shunshine group

Thăng trầm của dòng game 'made in Vietnam'

31/03/2023 12:13

Thăng trầm của dòng game 'made in Vietnam'

Game Việt có Flappy Bird, Axie Infinity, Free Fire... gây bão toàn cầu với hơn một tỷ lượt tải; nhưng cũng từng đi qua thập kỷ thoái trào, đóng cửa hàng loạt vì định kiến xã hội.

Năm 2012, ông Nguyễn Tuấn Huy - nhà sáng lập Hiker Games nhận một lá thư, tem đóng dấu Nhật Bản. Trong thư có 300.000 đồng cùng dòng chữ viết tay: "Ở Nhật không có cách nào mua đĩa bản quyền, đành phải xài bản lậu, đây là khoản phí mà tôi mua game. Cảm ơn anh đã tạo ra 7554 cho những người sinh ra ở Điện Biên như tôi".

Sau đó hai năm, trước cửa trụ sở studio này có một ông cụ mặc bộ áo lính sờn màu, tay dắt cháu trai khoảng 12 tuổi để mua đĩa 7554. Cụ bảo, trò chơi nói về chiến thắng Điện Biên Phủ nên muốn cho cháu thử, hiểu thêm về lịch sử nước nhà. Trước khi về, ông hỏi: có làm tiếp trò chơi lịch sử nữa không?

Câu hỏi này đeo đuổi ông Nguyễn Tuấn Huy nhiều năm nay. Nhưng không chỉ với ông, làm game Việt là giấc mơ của mọi đội ngũ trong ngành. Mà đến nay, khát khao này vẫn được đội kỹ sư gọi là xa xỉ, cuộc chiến dài lâu đòi hỏi nhiệt huyết lẫn gan lỳ.

Hình ảnh trong game 7554. Ảnh: Hiker Games

Game Việt: Từ khái niệm viển vông đến bùng nổ

Tương tự bức tranh của các ngành kinh tế khác, sự phát triển của game Việt cũng đi theo đồ thị hình sin - có điểm cực tiểu nhưng cũng có thời kỳ cực đại. Toàn ngành có thể tạm hình dung qua 5 mốc phát triển, dòng game "made in Vietnam" theo đó cũng khai sinh và liên tục biến động.

Thập niên 90s: Xuất hiện game trên máy điện tử 4 nút với các dòng cổ điển như Mario, Battle City... Giai đoạn này, Việt Nam chưa tồn tại ngành game. Nó vẫn là một công nghệ quá xa vời với doanh nghiệp trong nước.

1997-2003: Game PC bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam với sự phát triển của Internet. Cộng đồng bị thu hút bởi dòng game chiến thuật hoặc hành động nổi tiếng như AOE, Star Craft, Warcraft, Counter Strike... Hình thức phổ biến là chơi game tại các phòng máy hay dùng mạng nội bộ của phòng máy.

2003-2005: Game online du nhập vào Việt Nam, đạt điểm son bùng nổ đầu tiên với các dòng huyền thoại như MU Online, Võ Lâm Truyền Kỳ. Mảng phát hành tăng tốc mạnh mẽ, được ví như "gà đẻ trứng vàng", tạo động lực để các nhà phát hành bắt tay vào sản xuất game. Đây cũng là giai đoạn khai sinh các studio game đầu tiên của Việt Nam, đến từ VTC, FPT, VNG hay Hiker.

2006-2014: Năm 2009, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) thành lập, đánh dấu cột mốc eSports có đầu mối quản lý cấp quốc gia. Đây cũng là khoảng thời gian nhiều nỗi buồn của cộng đồng yêu và làm game. Nhiều vấn đề phát sinh khiến trò chơi trực tuyến chịu định kiến, bị xã hội lên án, bị kiểm soát chặt chẽ. Cơ quan quản lý tạm dừng cấp phép game mới từ 2010 đến 2013. Giai đoạn này, hầu hết studio game thế hệ thứ nhất đều đóng cửa.

2014-nay: Vượt qua thời kỳ "đen tối", ngành game Việt chứng kiến sự bùng nổ của mobile game. Các nhà phát hành Việt Nam gặt hái nhiều thành công, tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Giai đoạn này cũng bắt đầu hình thành các studio tập trung làm mobile game cho thị trường quốc tế, một số tên tuổi lớn như Amanotes, One Soft...

Bùng nổ so với điểm xuất phát nhưng xét toàn thị trường, số lượng game Việt vẫn khá khiêm tốn. Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, game Việt hiện chiếm 12% bức tranh ngành.

