TP Thủ Đức: Tổ chức tuyên truyền pháp luật giúp phòng tránh bạo lực học đường

Do những xích mích nhỏ trên mạng xã hội, bị cáo sẵn sàng dùng cây sắt đánh vào đầu bị hại, cố ý xâm phạm đến sức khỏe của bị hại, thể hiện bị cáo rất coi thường tính mạng sức khỏe của người khác và coi thường sự nghiêm minh của pháp luật.

Ngày 23-5, Hội LHPN Thành phố Thủ Đức phối hợp cùng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM, Chi đoàn văn phòng TAND TPHCM, UBND, Công an phường Cát Lái tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường”.

aa9d466793a54dfb14b4-1684926302.jpg
Phiên tòa giả định xét xử vụ án "Cố ý gây thương tích"

Phiên tòa giả định (PTGĐ) được tổ chức tại trường THCS Cát Lái (TP Thủ Đức). Đây là hoạt động thường xuyên của Chi hội Luật sư phối hợp cùng các đơn vị tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên về thực trạng bạo lực học đường, hướng dẫn các em về các biện pháp phòng, chống những hành vi xấu, vi phạm pháp luật.

Mở đầu, các vị luật sư đã giới thiệu cho các em hiểu về trình tự xét xử, cũng như quy định của một phiên tòa. Nội dung cụ thể như sau:

Xuất phát từ những mâu thuẫn qua lại trên mạng xã hội của bạn gái, nên Trần Phi Công (2007) và Huỳnh Minh (2007) đã hẹn nhau ra nói chuyện. Minh đã rủ thêm Nguyễn Thanh Sơn (2007) và hai người nữa cùng đến gặp nhóm Công.  Sơn mượn cây sắt đem theo phòng thân. Hai bên xảy ra ẩu đả. Sơn dùng cây sắt đánh hai cái trúng vào đầu của Công khiến Công té xuống bất tỉnh. Hậu quả của vụ ẩu đả là Công bị chấn thương đầu, tỉ lệ thương tích 10%. Sơn bị truy tố ra trước tòa về tội “Cố ý gây thương tích”.

2efb4127a3e57dbb24f4-1-1684926301.jpg
Các tình tiết trong PTGĐ được lấy từ những vụ án đã xét xử thực tế, trong quá trình diễn án, một số thông tin liên quan đến nhân thân sẽ được thay đổi cho phù hợp

Tại tòa, bị cáo Sơn khai rằng, khi đến nơi thấy Công và Minh đang nói chuyện, và hỏi lý do vì sao chửi nhau trên mạng, lúc này Minh thách thức Công “có muốn đánh nhau không” thì Công trả lời “Sao cũng được”.

Vị chủ tọa đã giải thích cho bị cáo hiểu: bị cáo còn nhỏ, chưa thành niên, phải biết sống có trách nhiệm; không hủy hoại thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân. Thế nhưng bị cáo lại hung hăng, sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn nhỏ nhặt, không đáng có.
4407c2b21770c92e9061-1684926303.jpg
Các vị Luật sư chụp hình lưu niệm cùng nhà trường và các em học sinh trường THCS Cát Lái

Đồng thời, vị Hội thẩm Nhân dân cũng nhắc nhở phụ huynh của bị cáo không nên vì cuộc sống quá khó khăn, lo kiếm sống mà không dành thời gian quan tâm, chăm sócđến con.

“Bà phải hiểu rằng, con bà hư không phải do nguyên nhân từ nhà trường, xã hội mà có một phần lỗi từ phía gia đình, sinh con ra là phải chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục bà không thể nào giao phó hết việc dạy dỗ con bà cho nhà trường và xã hội được. Bà nên gần gũi, hiểu và có sự cảm thông giữa mẹ và con là điều kiện tốt nhất để giáo dục cho con của bà có tình cảm, đạo đức và trách nhiệm đối với mọi người, điều này xã hội và nhà trường không thể làm thay cho bà được”.

Tại tòa, bị cáo ăn năn hối hận, đồng thời gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại. Tòa xử phạt bị cáo 2 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm tính từ ngày tuyên án.

PV

Link nội dung: https://nhipsongdothi.vn/tp-thu-duc-to-chuc-tuyen-truyen-phap-luat-giup-phong-tranh-bao-luc-hoc-duong-183980.html