Tăng cường công tác tuyên truyền cho các em học sinh về phòng tránh bạo lực học đường

Ngày 24-5, Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM phối hợp cùng Chi đoàn văn phòng – Phòng kiểm tra nghiệp vụ, Thi hành án TAND TPHCM, UBND - Hội LHPN xã Hiệp Phước tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật bằng hình thức phiên tòa giả định.

Phiên tòa giả định (PTGĐ) với chuyên đề “Phòng, chống bạo lực học đường” được tổ chức tại trường THCS Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Đây là hoạt động thường xuyên của Chi hội Luật sư phối hợp cùng các đơn vị tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên về thực trạng bạo lực học đường; Hướng dẫn các em về các biện pháp phòng, chống những hành vi xấu, vi phạm pháp luật.

11-1685013138.jpg
Phiên tòa giả định xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” tại trường THCS Hiệp Phước (huyện Nhà Bè)

Mở đầu, các vị luật sư đã giới thiệu cho các em hiểu về trình tự xét xử, cũng như quy định của một phiên tòa. Nội dung cụ thể như sau:

Xuất phát từ những mâu thuẫn qua lại trên mạng xã hội của bạn gái, nên Trần Phi Công (2007) và Huỳnh Minh (2007) đã hẹn nhau ra nói chuyện. Minh đã rủ thêm Nguyễn Thanh Sơn (2007) và hai người nữa cùng đến gặp nhóm Công.  Sơn mượn cây sắt đem theo phòng thân. Hai bên xảy ra ẩu đả. Sơn dùng cây sắt đánh hai cái trúng vào đầu của Công khiến Công té xuống bất tỉnh. Hậu quả của vụ ẩu đả là Công bị chấn thương đầu, tỉ lệ thương tích 10%. Sơn bị truy tố ra trước tòa về tội “Cố ý gây thương tích”.

12-1685013221.jpg
Chương trình có sự tham dự đông đảo của các em học sinh

Tại tòa, bị cáo Sơn khai rằng, khi đến nơi thấy Công và Minh đang nói chuyện, và hỏi lý do vì sao chửi nhau trên mạng, lúc này Minh thách thức Công “có muốn đánh nhau không” thì Công trả lời “Sao cũng được”.

“Lúc này, tôi đứng dậy cầm cây sắt và đứng trước mặt Công và nói “sao mày nói chuyện với bạn của tao mà láo quá vậy? Nói xong tôi cầm cây sắt đập vào đầu Công 2 cái làm Công té xuống bất tỉnh, còn tôi thì bỏ chạy về nhà”.

Vị chủ tọa đã giải thích cho bị cáo hiểu: bị cáo còn nhỏ, chưa thành niên; phải biết sống có trách nhiệm; không hủy hoại thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân. Thế nhưng bị cáo lại hung hăng, sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn nhỏ nhặt, không đáng có.

Tại tòa, bị cáo ăn năn hối hận, đồng thời gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại. Tòa xử phạt bị cáo 2 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm tính từ ngày tuyên án.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM) cho biết:

“Phiên tòa giả định là một hình thức tuyên truyền pháp luật rất trực quan và sinh động, nội dung xét xử được lấy từ những vụ án xảy ra trong thực tế, đã được xét xử. Trong quá trình diễn án, một số tình tiết liên quan đến nhân thân được thay đổi. Thông qua những PTGĐ này, chúng tôi mong muốn các em hiểu biết được những quy định pháp luật, biết cách phòng tránh những hành vi vi phạm pháp luật”.

 

 

PV

Link nội dung: https://nhipsongdothi.vn/tang-cuong-cong-tac-tuyen-truyen-cho-cac-em-hoc-sinh-ve-phong-tranh-bao-luc-hoc-duong-184017.html