Tính đến tháng 8/2022 có gần 300 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ (trong đó có 52 doanh nghiệp đã dừng hoạt động hoặc thu hồi giấy phép). Toàn thị trường có 843 game G1 và 12.127 game G2, G3, G4 được cấp phép, đang phát hành tại Việt Nam.

Các game được thẩm định và cấp phép phát hành tại Việt Nam phần lớn là game được nhập khẩu từ nước ngoài với đề tài, nội dung phong phú, đặc biệt là các dòng game kiếm hiệp, thể thao nên thu hút lượng lớn người chơi.

Xét về thể loại, game chia thành nhiều dòng: hành động (Action), hành động phiêu lưu (Action-Adventure), phiêu lưu (Adventure), nhập vai (RPG), mô phỏng (Simulation), chiến thuật (Strategy), thể thao, giải đố (Puzzle) hay một số dạng khác như game ngắn, đơn giản (Casual), thẻ bài (Card game, Board game), giáo dục (Game based learning), vận động (Exergame)... Thể loại game dần mở rộng theo từng thời kỳ, đáp ứng nhu cầu giải trí cho đa dạng người chơi.

Gian nan tìm đường

VTC và VNG, Hiker là những đơn vị đã thành lập studio sớm nhất, quyết tâm xây dựng game thuần Việt. Năm 2009, Thuận Thiên Kiếm ra đời giúp Việt Nam lần đầu tiên ghi danh vào bản đồ sản xuất game châu Á. Ngay sau đó là những cái tên Bkool, Squad.

Các sản phẩm ban đầu tạo nhiều sự chú ý và kỳ vọng. Tuy vậy, vì lựa chọn dòng game hardcore nên với năng lực kỹ sư non trẻ, sản phẩm chưa đạt thành công như kế hoạch. Nhưng cũng nhờ đó, đội ngũ kỹ sư, lập trình trưởng thành hơn, hiểu được quy trình sản xuất bài bản, đóng góp vào làn sóng studio Việt sau này.

Các studio Việt hiện nay đã phát triển vượt bậc với chất lượng sản xuất, gia công tiệm cận thế giới. Ảnh: Quỳnh Trần

Một trong những lát cắt nổi bật của hành trình phát triển game đến từ Hiker với sản phẩm 7554. Tên trò chơi viết tắt của ngày chiến thắng Điện Biên Phủ: 7/5/1954, là trò chơi điện tử đồ họa 3D đầu tiên tại Việt Nam.

Thời điểm ra mắt trailer, làng game Việt xôn xao, thậm chí có nhiều người không tin studio trong nước có thể phát triển đồ họa đến vậy. Ngày tung trailer là 1/4, nên nhiều người khẳng định: đây chỉ là cú lừa. Đến khi đĩa cứng mở bán, sản phẩm lập tức trở thành đề tài bàn tán của thị trường.

Vất vả nhưng tự hào, là mô tả của ông Huy khi nói về những ngày đầu làm game. "Tôi bắt đầu mọi thứ với số không và ngành sản xuất game lúc đó cũng là trang giấy trắng. Từ thiết kế đến lập trình, đụng đến đâu là phải mở sách, dò mạng đến đó. Ăn ngủ tại studio, anh em đều coi như hiển nhiên", ông Huy nói.

Từ ý tưởng về "game cho người Việt", đội dự án gồm vỏn vẹn 5 người xắn tay áo tìm hiểu công nghệ làm game trên thế giới, đồ họa 3D thế nào, thiết kế từng nhân vật làm sao, những bước lập trình thể loại bắn súng. Có hai khía cạnh mà đội tập trung: một là kỹ thuật dựng mô hình người, khẩu súng, chuyển động; thứ hai nằm ở việc tạo trải nghiệm thú vị, để người chơi như đang "sống" trong bối cảnh lịch sử đó.

Với yếu tố trải nghiệm, ông Nguyễn Tuấn Huy tìm đến các tư liệu lịch sử, làm sao khi nhìn vào nhân vật là hình dung họ đang ở những năm 1954. Ví như quần áo bộ đội, dép cao su, dày vải, nón cối, các khẩu súng đặc thù cho thời kỳ đó... Đội còn đến tận Điện Biên, Cao Bằng để thực địa, tái hiện môi trường gần nhất so với thực tế. Kỹ thuật âm thanh, âm nhạc cũng được đầu tư. Nhân vật dùng tiếng Việt, tiếng Pháp để giao tiếp, đúng với bối cảnh thực tế. Tỉ mỉ trong từng quá trình nên mất đến ba năm Hiker mới hoàn thiện sản phẩm.

