shunshine group

Tòa án Australia yêu cầu báo chí chịu trách nhiệm về bình luận độc giả

10/09/2021 20:02

Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Australia, cơ quan báo chí sẽ phải chịu trách nhiệm về bình luận phỉ báng của độc giả trên trang mạng xã hội của cơ quan ấy.

Vào ngày 8/9 vừa qua, Tòa án Tối cao Australia đã ra phán quyết mang tính bước ngoặt nói rằng các cơ quan truyền thông được coi là “bên xuất bản” của các bình luận bị coi là phỉ báng được đăng trên trang Facebook chính thức của các cơ quan ấy.

Tòa án Tối cao đã bác bỏ luận điểm của một số tổ chức truyền thông lớn Australia - Fairfax Media Publications, Nationwide News và Australian News Channel - rẳng để một bên trở thành “bên xuất bản”, họ phải biết được nội dung phỉ báng và chủ ý truyền đạt nội dung đó.

Theo quyết định đa số 5-2 của Tòa án, bằng cách tạo điều kiện và khuyến khích bình luận, các công ty đã tham gia vào quá trình giao tiếp của những người đăng bình luận.

Quyết định này đã mở đường cho việc Dylan Voller, một người từng bị đưa vào trung tâm giáo dưỡng, kiện các tổ chức truyền thông phỉ báng mình. Voller muốn kiện các đài truyền hình và tòa báo, bao gồm The Sydney Morning Herald, The Australian, Centralian Advocate, Sky News Australia và The Bolt Report, do các bình luận có trên trang Facebook của các tổ chức này.

Vụ kiện phỉ báng của Voller, bắt đầu năm 2017 tại Tòa án Tối cao bang New South Wales, đã bị tạm ngưng trong lúc chờ câu trả lời cho câu hỏi riêng về việc liệu các công ty truyền thông có phải chịu trách nhiệm về bình luận của người dùng trên Facebook hay không.

Các công ty nêu trên đã đăng nội dung lên trang Facebook của mình về các phóng sự có nhắc đến thời gian Voller cải tạo trong một trung tâm giáo dưỡng ở Lãnh thổ Bắc Úc. Người dùng Facebook phản hồi bằng cách đăng các bình luận mà Voller cáo buộc mang tính phỉ báng.

Công nghệ - Tòa án Australia yêu cầu báo chí chịu trách nhiệm về bình luận độc giả

Dylan Voller, nhân vật chính trong phụ kiện dẫn đến phán quyết của Tòa án Tối cao Australia. Ảnh: James Brickwood

News Corp Australia, tập đoàn sở hữu hai chương trình phát thanh và hai trong số ba tờ báo là mục tiêu của vụ kiện phỉ báng này đã kêu gọi thay đổi luật. Trong một tuyên bố, Chủ tịch của News Corp Australia Michael Miller đã nói: “Phán quyết này mang ý nghĩa quan trọng đối với bất cứ ai duy trì một trang mạng xã hội công khai bằng cách cho rằng họ có thể phải chịu trách nhiệm về những lời bình luận đăng lên bởi người khác trên trang mạng xã hội đó, cho dù chủ trang không biết về những lời bình luận như vậy”.

Miller nói thêm: “Điều này làm nổi sự cần thiết phải cải cách luật pháp và tôi kêu gọi các Tổng chưởng lý của Australia xử lý điều dị thường này, nhằm đưa luật pháp Australia nhất quán với các nền dân chủ phương Tây khác”.

Nine, chủ sở hữu mới của tờ The Sydney Morning Herald, nói rằng tập đoàn này hy vọng đợt đánh giá lại pháp luật về phỉ báng của chính quyền các bang và vùng lãnh thổ Australia sẽ tính đến phán quyết này và hậu quả của nó đối với các tổ chức xuất bản.

Tuyên bố của Nine nói: “Chúng tôi rõ ràng thấy thất vọng với kết quả của phán quyết này, bởi nó sẽ tạo ra nhiều hệ quả đối với việc chúng tôi có thể đăng những gì lên mạng xã hội trong tương lai”. Tập đoàn này cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã lưu ý những hành động tích cực mà các mạng xã hội như Facebook đã làm kể từ khi vụ kiện của Voller bắt đầu, chẳng hạn như cho phép bên xuất bản tắt bình luận trên các phóng sự”.

Facebook không phản hồi ngay với yêu cầu bình luận.

Nhóm luật sư của Voller hoan nghênh phán quyết này do hệ quả sâu rộng hơn đối với các bên xuất bản. 

Một tuyên bố của nhóm luật sư nói: “Đây là một bước tiến lịch sử trong việc giành lại công lý cho Dylan và cho cả việc bảo vệ các cá nhân, đặc biệt là những người ở vị trí dễ bị tổn thương từ hành động công kích tập thể không được kiểm soát trên mạng xã hội”.

Tuyên bố này nói thêm: “Phán quyết này đã đặt trách nhiệm đúng chỗ nên đặt: các công ty truyền thông với nguồn lực khổng lồ. Các công ty này cần giám sát bình luận công khai trong trường hợp họ biết có khả năng cao một cá nhân sẽ bị phỉ báng”.

Quyết định này của Tòa án Tối cao đã xác nhận phán quyết của hai tòa án thấp hơn về câu hỏi trách nhiệm. Trước đó, các tòa án này đã ra phán quyết rằng cá nhân hoặc tổ chức có thể phải chịu trách nhiệm về việc tiếp tục công khai những tuyên bố mang tính phỉ báng trên nền tảng mà cá nhân/tổ chức này kiểm soát, ví dụ như bảng thông báo, nhưng chỉ khi họ biết đến các tuyên bố phỉ báng này.

Tùng Phong (Dịch từ AP News)

Bạn đang đọc bài viết "Tòa án Australia yêu cầu báo chí chịu trách nhiệm về bình luận độc giả" tại chuyên mục Công nghệ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh