Ngày 22-5, Phòng LĐTBXH huyện Bình Chánh, Hội Bảo trợ Trẻ em TP.HCM, UBND xã Vĩnh Lộc A cùng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM tổ chức phiên tòa giả định tại trường THCS Đồng Đen với chủ đề “ Bảo vệ trẻ em và phòng tránh bạo lực học đường”.
Phiên tòa giả định xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” có nội dung như sau:
Xuất phát từ những mâu thuẫn qua lại trên mạng xã hội của bạn gái, nên Trần Phi Công và Huỳnh Minh đã hẹn nhau ra nói chuyện. Minh đã rủ thêm Nguyễn Thanh Sơn và hai người nữa cùng đến gặp nhóm Công. Các nhân vật đều sinh năm 2007.
Sơn mượn cây sắt đem theo phòng thân. Hai bên xảy ra ẩu đả. Sơn dùng cây sắt đánh hai cái trúng vào đầu của Công khiến Công té xuống bất tỉnh. Hậu quả của vụ ẩu đả là Công bị chấn thương đầu, tỉ lệ thương tích 10%.
Sơn bị truy tố ra trước tòa về tội “Cố ý gây thương tích”.
HĐXX nhận định: Hành vi của bị can Nguyễn Thanh Sơn là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm hại đến sức khỏe tính mạng của người khác được nhà nước bảo vệ, làm ảnh hưởng đến trật tự trị an. Xét thấy cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đốivới Nguyễn Thanh Sơn để răn đe, giáo dục bản thân bị can và phòng ngừa chung trong xã hội.
Tại tòa, bị cáo ăn năn hối hận, đồng thời gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại. Tòa xử phạt bị cáo 2 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm tính từ ngày tuyên án.
Kết thúc phiên tòa giả định, nhiều câu hỏi đã được các em học sinh đặt ra cho HĐXX.
Bạn Lê Nguyên (Lớp 6/1) thắc mắc là nếu như bị cáo mua chuộc người làm chứng để khai có lợi cho bị cáo thì sao?
Luật sư Nguyễn Sơn Lâm đã giải thích một cách dễ hiểu cho các em rằng, lời khai của người làm chứng sẽ được toà án đánh giá, xem xét khi gỉải quyết vụ án. Nếu lời khai phù hợp với chứng khác của vụ án, đúng sự thật, khách quan thì toà án mới sử dụng lời khai của người làm chứng làm căn cứ giải quyết vụ án. Nếu người làm chứng cố tình khai báo gian dối, không đúng sự thật, thì người làm chứng có thể bị xử lý về hành vi khai báo không chính của mình.
Sau một hồi xếp hàng, bạn Bảo Nam (Lớp 6/15) đã rất hào hứng khi tới lượt mình, Nam đã đặt ra câu hỏi rất thú vị: Nếu mình không có lỗi, bị đánh oan thì sao?
Với câu hỏi này, các vị luật sư đã thay nhau giải thích, cũng như minh họa tình huống cho em hiểu và nhấn mạnh một thông điệp:
“Với bất kỳ lý do hay nguyên nhân gì thì cũng không ai có quyền đánh, hoặc thực hiện hành vi khác xâm phạm đến sức khoẻ, thân thể của của người khác. Người nào có hành vi xâm phạm đến sức khoẻ của người khác, tuỳ theo mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, có thể bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Thầy Nguyễn Ngọc Phát ( Hiệu trưởng trường THCS Đồng Đen) chia sẻ:
“Phiên tòa giả định với nội dung xây dựng sát với thực tiễn và phù hợp với sự quan tâm của phụ huynh, học sinh. Hình thức tuyên truyền pháp luật một cách trực tiếp, sinh động đến các em học sinh. Đây là sân chơi bổ ích giúp cho các em hiểu được trình tự diễn ra một phiên tòa, nắm được các văn bản, điều luật, góp phần truyền tải, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho lứa tuổi học sinh, giúp cho các em học sinh hiểu và có cách cư xử phù hợp, đúng quy định của pháp luật khi đối mặt với những mâu thuẫn trong cuộc sống, trong học đường”.
PV
Link nội dung: https://nhipsongdothi.vn/hoc-sinh-hao-hung-voi-cach-tuyen-truyen-phap-luat-thuc-te-sinh-dong-183931.html