"Không thể tin lại có ngày một công ty Việt Nam sẵn sàng làm dự án như thế", ông Huy xúc động nói khi phát hành đĩa game. Nhiều kỳ vọng và tâm huyết nhưng nguồn thu quá nhỏ nhoi so với mức kinh phí 17 tỷ đồng đầu tư, khiến game 3D đầu tiên của người Việt buộc phải ngừng bán.

Ngọc phải mài mới có thể sáng. Những ngày tháng đầu tiên xông pha tuy không mang đến nguồn thu lớn nhưng lại giúp Hiker Games xây dựng nền tảng trong việc sản xuất game. Đến nay, quy trình này gần như công thức mẫu, áp dụng với hầu hết thể loại.

Đầu tiên cần có ý tưởng về game play - cách chơi. Từ ý tưởng sẽ dựng thành bản mẫu, chơi thử. Nếu thấy tốt thì chuyển sang bước hai: lập trình bản gọn nhất để chơi. Công đoạn này cần hoàn chỉnh về đồ họa, bối cảnh, câu chuyện. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, thao tác đồ họa được hỗ trợ bởi AI nhằm tăng hiệu quả, rút ngắn thời gian.

Lấy ví dụ khi làm game chiến thuật, đặt trong bối cảnh thần thoại Bắc Âu, họa sĩ sẽ phải sáng tạo danh sách nhân vật có những đặc điểm riêng. Lúc này, AI gợi ý danh sách tên gọi, đặc điểm các vị thần Bắc Âu để xây dựng bối cảnh chỉ trong vài phút. Hoặc cũng với trí tuệ nhân tạo, nhóm phát triển có thể dễ dàng mô tả từng nhân vật trong game để chuyển sang đội thiết kế.

Sau concept sẽ đến bước làm mô hình 3D, diễn hoạt chuyển động nhân vật, đưa vào game để lập trình hoạt động. Đây cũng là lúc hoàn thành đặc điểm, tính cách, câu chuyện của game.

Kế đến, các kỹ sư ghép nối thành bản chơi thử và đưa ra với người dùng để đo mức độ cuốn hút, giữ chân người chơi. Nếu chỉ số tốt mới sản xuất thành một sản phẩm game đầy đủ về cốt truyện, hệ thống kiếm tiền. Chỉ số giữ chân người dùng tốt với casual game là 40% trong ngày đầu tiên. Game kiếm hiệp với tập người dùng hẹp hơn thì trên 30% là đã đạt chuẩn.

Tuy nhiều công đoạn phức tạp nhưng với một số studio, giai đoạn sản xuất vẫn được gọi là êm đềm khi mọi vấn đề có thể xử lý nội bộ. Khó khăn nhất là khâu phát hành, theo Nguyễn Anh Dũng - CEO công ty Tiger Game.

Theo Dũng, nếu như đưa cho các publisher phát hành, thực hiện marketing thì có rủi ro là họ sẽ không đổ nhiều ngân sách, giới thiệu không đúng tập khách hàng, khiến cho các chỉ số của sản phẩm không được như kế hoạch ban đầu. Nếu tự phát hành thì lại đau đầu về chuyện lo dòng tiền quảng cáo cho tối ưu, làm sao để mau đạt điểm hòa vốn và bắt đầu có lợi nhuận.

Tiger Game tuy có tuổi đời non trẻ nhưng đã có một số thành tích nhất định. Ảnh: Tiger Game

Có những lúc Tiger Game gặp bế tắc vì đưa sản phẩm lên cổng ứng dụng bị từ chối, tài khoản bị giới hạn, đánh dấu vi phạm. "Có khi ký kết với đối tác lớn bị chèn ép về điều khoản hợp đồng. Đưa game cho họ ba tháng trời mà không chạy marketing cho sản phẩm mình. Kêu gọi đầu tư để tăng nguồn vốn thì là việc rất khó và đau đầu vì khẩu vị của mỗi nhà đầu tư lại khác nhau", Dũng nói.

Chính vì vậy, hành trình học hỏi, tìm đường đến nay vẫn chưa từng có điểm dừng. Ngành game Việt dẫu đôi lần hái quả ngọt vẫn còn khá non trẻ, đòi hỏi nhiều nỗ lực từ người trong cuộc lẫn cộng đồng.

