của người lao động

Ngoài ra, hiện nay các cơ quan chức năng đã thể hiện trong dự thảo luật bảo hiểm xã hội, đó là ngừng sử dụng hóa đơn; hoãn xuất cảnh chủ doanh nghiệp trây ỳ nợ bảo hiểm xã hội…

Ông Hiểu kiến nghị thiết chế hành lang pháp lý để giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm xã hội hiện tại và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm, có tiếng nói trong quá trình xây dựng pháp luật, kể cả ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm.

Bạn đang đọc bài viết "Công nhân mất không có tiền làm đám tang, 11 năm sau mới nhận được bảo hiểm" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh