Tây Ninh: Vì đất, đánh mất tình thân

Từ một gia đình sống hòa thuận, yêu thương nhau. Thế nhưng bất đồng trong việc phân chia tài sản thừa kế đã khiến tình cảm chị em, gia đình tan vỡ, buộc phải đưa nhau ra Tòa phân định.

h1-tay-ninh.jpg

Hiện trạng khu đất

Báo Công lý nhận được đơn phản ánh của anh Trương Tấn Sang (phường 2, TP. Tây Ninh, Tây Ninh) là nguyên đơn trong vụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” hiện đang được TAND TP. Tây Ninh thụ lý và giải quyết.

Anh Sang cho biết, thửa đất số 142, tờ bản đồ số 5, diện tích là 17.865,4 m2 và thửa đất số 151, tờ bản đồ số 5, diện tích 5.300,7 m2 tọa lạc tại TP. Tây Ninh, tỉnh tây Ninh là tài sản chung do ông bà nội anh là Trương Chính Lợi, Vương Thị Đồng tạo lập. Trước khi qua đời, ông bà không để lại di chúc.

h2-tay-ninh.jpg

Quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP. Tây Ninh

Vợ chồng ông Lợi có 7 người con, gồm: bà Trương Thu Hg., Trương Thu H., Trương Thu Ng., Trương Thu V., ông Trương Tấn Lộc, Trương Tấn Thọ, Trương Tấn Tài (bố của anh Sang).

thuan-phan-2004.jpg

Bản thỏa thuận phân chia tài sản năm 2004

Sau khi ông Lợi, bà Đồng qua đời, do không để lại di chúc nên 7 người con thống nhất lập Tờ Thuận Phân để phân chia tài sản cha mẹ để lại và được UBND TP.Tây Ninh chứng thực theo số chứng thực 105, quyển số 2 TP/CC –SCT/HĐGD ngày 6/11/2004.

Theo Tờ Thuận Phân, phần đất thuộc thửa 142 được chia cho toàn bộ cho 7 chị em. Riêng thửa số 151 ủy quyền cho bà Hg. đại diện 7 chị em đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu sau này sang bán phải được sự đồng thuận của 7 chị em và sẽ được lập tờ thỏa thuận riêng. Năm 2011, ông Trương Tấn Tài mất và không để lại di chúc.

van-ban-thoa-thuan-2016.jpg

Bản thỏa thuận phân chia tài sản năm 2016 

Ngày 28/6/2016, tại UBND phường 3, TP. Tây Ninh, anh Sang, ông Lộc, ông Thọ được bà Hg. yêu cầu ký vào Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản, nội dung thửa số 151 được tách làm 3 thửa khác nhau và giao cho bà Trương Thu Hg., bà Trương Thu N., bà Trương Thu H. được đứng tên toàn quyền sử dụng. Thời điểm này, bà Ng., bà V., bà H. không có mặt tại phường. Văn bản sau đó được Chủ tịch UBND phường 3, TP. Tây Ninh chứng thực theo số 291 quyển số 1/2016-SCT/CK ngày 30/6/2016.

Theo anh Sang, thời điểm đó, bản thân tuổi còn trẻ, không am hiểu pháp luật, còn hai người chú T. Lộc và ông T. Thọ có trình độ học vấn thấp, chỉ học hết lớp 6, lớp 7 nên thiếu hiểu biết, tin tưởng vào các chị, các cô của mình nên khi nghe người thân nói ký xác nhận để cho thuê đất nên đã ký vào Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản mà không tìm hiểu kỹ nội dung.

Sau khi phát hiện, bà Hg., bà H., bà Ng., xin cấp GCNQSDĐ cho ba thửa đất được tách ra từ thửa 151 thành sở hữu riêng, không phải đồng sở hữu, việc này trái ngược hoàn toàn với ý chí, nội dung Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản. Do đó, anh Sang đã làm đơn khởi kiện ra TAND TP. Tây Ninh để đòi công bằng. Vụ việc được Tòa thụ lý theo Thông báo số 560/TB-TLLVA ngày 18/11/2020. Theo kế hoạch, vụ án sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 27/5 tới đây.

h3-tay-ninh.jpg

Ông Trương Tấn Lộc trước bàn thờ cha mẹ

Được biết, hiện ông Lộc và ông Thọ có cuộc sống rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, công việc không ổn định, một người đang hành nghề xe ôm.

Chia sẽ với phóng viên, ông Lộc cho biết: “Trước đây khi ba mẹ còn sống, anh em trong gia đình rất hòa thuận. Khi cha mẹ mất đi, bản thân tôi là em trai nên rất nghe lời các chị, coi như mẹ mình. Vì trình độ học vấn mới lớp 6, không am hiểu luật pháp, cũng rất tin tưởng các chị sẽ giúp đỡ và thương yêu mình nên đã ký vào Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản năm 2016, chấp nhận cho các chị Trương Thu Hg., Trương Thu N., Trương Thu H. được đứng tên toàn quyền sử dụng thửa số 151, tờ bản đồ số 5 mà không nghi ngờ và suy nghĩ gì. Sau này phát hiện các chị xin cấp bìa đỏ đứng tên riêng mới biết, mọi việc nằm trong toan tính của các chị, mục đích chiếm dụng tài sản chung của 7 chị em thành của riêng”.

Liên quan tới vụ việc, luật sư Nguyễn Thị Hồng Thắm, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Theo Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Điều 4 Luật đất đai năm 2013 quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”.

Theo Luật kinh doanh BĐS năm 2014, quyền sử dụng đất là quyền sở hữu mang tính chất vô hình, quyền này không hiện hữu rõ ràng như nhà, công trình xây dựng do đó khi thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất thì phải có các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất đó là hợp pháp. Nếu không có giấy tờ hợp pháp chứng minh về nguồn gốc cũng như quyền sử dụng đối với diện tích đất đó thì giao dịch không thể xảy ra do không có căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành thủ tục đăng ký đất đai đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, cũng như đối với nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất khi đưa vào kinh doanh cũng không thể có tranh chấp xảy ra”, luật sư Nguyễn Thị Hồng Thắm chia sẻ thêm.

 

Theo Bảo vệ Công lý (http://baove.congly.vn/tay-ninh-vi-dat-danh-mat-tinh-than-22194.html)

Link nội dung: https://nhipsongdothi.vn/tay-ninh-vi-dat-danh-mat-tinh-than-168239.html