Dấu son và khoảng trầm

Trong một sự kiện ngày 18/3, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phát biểu: game là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng.

Ông Lê Quang Tự Do tại sự kiện ngày 18/3.

Cứ mỗi 25 game đăng tải thì có một game đến từ studio Việt. 50% dòng game mobile chơi nhiều nhất trên thế giới có nguồn gốc từ Việt Nam. Doanh thu ngành game hiện đứng thứ 5 Đông Nam Á và năm nay dự báo đạt hơn 500 triệu USD.

"Đại diện Apple từng tiết lộ cho tôi con số: có hơn 180.000 người Việt Nam làm công việc lập trình, viết ứng dụng cho Google Store và Apple Store. Chúng ta cũng là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về các developer", ông nói.

Trả lời VnExpress trước thềm sự kiện Ngày hội game Việt Nam 2023, ông Thái Thanh Liêm, nhà sáng lập Topebox đánh giá sản phẩm game do người Việt sản xuất có chất lượng tiệm cận so với quốc tế. Ông liệt kê một số cái tên như: Dead Target (VNG), Magic Tiles (Amanotes) và Gun & Dungeons (Topebox). Theo ông Liêm, các game này đã được công nhận qua các thành tích trên bảng xếp hạng thế giới, trở thành tiêu chuẩn khi phát hành game di động.

"Điều này chứng minh rằng năng lực của người Việt không hề thua kém các sản phẩm quốc tế", ông Liêm tự tin.

Một số dòng game mang đến niềm tự hào cho ngành sản xuất nội địa như Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông ra mắt năm 2013. Tuy lối chơi và đồ họa đơn giản nhưng game đã tạo cơn sốt toàn cầu khi đạt hơn 50 triệu lượt tải, 47.000 lượt nhận xét, đứng đầu bảng xếp hạng trên Appstore và CH Play. Tuy phải gỡ bỏ vào năm 2014, sản phẩm giúp thế giới chú ý hơn đến game Việt.

Đến năm 2021, game Axie Infinity của Nguyễn Thành Trung - CEO Sky Mavis dựa trên nền tảng công nghệ blockchain tiếp tục gây bão trên toàn thế giới, giúp công ty được định giá 3 tỷ USD.

Một trong những dòng game Việt thành công nhất là Free Fire. Ít người biết, game được sản xuất bởi studio Việt là 111dot, sau đó Garena đã mua lại quyền phát hành và thành công rực rỡ với hơn 1,3 tỷ lượt tải trên toàn cầu. Free Fire đã trở thành môn thể thao điện tử hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực. Sản phẩm cũng được đưa vào bình chọn tại Game Verse 2023 tại các hạng mục "Game của năm", "Game thể thao điện tử xuất sắc".

Hay với 7554, tuy sớm ngừng bán nhưng đề tài lịch sử Việt Nam vẫn tạo dấu ấn sâu sắc với người chơi. Giám đốc Hiker nói, đến nay vẫn có những người nhắc về đoạn kết là khi các chiến sĩ hy sinh, họ xúc động đến rơi nước mắt.

Là một trong những đơn vị hiếm hoi có tỷ lệ 50:50 giữa game sản xuất với phát hành, Hiker Games có nhiều dòng game nổi bật như 2112 - được đưa vào giải đấu eSport Đại chiến ngân hà năm 2013; Đại Minh Chủ (2013); Mộng Võ Lâm (2014); Tân Minh Chủ (2022). Trong đó, Mộng Võ Lâm là sản phẩm có vòng đời kỷ lục đến 7 năm, thành công nhờ đồ họa 3D với bộ kỹ năng đẹp mắt, khả năng xếp trận và yếu tố chiến thuật cao.

Tiger Game cũng vừa có dự án Fish Journey: Draw to Escape đạt giải Nhất cuộc thi "Tìm kiếm dự án game tiềm năng" do Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức, trao giải ngày 18/3. Đơn vị còn có game Tháo ơi đừng chạy với vòng đời dài nhất trong các game đã ra mắt (7 năm), lập kỷ lục doanh thu lẫn lợi nhuận.

"Kỷ niệm vui là tôi đánh cược với CEO nếu có thể tăng 20% doanh thu tháng đầu phát hành so với kế hoạch thì sẽ nhận 100 triệu đồng. Đến nay, tôi vẫn còn bức hình nhận thưởng đó. Tất nhiên, phong bì được chia đều cho cả đội", Dũng cười, nói.

