Đất khai hoang không được chính quyền ghi nhận
Bà Võ Thị Thu Hương là gia đình có công cách mạng, cha của bà từ miễn Bắc vào tập kết ở vùng đất này từ năm 1975 làm bí thư thôn Vĩnh Hội, từng được trao huân chương kháng chiến. “Cha tôi thấy dân nghèo quá nên vận động các hộ dân cùng bà con, dòng họ khai hoang đất rẫy có tục danh (Đá Bố, Đá Đen) để cải thiện đời sống cho đến những năm 2000 thì chính quyền xã tự ý thu hồi đưa vào trồng cây điều mà không có giấy tờ, văn bản gì”, bà Hương cho biết.
Cũng theo Hương lúc đó chính quyền yêu cầu các hộ dân khai hoang muốn sử dụng đất thì phải đóng giếng, xây cất trang trại. Trong khi đó, cha bà mất, nên gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn về tài chính nên không thể đáp ứng tiêu chí trên. “Chính quyền xã còn hăm doạ, nếu ai không làm theo để trồng điều thì sẽ bị thu hồi toàn bô diện tích đất khai hoang, giao cho người khác làm. Vậy là chính quyền xã Cát Hải tự động lấy đất của chúng tôi đang canh tác, giao cho cán bộ thôn, cán bộ xã trồng điều nên rất bất công”, bà Hương ấm ức nói thêm.
Thực hiện đúng chủ trương của xã, gia đình ông Lê Tồn Kiếm (anh của bà Lê Thị Hồng Vân) đã làm đơn xin nhận chính lô đất của mình khai hoang để trồng điều, nhưng chính quyền xã Cát Hải vẫn không giải quyết? “Gia đình tôi thực hiện đúng chủ trương nhưng vì sao chính quyền xã Cát Hải và huyện Phù Cát vẫn không giao đất cho gia đình tôi mà vẫn lấy đất của dân giao cho cán bộ xã và cán bộ thôn. Cuối cùng những người này trồng điều bị chết hết không hiệu quả, nhưng vẫn được nhận tiền bồi thường từ chính quyền, còn chúng tôi lại bị bỏ rơi?”, bà Lê Thị Hồng Vân bức xúc nói.
Bà Vân cho biết thêm: “Mãi đến năm 2021, dự án đến triển khai đầu tư, có thu hồi đất, đền bù cho những hộ dân trồng điều. Còn các gia đình khai hoang như nhà tôi, nhà bà Hương mà hàng chục hộ dân khác, khiếu nại, đòi đất, đòi bồi thường công khai hoang vẫn không được. Chính quyền xã Cát Hải và huyện Phù Cát cứ đùn đẩy trách nhiệm không giải quyết. Họ chỉ kê khai cho những người trồng điều liên quan đến cán bộ xã, cán bộ thôn mà thôi”.
Trong khi bà Vân và hơn 20 hộ dân liên tục khiếu nại, gửi đơn đòi bồi thường công khai hoang, nhưng chính quyền từ cấp xã, cấp huyện và tỉnh Bình Định đều từ chối. Đến ngày 25/01/2022, Ban Quản lý dự án và giải phóng mặt bằng khu kinh tế tỉnh Bình Định đã mang tiền đến giao cho các hộ trồng điều, rồi tổ chức san lấp, trong khu đất đang tranh chấp. Theo những người dân ở đây thì những người được đền bù đều liên quan đến cán bộ xã, cán bộ thôn mà UBND xã Cát Hải đã giao đất cho họ như: Đỗ Chuyền, Đỗ Ngọc Hưng, Nông Thanh Mai, Trần Cai, Mai Ngọc Khoát… Sau khi được giao đất để trồng điều, những hộ dân này cũng không thực hiện chương trình của xã đề ra. Tuy nhiên, UBND xã Cát Hải không thu hồi đất đã giao không đúng đối tượng, không thực hiện chủ trương trồng điều để trả lại cho các hộ dân như chính quyền đã hứa.
Cưỡng chế trái luật, không bồi thường cho dân
Cuối tháng 8 vừa qua, chính quyền xã Cát Hải, huyện Phù Cát và tỉnh Bình Định đã tổ chức hàng nghìn người đến cưỡng chế, thu hồi đất của dân khai vỡ để thực hiện dự án Khu dân cư và tái định cư Vĩnh Hội, xã Cát Hải trên khu vực đấ “Đá Bố”, “Đá Đen”. Điều đáng nói là chính quyền chỉ thông báo bằng miệng là sẽ cưỡng chế, thu hồi đất mà không có giấy tờ, văn bản nào thông báo đến các hộ dân đã khai hoang. Họ đã huy động lực lượng đông gấp nhiều lần các hộ dân nhằm áp đảo tinh thần, bắt bớ nhiều người dân nhốt vào xã, gây bức xúc trong dư luận.
