shunshine group

Ninh Thuận: Vấn đề pháp lý việc áp dụng văn bản hết hiệu lực thu hồi đất trái luật

Lê Thuận

08/05/2020 17:24

Năm 2019, Thanh tra Chính phủ có đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ Thanh tra quản lý đất đai, xây dựng dự án tại Ninh Thuận. Việc Ninh Thuận sử dụng văn bản pháp luật hết hiệu lực trong thời gian dài 26 tháng thu hồi đất trái pháp luật gây bức xúc trong nhân dân rồi cũng sẽ được làm rõ trước pháp luật.

Với mục tiêu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai hàng loạt dự án trọng điểm. Theo đó, tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, triển khai dự án, nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Năm 2013, tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định 2352/QĐ-UBND, nhằm kêu gọi đầu tư 7 dự án hạ tầng giao thông theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT) trên địa bàn tỉnh. Quá trình kêu gọi xúc tiến đầu tư, tỉnh tiếp tục phê duyệt bổ sung 3 dự án, do các nhà đầu tư đề xuất vào danh mục dự án BT gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến Đường N9 thuộc khu quy hoạch dân cư Bắc Trần Phú (QĐ 2040/ QĐ-UBND ngày 07/10/2014; Dự án tuyến đường nối Yên Ninh ra biển và hệ thống vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật đường Yên Ninh và Dự án tuyến đường Phan Bội Châu, phường Mỹ Bình.

Trên cơ sở đề xuất đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoàng Nhân, đăng ký 2 dự án: Dự án tuyến đường nối Ngô Gia Tự với đường Lê Duẩn và Dự án tuyến Đường N9 thuộc khu quy hoạch dân cư Bắc Trần Phú. Trong quá trình thu hồi đất và giải phóng mặt bằng làm các dự án trên, tỉnh Ninh Thuận áp dụng Luật Đất đai 2013, Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày15/5/2014 của Chính phủ làm căn cứ pháp lý cho từng dự án. Áp dụng luật một đường, nhưng khi triển khai, thực hiện thì tỉnh Ninh Thuận làm một nẻo. Tỉnh đã sử dụng Quyết định 2380/2010/QĐ-UBND, áp dụng theo Luật Đất đai 2003 và Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã hết hiệu lực, được thay thế bằng Luật Đất đai 2013 và Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày15/5/2014 của Chính phủ có hiệu lực từ 01/7/2014. Đây là sai lầm nghiêm trọng, lạm dụng văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, để làm căn cứ ban hành quyết định thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Đơn cử, Quyết định số 222/ QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh Ninh Thuận, phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Đường N9 thuộc khu quy hoạch dân cư Bắc Trần Phú.

Ông Nguyễn Trung - một hộ dân trong có đất trong dự án thu hồi đất để làm đường

Căn cứ pháp lý ban hành Quyết định này theo Luật Đất đai 2013; Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014, Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các thông báo, tờ trình của cơ quan chức năng trong tỉnh.

Thế nhưng, nội dung phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư của Quyết định 222/QĐ-UBND thì áp dụng Quyết định 2380/2010/QĐ-UBND 21/12/2010; Nghị định 69 /2009 /NĐ-CP 13/8/2009. Như vậy, xét về bản chất pháp lý của Quyết định hành chính số 222/ QĐ-UBND là trái pháp luật, do căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực để ban hành. Như vậy, các quyết định hành chính “cá biệt” của UBND TP Phan Rang- Tháp Chàm thu hồi đất bồi thường hỗ trợ tái định cư cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi đương nhiên không có giá trị pháp lý.

Nghiêm trọng hơn nữa văn bản quy phạm pháp luật chi tiết hết hiệu lực pháp luật, Quyết định 2380 /2010/QĐ-UBND áp dụng trong không gian rộng, trên địa bàn toàn tỉnh gồm 6 huyện, thành phố, trong thời gian dài 26 tháng. Qua nghị quyết HĐND tỉnh Ninh Thuận năm 2015, 2016 , có rất nhiều dự án  đầu tư xây dựng  trên toàn tỉnh, nên chính quyền ra quyết định hành chính về thu hồi đất bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần phải làm đúng theo pháp luật. Sau khi ban hành văn bản hành chính trái pháp luật trong lĩnh vực thu hồi bồi thường hỗ trợ tái định cư trong khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Mãi đến ngày 26/9/2016 (26 tháng), UBND tỉnh Ninh Thuận mới ban hành Quyết định 64/2016/QĐ-UBND thay thế Quyết định 2380/2010/QĐ-UBND. Đây là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng chưa có tiền lệ của một chính quyền cấp tỉnh, trên phạm vi cả nước. Hành vi này khiến người dân bị thu hồi đất thiệt hại về vật chất, tinh thần, làm cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị xâm hại… Điều mất mát lớn hơn là việc áp dụng văn bản hết hiệu lực pháp luật dẫn đến tình trạng loạn kỷ cương phép nước, làm mất niềm tin của người dân vào chính quyền. Và đây là cơ hội của cán bộ thoái hóa biến chất, cấu kết với các nhóm lợi ích chia chác, xà xẻo tài sản của nhà nước và của nhân dân .