Một game khác là Pool Ball Sort - Colors Puzzle. Nhờ các chỉ số tốt, Tiger Game được tham gia chương trình hỗ trợ startup của Google tại châu Á.

Thành tựu có, nhưng phía sau nó cũng không ít những nốt trầm. Như với Hiker Games, việc game 7554 sớm dừng chân là nỗi tiếc nuối suốt thập kỷ qua. Có nhiều lý do khiến sản phẩm thất bại. Ông Huy xòe tay đếm: "Studio mới tinh , thể loại bán đĩa quá rủi ro, vấn đề bản quyền chưa được tôn trọng...".

Thời điểm đó bản quyền phần mềm là khái niệm xa lạ. Bỏ tiền mua bản quyền là có vấn đề, bản crack (bẻ khóa) để xài miễn phí là đương nhiên. Vì vậy hình thức bán đĩa game không phù hợp bối cảnh, không được thị trường chấp nhận.

Câu chuyện của 7554 là một trong rất nhiều trường hợp sản phẩm mất nhiều thời gian để thành hình nhưng tuổi thọ ngắn ngủi. Nhưng không chỉ chịu sức ép về doanh thu, nhà sản xuất game còn mang áp lực lớn hơn: định kiến xã hội.

"10 năm trước, ai cũng ác cảm với game", ông Nguyễn Tuấn Huy trầm ngâm. Ông không quên được những bài báo nói rằng mình lợi dụng lịch sử để kinh doanh, game tạo ra bạo lực. "Nếu muốn lợi dụng lịch sử, tôi đã chọn con đường khác. Cũng có những lúc buồn, nhưng sau tự an ủi mình: thôi đành kệ, nếu làm tốt tự khắc họ hiểu thôi", ông Huy giải thích.

Theo Sách trắng ngành game 2022 do Kocca phát hành, trong năm 2010 có khoảng 20 trò chơi trực tuyến đã bị ảnh hưởng và rút lui khỏi thị trường. Đây cũng là số lượng game đóng cửa lớn nhất trong lịch sử nền công nghiệp này.

Năm 2011, khi làn sóng ứng dụng di động và Internet phát triển mạnh mẽ, giới làm game tìm lại sự háo hức và phấn khích. Dù là thương mại hay đam mê, các nhà sản xuất đầu tư bài bản hơn, không tiếc ngân sách để chiêu mộ nhân tài. Tất cả đều khát khao đặt một dấu ấn lên nền công nghiệp game nội địa, bất chấp khó khăn nhân lực mỏng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm vụn vặt, các sản phẩm nhập ngoại ồ ạt.

Tương lai để mở

"Khó khăn nhưng vẫn lỳ lợm theo đuổi, nhiệt huyết như những ngày đầu, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng", là điều những kỹ sư, họa sĩ tự mô tả về nhau.

Ở Tiger Game, nửa đêm, Ngô Xuân Hưởng (lập trình viên) nhắn tin đến trưởng dự án, báo đã viết xong các tính năng yêu cầu rồi. Không quên nhắn nhủ: anh nghĩ ra thêm các tính năng mới để em làm thêm nhé.

Để kịp tiến độ ra mắt sản phẩm, CEO Nguyễn Anh Dũng nhiều ngày liền ăn ngủ ở văn phòng. Có đêm thức trắng để hiệu đính 240.000 dòng excel, mỗi dòng là một câu thoại trong game.

Tinh thần không từ bỏ giúp Dũng đạt nhiều cột mốc trong sự nghiệp. Từ nhân viên thị trường game đến trưởng phòng, trưởng dự án. Dần dần, gia đình anh mới ủng hộ và công nhận rằng ngành game vẫn có thể phát triển sự nghiệp. "Mức lương cao nhất từng nhận khi làm game là 100 triệu đồng trong một tháng", Dũng tiết lộ.

Còn với ông Phạm Văn Thành - Giám đốc VTC Game, ngành game gắn bó theo một cách đặc biệt. Sớm tiếp cận với game, ông cảm thấy sự giải trí, vui vẻ, khám phá một thế giới "ảo" mà ngoài đời thực mình không thể làm được. Rèn luyện năng khiếu từ nhỏ, đến năm 2005, ông Thành tham gia giải đấu "World Cyber Game" và nhận phần thưởng 100 USD. Con số này khá lớn khiến Thành từ ngỡ ngàng đến hiểu ra rằng: game không đơn thuần là giải trí, mà ở đó có thể tìm kiếm một công việc, mang về mức thu nhập ổn định để nuôi chính mình và gia đình.

