Vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan trên thị trường hiện nay đang ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý mua sắm, tiêu dùng của người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với những ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hoá mỹ phẩm, dược phẩm… những hàng hoá giả mạo, không rõ xuất xứ còn đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng khi sử dụng.
Người tiêu dùng như rơi vào mê hồn trận khi hàng giả, hàng thật lẫn lộn. Thật khó để phân biệt, nhận biết được hàng hoá, sản phẩm mình mua liệu có đúng từ nhà sản xuất, phân phối chính hãng.
Phía doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối chính hãng hiện đang phải đối mặt với những phương thức tinh vi hơn từ các đối tượng làm giả, làm nhái nhãn hiệu nhờ môi trường internet, online. Việc lan toả thông tin nhanh, không dễ kiểm soát thông qua mạng xã hội cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bảo vệ uy tín thương hiệu sản phẩm. Và khi xuất hiện hàng giả, hàng nhái, doanh nghiệp cũng phân vân, không biết nên lựa chọn phương thức nào để bảo vệ uy tín thương hiệu cũng như quyền lợi của người tiêu dùng?
Bên cạnh đó, sự phát triển của các loại hình kinh doanh thông qua internet bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống càng khiến cho công tác quản lý, kiểm soát và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thêm khó khăn.
Giải pháp nào để bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ của người tiêu dùng giữa thực trạng hiện nay? Doanh nghiệp nên chọn đối mặt hay tìm cách “xoá dấu vết” về thông tin sản phẩm của mình bị làm giả, nhái?
Liệu có giải pháp nào để vừa có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như cơ chế nào để phối hợp, hỗ trợ thông tin xuyên suốt giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức xã hội và truyền thông, báo chí để góp phần minh bạch thông tin tiêu dùng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường?
Đến tham dự Diễn đàn có sự tham gia của các đại biểu đến từ các cơ quan Quản lý Nhà nước như Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục quản lý thị trường, Cục công tác phía Nam – Bộ công thương, Cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố, Sở khoa học và công nghệ các tỉnh, thành phố, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục TCĐLCL các tỉnh, thành phố, … các tổ chức xã hội, bảo vệ người tiêu dùng, các doanh nghiệp, cơ quan báo đài và các tổ chức cá nhân quan tâm, liên quan.
Cũng tại Diễn đàn, sẽ có nhiều sản phẩm thật từ các thương hiệu uy tín được trưng bày bên cạnh các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo để hướng dẫn phân biệt hàng thật – hàng giả cho quan khách tham dự.
Diễn đàn sẽ được tổ chức theo phương thức mở, hướng đến gia tăng sự đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa đại diện các cơ quan Quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí về mọi vấn đề có liên quan đến nội dung của Diễn đàn.
Viết Sáng
Link nội dung: https://nhipsongdothi.vn/vina-chg-va-van-phong-cuc-so-huu-tri-tue-tphcm-to-chuc-dien-dan-chong-hang-gia-30572.html