Để xoa dịu dư luận, một số cán bộ còn hứa với bà Lê Thị Hồng Vân là thương lượng, đền bù cho riêng gia đình bà công khai vỡ, nhưng bà Vân không đồng ý. “Nếu tôi mà nhận đền bù mà không đòi được quyền lợi cho những hộ dân khác thì rất vô cùng bất công đối với các hộ dân khai hoang nên tôi không đồng ý”, bà Vân cho biết.
Trong khi đó, trả lời việc khiếu nại cho bà Vân, bà Hương và hơn 20 hộ dân khai hoang nêu trên thì Ban Quản lý dự án và giải phóng mặt bằng khu kinh tế cho biết đã phối hợp với UBND xã Cát Hải kiểm đếm cho toàn bộ đất đai, cây cối hoa màu của 44 hộ dân và 01 tổ chức bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Tuy nhiên, kết quả kiểm đếm không ghi nhận hiện trạng đất của các hộ dân khiếu nại nêu trên.
Thực tế, từ năm 2012 bà Lê Thị Hồng Vân, bà Võ Thị Thu Hương cùng các hộ dân đã rất nhiều lần yêu cầu chính quyền xã Cát Hải xác nhận công khai hoang và quyền sử dụng đất, tài sản hoa màu trên đất để được nhận tiền bồi thường. Thế nhưng, chính quyền xã Cát Hải lại vô trách nhiệm trả lời cho các hộ dân yêu cầu xác nhận quyền sử dụng đất là không đúng qui định của pháp luật và không đủ điều kiện để bồi thường, hỗ trợ theo qui định.
Trước những quản lý yếu kém của chính quyền xã Cát Hải khiến công khai hoang đất của rất nhiều hộ dân không được ghi nhận. Cuối cùng UBND tỉnh Bình Định cũng phủi trách nhiệm bằng văn bản trả lời rằng đất của các hộ dân khai vỡ để trồng hoa màu như đậu, đỗ, bắp mì…đến năm 1979 thì toàn bộ đất ở khu “Đá Bố”, “Đá Đen” hợp tác hoá vào Hợp tác xã quản lý. Tại thời điểm thực hiện cân đối giao duyền đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP của Chính phủ thì những người dân khai hoang khu đất này đều không được ghi nhận.
Đến năm 2001, thực hiện chương trình trồng điều do UBND huyện Phù Cát phê duyệt, UBND xã Cát Hải đã tổ chức triển khai cho người dân có nhu cầu làm đơn, đăng ký để xét giao đất trồng điều trên đất mà các hộ dân đã khai hoang. Gia đình bà Vân và một số hộ khác có làm đơn đăng ký nhận đất, nhưng không được xét duyệt.
Cuối cùng việc kiểm kê, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, các hộ dân như bà Vân, bà Hương và nhiều hộ khác không được ghi nhận tài sản, hoa màu trên vùng đất “Đá Bố”, “Đá Đen” mà mình đã khai hoang. Năm 2019, UBND tỉnh Bình Định ra quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Khu kinh tế Nhơn Hội, nhưng lại gạt danh sách các hộ dân khiếu nại nêu trên.
Quá trình khai hoang, canh tác của gia đình bà Vân, bà Hương và hơn 20 hộ dân đã không được ghi nhận. Chính quyền xã Cát Hải, huyện Phù Cát và cả UBND tỉnh Bình Định đã thẳng tay từ chối hỗ trợ, bồi thường và tiến hành cưỡng chế đất của các hộ dân đã khai hoang tại “Đá Bố”, “Đá Đen”. Đây là việc làm đáng tiếc và bất công của các cấp chính quyền đối với người dân đã có công khai phá nhưng không được đền bù mà lại bồi thường cho những người liên quan đến cán bộ xã, cán bộ thôn ở Cát Hải là không thể chấp nhận được.
(Theo Môi trường & Đô Thị)
Lê Hoàng - Phúc Nội
Link nội dung: https://nhipsongdothi.vn/binh-dinh-thu-hoi-dat-khong-boi-thuong-cho-hon-20-ho-dan-174934.html