Khoản tài trợ này sẽ giúp VPBank mở rộng cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt tăng cường tài trợ các dự án thân thiện với khí hậu.
Cường độ phát thải các-bon của Việt Nam thuộc mức cao nhất trên thế giới, đứng ngay sau Trung Quốc và Mông Cổ ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Giảm phát thải khí nhà kính là một mục tiêu quốc gia nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời cũng mang lại cơ hội đầu tư khí hậu trị giá 753 tỷ USD cho Việt Nam trong giai đoạn 2016-2030, theo một nghiên cứu của IFC.
Tuy nhiên, tài trợ khí hậu hiện tại ở Việt Nam – tính theo tỷ lệ phần trăm tổng danh mục cho vay của các ngân hàng –chỉ ở mức khoảng 5%, tương đương với 10,3 tỷ USD, cho thấy thiếu hụt đáng kể về tài trợ khí hậu. Để tăng nguồn tài trợ khí hậu, khoảng một phần ba gói tài trợ sẽ được dành cho các dự án xanh với lãi suất ưu đãi.
Khoản tài trợ kỳ hạn năm năm bao gồm 50 triệu USD từ IFC; 37,5 triệu USD từ Chương trình Danh mục Đồng Cấp vốn (MCPP) do IFC quản lý; và 125 triệu USD vay hợp vốn từ Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc; Ngân hàng Công thương Trung Quốc; Ngân hàng KEB Hana Hàn Quốc, Ngân hàng Kiatnakin Thái Lan, Quỹ Đầu tư thuộc Ngân hàng Tái thiết Đức (Deutsche Investitions- und Entwicklungesellschaft mbH) và Ngân hàng Đầu tư Quốc tế IIB.
Bà Rosy Khanna, Giám đốc Khối các định chế tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC cho biết, sự tham gia của các ngân hàng khu vực và các định chế tài chính quốc tế vào khoản vay hợp vốn này cho thấy sự quan tâm rõ rệt của các nhà đầu tư tổ chức và tư nhân vào tài trợ khí hậu tại Việt Nam, mở ra kênh tài trợ vốn mới đồng thời giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đây là khoản tài trợ xanh đầu tiên của IFC cho một ngân hàng tại Việt Nam, nơi phần lớn tiềm năng đầu tư khí hậu trị giá hàng triệu đô la trong tương lai gần nằm ở khu vực hạ tầng và năng lượng tái tạo.
Khoản vay này sẽ đáp ứng các điều kiện của Bộ Nguyên tắc Tín dụng Xanh - một bộ hướng dẫn tự nguyện được chấp nhận rộng rãi, quy định cụ thể việc sử dụng, theo dõi và báo cáo về việc giải ngân khoản vay cho các dự án thân thiện với khí hậu.
VPBank cũng sẽ thiết lập một hệ thống để theo dõi, quản lý và báo cáo về việc sử dụng khoản vay cho các dự án xanh phù hợp thông qua chứng nhận của bên thứ ba.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào khẳng định, hỗ trợ của IFC sẽ giúp VPBank trở thành tổ chức tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng một bộ tiêu chuẩn quốc tế toàn diện về tín dụng xanh, gửi tín hiệu tích cực đến thị trường cũng như cho các nhà đầu tư quốc tế.
IFC là tổ chức đồng cấp với Ngân hàng Thế giới và là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi.
Tổ chức này đã hỗ trợ hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới, với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình, để tạo ra thị trường và cơ hội phát triển ở những nơi cần nhất. Trong năm tài chính 2019, tổng đầu tư dài hạn của IFC tại các nước đang phát triển đạt trên 19 tỷ USD.
Mới đây, IFC và Quỹ Đầu tư Cấp vốn IFC (IFC Capitalization Equity Fund) vừa thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, mã CTG).
Theo đó, nhóm cổ đông này đã hoàn tất bán ra hơn 55,7 triệu cổ phiếu CTG trong ngày 8/1, giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này tại VietinBank từ 6,486% xuống còn 4,99%, chính thức không còn là cổ đông lớn của ngân hàng từ ngày 10/1/2020. Hiện nhóm cổ đông IFC chỉ còn nắm gần 185,8 triệu cổ phiếu CTG.
Trước đó vào cuối năm 2019, nhóm cổ đông IFC cũng hoàn tất bán ra hơn 57,37 triệu cổ phiếu CTG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,027% xuống còn 6,486% theo phương thức giao dịch thỏa thuận, thu về 1.234 tỷ đồng.
VS
Link nội dung: https://nhipsongdothi.vn/ifc-ho-tro-vpbank-day-manh-tai-tro-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-31718.html