Chậm chạp di dời nhà máy khỏi nội đô

Nghị quyết 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 nêu rõ: đến năm 2020, hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số trường đại học, cơ sở khám, chữa bệnh ra khỏi trung tâm thành phố.

Ngày càng cấp bách

Chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch chung ra khỏi nội đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thực thi trên thực tế vẫn chậm chạp và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, trên địa bàn 12 quận của thành phố có 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ cao phải di dời. Trong đó, nhiều nhà máy có quy mô đất đai lớn, nằm tại các khu đất vàng của Thủ đô.

Giới chuyên gia cho rằng đây là kết quả của sự phát triển chóng mặt của Hà Nội trong nhiều năm qua, làm thay đổi bộ mặt đô thị thành phố. Đồng thời, điều này cũng đặt ra yêu cầu về giảm mật độ dân số, phương tiện nội đô, hạn chế ùn tắc giao thông, đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường đang ngày càng cấp bách…

Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, vấn đề di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch trên địa bàn 12 quận, huyện đã được đặt ra.

Bà Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết thời gian vừa qua, Tp. Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính căn cơ, như di chuyển toàn bộ các làng nghề trong nội đô ra khỏi khu dân cư; đưa các trường học, bệnh viện ra ngoại thành…, nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng hơn 20 năm trước, nhiều khu, cụm công nghiệp được quy hoạch cách nội thành Hà Nội khoảng 25 – 35 km có thể được coi là phù hợp. Tuy nhiên, với sự phát triển chóng mặt của đô thị, những khu công nghiệp này nhanh chóng bộc lộ khuyết điểm và hạn chế, trong đó có nhiều khu công nghiệp nằm ở vùng lõi trung tâm bắt đầu gây ô nhiễm nặng nề.

“Nhìn vào danh mục các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô có thể thấy bốn bề Hà Nội đều phát triển công nghiệp và mùa nào người dân cũng phải gánh chịu hậu quả của không khí ô nhiễm”, ông Thắng nói.

Tính đến tháng 6/2019, có 67 cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại, với tổng diện tích hơn 100 ha. 27 cơ sở đã được thành phố chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Cham-chap-di-doi-nha-may-khoi-9709-7397-

Công ty thuốc lá Thăng Long nằm trong danh sách phải di dời

Đồng bộ nhiều giải pháp

Nhiều chuyên gia đã phân tích các nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc chậm trễ di dời. Ts. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng Nghị quyết 11 đề ra mục tiêu đưa các trường đại học ra khỏi nội đô để giảm bớt lượng ùn tắc giao thông, bởi lượng sinh viên đi về các trường đại học rất lớn, nhưng đề án này chưa thực hiện tốt trong thực tiễn.

Theo ông Doanh, có rất nhiều lý do liên quan đến đất đai, nhưng có lý do liên quan đến giao thông công cộng, nếu chuyển đi xa thì sinh viên sẽ đi lại như thế nào? Nếu không thì phải xây dựng các ký túc xá với đầy đủ điều kiện như internet, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ. Đó là những điều mà chúng ta chưa đáp ứng được. Vì vậy, Nghị quyết 11 đúng về nguyên tắc nhưng thực hiện chậm vì thiếu những điều kiện kỹ thuật cần thiết.

Đề xuất những giải pháp để sớm thực hiện việc di dời trụ sở các cơ quan ra khỏi nội đô, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội, cho rằng cần nhiều giải pháp.

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người đều hiểu việc di dời ra khỏi nội đô là tất yếu và phải thực hiện.

Thứ hai, khắc phục khó khăn cho các cơ sở phải di dời, ví dụ trường học, bệnh viện, trụ sở các bộ ngành thì cần có phương tiện giao thông thuận lợi để việc di chuyển đỡ khó khăn, vất vả.

Thứ ba, cần có nguồn ngân sách để hỗ trợ ban đầu khi việc di dời gặp khó khăn, có thể thu nhập, đời sống bị ảnh hưởng, tuy nhiên giải pháp này rất khó vì trong điều kiện khó khăn chung của đất nước thì cũng phải tính toán rất kỹ.

Do đó, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu, tính toán phương án di dời phù hợp, giảm những tác động tiêu cực tới đối tượng thuộc diện phải di dời. Đặc biệt, cần tăng cường đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, thông thoáng, kết nối giữa trung tâm Thủ đô với các vùng được quy hoạch bố trí di dời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển dễ dàng.

Có như vậy, danh mục, lộ trình di dời đã được xác định, từ nay đến năm 2020, Tp. Hà Nội tiếp tục phải di dời 23 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô mới trở thành hiện thực.

Minh Trang

Link nội dung: https://nhipsongdothi.vn/cham-chap-di-doi-nha-may-khoi-noi-do-30393.html