Người Mỹ khổ sở vì nạn trộm xe

Chiếc Kia Optima của một phụ nữ ở Chicago bị trộm lấy đi hai lần trong cùng một ngày, và khiến cô bị cảnh sát còng tay vì hiểu nhầm.

Lần thứ nhất chiếc Kia của Jonnifer Neal bị trộm khi đang đỗ trước cửa nhà ở Chicago, và lần thứ hai - ngay trong ngày - là khi xe đỗ bên ngoài một xưởng sửa chữa.

Nhưng thử thách với Neal chưa chịu dừng lại. Một tháng sau, cô bị cảnh sát dừng xe đến hai lần khi đang trên đường từ chỗ làm về nhà vì chiếc Optima vẫn ở trong danh sách xe bị trộm. Sai lầm này lặp lại khi cảnh sát dựng Neal dậy vào lúc 3h sáng một ngày sau đó không lâu.

Một lần khác, một đội cảnh sát dừng Neal lại khi cô đang lái xe đến Mississippi, còng tay nữ tài xế và đẩy cô vào ghế sau một xe tuần tra suốt hơn một giờ. Còn lúc này, chiếc Kia đang nằm im trong garage nhà Neal.

"Đã vài tháng trôi qua, nhưng thành thật mà nói, tôi vẫn rất căng thẳng. Tôi chỉ lái chiếc xe này khoảng một lần mỗi tháng, và tôi yêu nó", Neal chia sẻ.

Một chiếc Kia bị trộm với dụng cụ là một dây cáp USB. Ảnh: Angela Carter

Một chiếc Kia bị trộm với dụng cụ là một dây cáp USB. Ảnh: Angela Carter

Chuyện của Neal là một trong số hàng nghìn câu chuyện khác của các chủ xe Kia và Hyundai trên khắp nước Mỹ - những người bị trộm xe hoặc xe bị phá hỏng trong hai năm qua.

Vấn nạn này gần đây tăng vọt xuất phát từ những video chia sẻ cách thức trộm xe lan truyền trên TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác, dạy người xem sử dụng cáp USB để khởi động một chiếc ôtô. Tình trạng này làm dấy lên những lo ngại về an toàn khi một số mẫu xe bán ở Mỹ không có thiết bị chống trộm.

Nhưng không giống những xu hướng mạng xã hội khác thường biến mất ngay khi cảnh sát nhúng tay vào, nạn trộm xe vẫn tiếp tục. Hyundai cũng nỗ lực làm việc với TikTok và các nền tảng khác để gỡ các video liên quan, nhưng hiệu ứng vẫn lan truyền khi thanh thiếu niên vẫn tìm cách để nổi tiếng.

Morgan Kornfeind đang trên đường đến một lớp yoga ở Portland, Oregon, một ngày cuối tháng 3 thì một người đàn ông lái chiếc Kia lấy trộm lao vào xe của cô. Chiếc Kia đi ngược chiều vì đang chạy trốn cảnh sát. Cô gái 25 tuổi bị nhiều vết rách, gãy xương và các thương tổn khác ở chân. Kornfeind cũng cần phẫu thuật và phải thăm khám mỗi tuần.

"Tôi không thể làm công việc mà tôi vô cùng yêu thích. Tôi không thể tập yoga hay dắt chó đi dạo. Tôi bỏ lỡ những chuyến du lịch với bạn bè vì phải đến các lớp điều trị và phục hồi. Ý nghĩ về việc lái xe lại khiến tôi đau đớn tận cùng", Kornfeind viết.

Đầu tháng 5 này ở Milwaukee, một chiếc Kia bị lấy trộm va chạm với một xe buýt chở học sinh khiến một nam sinh 15 tuổi văng ra cửa kính và bị thương nặng. Cảnh sát bắt giữ 4 thiếu niên 14 tuổi, và một trong số này đã lái chiếc xe Kia.

Rất nhiều than phiền, chỉ trích, khiếu nại đối với Hyundai và Kia. Cuối tháng 3, đến 23 tổng chưởng lý gửi thư tới hệ thống đại lý của hai hãng xe Hàn, thúc giục hành động chống lại "khủng hoảng trộm xe".

Tháng 4, một loạt thành phố Mỹ khởi kiện vì cho rằng hai hãng xe Hàn đã không hành động đủ để những chiếc xe khó bị lấy trộm. MLG - một hãng luật ở California - nhận được hơn 4.000 yêu cầu từ các nạn nhân giống Kornfeind. Và mới đây, Hyundai và Kia đã đồng ý bồi thường cho các chủ xe với khoản tiền 200 triệu USD.

Nhưng một số sở cảnh sát, nạn nhân và các hãng xe cũng chỉ trích các nền tảng mạng xã hội. Những video trên YouTube vài tuần gần đây cho thấy cách ai đó đột nhập vào nhiều xe hoặc sử dụng cáp USB để lấy trộm xe. Các video sau đó cũng được gỡ bỏ.

Nhưng thực tế, những xu hướng tội phạm tương tự đã có từ trước khi các nền tảng mạng xã hội xuất hiện. Ở LaGrange, bang Georgia, nơi có dân số khoảng 31.000 người, thì trước khi có thử thách lấy trộm xe Kia, cảnh sát phải đối phó với thử thách Orbeez dạy cách sử dụng một đồ chơi hoặc súng hơi hạng nhẹ dùng loại đạn nhỏ chứa chất dẻo tên Orbeez để bắn vào bạn bè hoặc những người lạ.

Còn nhiều ví dụ khác về những xu hướng tội phạm được lan truyền trước khi có mạng xã hội. Vào những năm 1980, có những đội nhóm trà trộn vào chỗ đông người và gây ra những vụ hỗn loạn, phá hoại hay cướp bóc. Hay những năm 1990, có những nhóm tuổi teen bày ra cách ăn trộm các mẫu xe General Motors chỉ với một chiếc tuốc-nơ-vít.

"Nhưng kể cả không có mạng xã hội, mánh lới kia vẫn lan truyền khắp nơi", một cảnh sát thuộc Sở cảnh sát St. Louis, Missouri, nói, thêm rằng "thứ mà mạng xã hội làm thay đổi, là khiến quá trình này nhanh hơn".

Mỹ Anh (theo New York Post)

Link nội dung: https://nhipsongdothi.vn/nguoi-my-kho-so-vi-nan-trom-xe-184081.html