Việc sử dụng văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, thu hồi đất trái pháp luật vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai 2013; Vi phạm Điều 102 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013. Vi phạm Điều 14, 154, 155, 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Vi phạm Điều 112 xử lý văn bản trái pháp luật theo Nghị định 34/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, toàn bộ văn bản hành chính đã ban hành trái pháp luật, phải được xử lý theo quy định tại Điều 111, Điều 112 Nghị định 34/2016/NĐ-CP dù văn bản hành chính đã được thực hiện, chấp hành, đang thực hiện chấp hành hoặc chưa thực hiện chấp hành.

Dự án thu hồi đất làm đường không đúng quy định pháp luật khiến người dân bức xúc

Trong qúa trình áp dụng pháp luật đất đai 2013 để thu hồi đất thực hiện dự  án Đường N9, UBND tỉnh Ninh thuận đã lạm dụng quyền hành, áp dụng sai quy phạm pháp luật về thu hồi đất để thực hiện các dự án theo Điều 62 Luật Đất đai 2013. Theo Đơn tố cáo của ông Nguyễn Trung cư ngụ khu phố 3, phường Phủ Hà, TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. UBND TP Phan Rang-Tháp Chàm ban hành 4 quyết định hành chính thu hồi đất của gia đình ông và 3 người con cụ thể: Gia đình ông Nguyễn Trung bị thu hồi 608,1m2 làm đường chỉ có 28,66m2, còn lại phân lô bán nền 579m2. Nguyễn Quốc Tùng bị thu hồi 434,3 m2, không làm đường, chỉ phân lô bán nền 434,3m2. Nguyễn Gia Bách thu hồi 500m2, làm đường chỉ 102,76m2, còn lại phân lô bán nền 397,21m2. Nguyễn Hạo Khiết thu hồi 499,6 m2, làm đường 189,2m2, phân lô bán nền 310m2.

UBND tỉnh Ninh Thuận  áp dụng Điều 62, khoản 3, điểm b, điểm d, Luật Đất đai 2013 (làm đường, chỉnh trang đô thị) áp giá đền bù 638.000 đồng/m2. Ông Trung khiếu nại, cho rằng: Đất thu hồi làm đường theo điểm b khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai 2013 ông hoàn toàn đồng ý nhưng đất giao cho nhà đầu tư phân lô bán nền không thuộc điểm d, khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai 2013 vì không phải là đất chỉnh trang đô thị, không có hồ sơ chỉnh trang đô thị trong dự án. “Đây thực chất là một dự án độc lập, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế theo quy định của pháp luật về đất đai. Khu đất ở đô thị, là một dự án kinh tế, kinh doanh thương mại nhà nước dùng dự án này để thanh toán cho nhà đầu tư BT, theo Nghị định 69/ 2019/NĐ-CP. Như vậy, nhà nước không thể gộp đất phân lô bán nền và đất làm đường vào điểm b, d khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai 2013,  áp cùng một giá đất, theo khung giá đất của nhà nước. Mà phải áp dụng Điều 73  Luật Đất đai 2013 để giải quyết”, ông Nguyễn Trung đề nghị.

Điều 73 Luật Đất đai 2013 ghi rõ việc sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử  dụng đất để sản xuất kinh doanh thể hiện sự quan tâm nhiều nhất của Đảng, nhà nước, pháp luật  đến người dân có đất bị thu hồi. Căn cứ luật này nhằm hạn chế tình trạng nhà nước lạm quyền thu hồi đất giúp nhà đầu tư với giá quy định để bồi thường đất, áp dụng cho Điều 61, Điều 62 là đất an ninh quốc phòng phát triển kinh tế-xã hội. Nó cũng phản ảnh quan điểm thu hồi đất phát triển kinh tế phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa 3 nhà “nhà đầu tư, nhà nước, nhà dân”. Như vậy, UBND tỉnh Ninh Thuận đã vi phạm Điều 73 Luật Đất đai 2013, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi.

Việc UBND tỉnh Ninh Thuận không tổ chức đấu giá quỹ đất dùng thanh toán cho nhà đầu tư là vi phạm nghiêm trọng  Điều 118 Luật Đất đai 2013, pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất. Điều này chắc chắn sẽ gây thất thoát ngân sách của nhà nước, tài sản của nhân dân, tham nhũng, đục khoét của công, trục lợi chính sách cũng bắt đầu từ nguyên nhân này. Chính quyền tỉnh Ninh Thuận phải kiên quyết tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất dùng thanh toán cho nhà đầu tư, nếu chính quyền tỉnh muốn vận dụng điểm  i  khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai 2013, có quy định các trường hợp không phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Toàn bộ những vi phạm nêu trên là rất nghiêm trọng theo quy định về quản lý đất đai. Năm 2019, Thanh tra Chính phủ có đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ Thanh tra quản lý đất đai, xây dựng dự án tại Ninh Thuận. Việc Ninh Thuận sử dụng văn bản pháp luật hết hiệu lực trong thời gian dài 26 tháng thu hồi đất trái pháp luật gây bức xúc trong nhân dân rồi cũng sẽ được làm rõ trước pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết "Ninh Thuận: Vấn đề pháp lý việc áp dụng văn bản hết hiệu lực thu hồi đất trái luật" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh