Bình Thuận: Giao hơn 12ha đất rừng cho doanh nghiệp không qua đấu giá?

Hơn 12ha đất rừng nằm ngay sát mặt biển, có vị trí tuyệt đẹp ở Bình Thuận được chính quyền tỉnh này chỉ định giao cho doanh nghiệp làm dự án khu du lịch mà không thông qua đấu thầu.

Dự án bãi tắm sinh thái cộng đồng hay dự án “giết rừng?”

Dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương được UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và hoá chất Việt Nam theo Quyết định chủ trương đầu tư số 3579/QĐ-UBND ngày 05/12/2016, điều chỉnh tại Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 09/5/2018, Quyết định số 966/QĐ-UBND ngày 17/4/2019, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại Quyết định số 3777/QĐ-UBND ngày 29/12/2017, điều chỉnh tại Quyết định số 2069/QĐ-UBND ngày 13/8/2018.

https://media.doanhnhanvn.vn/mediav2/files/BQH01.jpg

Hiện trạng cổng chào dự án Biển Quê Hương sau 4 năm chỉ là hàng chữ gỉ sét với hàng rào tôn bao quanh.

Dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương có diện tích 125.400m2, trong đó đất xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) có 105.000m2 và xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết) là gần 21.000m2. Trong 12,54ha đất dự án có 7,17 ha là đất rừng do địa phương quản lý.

Vị trí dự án nằm cách TP Phan Thiết (Bình Thuận) khoảng 20km theo Tỉnh lộ 719 hướng đi Mũi Kê Gà. Thực địa dự án là một vùng rộng lớn nằm sát biển được rào bằng những tấm tôn kéo dài bao quanh rừng phi lao, phía Nam nằm cạnh suối Nhum.

Theo người dân bản địa, trước kia, nơi đây là rừng phòng hộ, sau này chính quyền giao lại cho doanh nghiệp để làm dự án khu du lịch. Việc giao đất khá “khuất tất”. Chính quyền giao đất cho một công ty nào đó mà không thông qua đấu thầu?

Khoan nói đến vấn đề đúng sai ở việc giao đất, trong quyết định chủ trương đầu tư dự án này có ghi rõ: "Đây là dự án đầu tư khu du lịch cộng đồng… trong đó nội dung và quy mô của dự án cũng nêu rất rõ hình thành, quản lý, giữ gìn bãi tắm biển công cộng dành cho người dân địa phương và du khách (miễn phí), bảo tồn và phát triển rừng dương hiện hữu”. Tuy nhiên thực tế hiện nay rừng dương tại đây đã không còn toàn vẹn vì chết khô, bị đốt, và bị chặt phá.

Theo ghi nhân, suốt từ năm 2016 đến nay khu vực này bị quay tôn kín mít, luôn có bảo vệ canh giữ, chúng tôi chỉ dừng xe để chụp hình đã ngay lập tức bị bảo vệ xua đuổi – vậy thì công cộng chỗ nào?

https://media.doanhnhanvn.vn/mediav2/files/BQH02.jpg

Rừng dương phía bên trong dự án đang chết dần, chết mòn.

https://media.doanhnhanvn.vn/mediav2/files/BQH03.jpg

Nhiều cây dương bị đốt hoặc bị đốn hạ.

Những khuất tất của việc giao đất không qua đấu giá!

Trở lại với người gốc đất của dự án này, để lấy đất làm dự án, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 999/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác. Thực chất là cho phép chặt 7,17ha rừng phi lao để thực hiện dự án.

Theo tờ trình liên sở số 233/LS-SNN-STT ngày 13/12/2019, để lấy 7,17ha rừng giao cho doanh nghiệp làm dự án. Liên sở đã có đề nghị UBND tỉnh phê duyệt đấu giá 855,169m3 gỗ phi lao. Số gỗ phi lao này được Nhà nước trồng từ năm 1995.

Vì không có chức năng trồng rừng nên ngày 09/7/2018, Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và hoá chất Việt Nam đã nộp hơn 372 triệu đồng tiền mặt vào quỹ bảo vệ rừng và phát triển rừng.

Từ ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vào tháng 9/2020, ông Nguyễn Văn Phong – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã trả lời với một số báo chí rằng: "Năm 2016, UBND tỉnh đã chấp thuận đầu dự án cho Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và hoá chất Việt Nam. Sau này, đơn vị này lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Biển Quê Hương – Phan Thiết để triển khai dự án. Dự kiến, quý 4 năm 2020 dự án sẽ được triển khai".

https://media.doanhnhanvn.vn/mediav2/files/BQH04.jpg

Quyết định chủ trương đầu tư của dự án đã thể hiện dự án dược chỉ định mà không qua đấu giá đất.

Theo ông Phong, toàn bộ đất dự án là do Nhà nước quản lý, giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án du lịch. Lý do không tổ chức đấu thầu để chọn doanh nghiệp, vì đây là khu vực kinh tế xã hội chậm phát triển.

"Theo Luật đấu thầu thì những khu vực kinh tế xã hội chậm phát triển thì không bắt buộc phải đấu thầu. Tuy nhiên, dự án này cũng có 3 doanh nghiệp nộp hồ sơ xin đầu tư, nhưng tỉnh chỉ chọn 1 doanh nghiệp có tiềm lực hơn 2 doanh nghiệp còn lại", ông Phong cho biết.

Khi được hỏi, khu vực này là rừng phòng hộ, nằm xa khu dân cư, sao được xác định là khu kinh tế xã hội chậm pháp triển? Đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết: "Ở đây thuộc huyện Hàm Thuận Nam, mà toàn huyện Hàm Thuận Nam là khu kinh tế xã hội chậm phát triển".

Tuy nhiên, diện tích đất công mà tỉnh giao cho doanh nghiệp để thực hiện dự án không chỉ thuộc xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam mà còn có cả diện tích đất thuộc xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết. Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện Sở KH&ĐT không trả lời mà cho biết: "Thời điểm đó tôi chưa làm giám đốc Sở này".

Theo tìm hiểu của phóng viên, tham mưu cho UBND tỉnh ký văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án này là ông Lê Tuấn Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (vào thời điểm đó đang là Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư).

Như nêu trên, một dự án hình thành từ đất rừng phòng hộ, đất công, khi việc giao đất có nhiều ‘khuất tất’ không qua đấu thầu, có dấu hiệu phá rừng phòng hộ để làm dự án… điều này rất cần cơ quan chức năng vào cuộc.

Link gốc: https://doanhnhanvn.vn/binh-thuan-giao-hon-12ha-dat-rung-cho-doanh-nghiep-khong-qu-22958.html

Link nội dung: https://nhipsongdothi.vn/binh-thuan-giao-hon-12ha-dat-rung-cho-doanh-nghiep-khong-qua-dau-gia-55609.html