Đến nay, ông đã trở thành giám đốc của VTC Game - một trong số doanh nghiệp kỳ cựu trong làng game Việt. Đi cùng là nhiều vai trò tổ chức giải đấu, đào tạo trọng tài quốc gia, huấn luyện viên đội tuyển quốc tế, kết nối cộng đồng...

Ông Đào Việt Anh - Quản lý và Phát triển cộng đồng Startup & Developer tại Việt Nam của Microsoft đánh giá ngành game Việt hiện bùng nổ, có nhiều tiềm năng.

Ông dẫn chứng bằng nhiều số liệu, như tỷ lệ sử dụng Internet tính đến tháng 2/2022 là 73,2%, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí sử dụng Internet tại Việt Nam khá phải chăng với giá băng thông rộng cố định thấp nhất (tính bằng PPP) trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân về người tiêu dùng kỹ thuật số. Nước ta cũng có nền tảng công nghệ thông rất phát triển và hiện nay có thể coi là thời điểm bùng nổ của nền kinh tế số Việt Nam với khoảng 30.000 doanh nghiệp, 955.000 kỹ sư và 80.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm.

Game dần trở thành ngành công nghiệp quan trọng trong bức tranh kinh tế. Ảnh: Khương Nha

Về phía cơ quan quản lý, hiện có nhiều chính sách thúc đẩy số hóa như: cam kết cung cấp vùng phủ sóng kết nối toàn dân trên toàn quốc; đặt mục tiêu nâng cao chất lượng lực lượng lao động; hướng trọng tâm vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; thực hiện nhiều chương trình thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Nguồn cung developers dồi dào và tinh nhuệ, mang lại những sản phẩm tốt cho thị trường. Song hành cùng với đó là một cộng đồng yêu game, muốn trải nghiệm những sản phẩm mới lạ trên thị trường. Tất cả góp phần mang đến giá trị cho nền kinh tế số.

Trong bối cảnh này, ngành game Việt có thể phát triển đến đâu? Đại diện Microsoft nói rất khó đoán. Còn theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, 10 năm qua kết quả chưa như kỳ vọng. Lý do, chúng ta thường chọn cách đi nhanh nên thành công khá lẻ tẻ.

"Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp hãy đi cùng nhau để đi xa, đi cùng sinh viên, startup, dìu nhau đến một cái đích, đó là sự phồn vinh đất nước. Từ năm ngoái, đã có Liên minh Game Việt Nam. Sắp tới ngày 1/4 sẽ có Ngày hội game Việt Nam 2023", ông nhấn mạnh.

Nói về Ngày hội game Việt Nam 2023, ông Lê Thanh Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gosu Corp đề cao tính hữu ích, sự thúc đẩy, lan tỏa và truyền cảm hứng của giải thưởng này. "Đây là giải thưởng chuyên nghiệp quy mô toàn quốc đầu tiên dành riêng cho lĩnh vực trò chơi điện tử trong vòng 20 năm trở lại đây", ông Minh nói.

Theo ông Phạm Văn Thành, Vietnam Game Awards 2023 sẽ khích lệ nhà sản xuất sáng tạo trò chơi, truyền cảm hứng cho cộng đồng, dần thay đổi định kiến của xã hội về trò chơi điện tử. Giải thưởng cũng giúp cộng đồng, quỹ đầu tư nước ngoài nhận biết đâu là nhà phát hành, studio, đơn vị phân phối thiết bị có uy tín, đem đến những sản phẩm chất lượng, trải nghiệm khách hàng xuất sắc.

Minh Tú

Ngày hội Game Việt Nam - Vietnam GameVerse 2023, do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo VnExpress và Liên minh Game Việt Nam phối hợp tổ chức. Từ tháng 2 đến tháng 4, ngày hội tổ chức nhiều hoạt động như: Game Talks, đấu trường Game Arena, không gian trưng bày Game Workshop và Diễn đàn về xu hướng ngành game Việt. Sự kiện Vietnam GameVerse 2023 sẽ được tổ chức ngày 1-2/4 tại TP HCM.
Đăng ký tham gia tại đây

Bạn đang đọc bài viết "Thăng trầm của dòng game 'made in Vietnam'" tại chuyên mục Công nghệ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh