Thập kỷ bùng nổ của các kỳ lân công nghệ tại Đông Nam Á

Vốn hóa thị trường công nghệ tại khu vực Đông Nam Á có thể đạt con số khổng lồ khoảng 1,24 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Đông Nam Á có khả năng sẽ chứng kiến “làn sóng” xuất hiện các công ty công nghệ đại chúng (thực hiện huy động vốn từ công chúng thông qua phát hành chứng khoán) khi ngày càng có nhiều công ty trong khu vực trở thành các doanh nghiệp có tổng trị giá tài sản lên tới hàng tỷ đô la.

Hồi tháng 8/2021, Công ty công nghệ Bukalapak (Singapore) đã trở thành “kỳ lân đầu tiên” (một công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD) của Đông Nam Á lên sàn chứng khoán trong khu vực. Trước đó năm 2017, Công ty SEA Ltd (Singapore) cũng đã lên sàn nhưng thực hiện niêm yết tại Mỹ.

Mới đây, ngày 1/12, Grab - “kỳ lân” công nghệ đình đám của Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ khi thông báo rằng sẽ niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ vào ngày 2/12 thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Đây chỉ là hai giao dịch trong số một loạt các danh sách “kỳ lân” Đông Nam Á đang xem xét việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Quỹ tư nhân Asia Partners dự đoán sẽ có thêm ít nhất 20 công ty công nghệ trị giá hàng tỷ USD được thành lập từ nay đến năm 2029. 

Ông Nick Nash, đồng sáng lập và là đối tác quản lý của quỹ đầu tư tư nhân Asia Partners, chia sẻ: “Tiềm năng của Đông Nam Á đang bắt đầu bộc lộ và hiện thực hóa trong các công ty công nghệ tỷ USD và nhiều tỷ USD này". 

Asia Partners dự đoán rằng ít nhất 10 công ty trong số này sẽ niêm yết cổ phiếu trong thập kỷ tới.

Đông Nam Á đang chứng kiến ​​nhiều doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực thương mại điện tử, vận tải và chuyển phát tiến hành hoặc lên kế hoạch IPO. Asia Partners kỳ vọng khu vực này sẽ có ​​nhiều công ty đại chúng xuất hiện hơn từ các lĩnh vực như hậu cần, y tế trực tuyến và công nghệ giáo dục.

Theo quan điểm của Asia Partners, Đông Nam Á đang bước vào “thời kỳ hoàng kim” - giai đoạn phát triển giống Trung Quốc đại lục vào khoảng 10 năm trước khi mà nước này có “một quá trình rất hệ thống” để hình thành các công ty công nghệ và đưa chúng trở thành công ty đại chúng. Cho đến nay, các công ty niêm yết cổ phiếu của Trung Quốc và Hàn Quốc từ "thời kỳ hoàng kim" ấy đã chiếm hơn 50% vốn hóa thị trường công nghệ ngày nay. 

Gia tăng vốn hoá thị trường 

Trong báo cáo năm 2019, Asia Partners đã dự đoán vốn hoá thị trường của các công ty công nghệ sẽ tăng thêm 425 tỷ USD vào năm 2029. Tuy nhiên, mọi thứ đã diễn ra nhanh chóng và một nửa chặng đường đó đã đạt được chỉ trong vòng hai năm qua. Phần lớn số vốn tăng thêm nhờ Sea Ltd., doanh nghiệp công nghệ niêm yết có giá trị nhất khu vực Đông Nam Á, hiện có giá trị vốn hóa thị trường hơn 160 tỷ USD.

Nếu Đông Nam Á đi theo xu hướng của Trung Quốc đã diễn ra thì vốn hóa thị trường công nghệ tại khu vực sẽ đạt con số khổng lồ khoảng 1,24 nghìn tỷ USD  trong vòng 10 năm tới. Đông Nam Á hiện còn cách con số ấy 770 tỷ USD nữa.

Theo báo cáo của Asia Partners, Internet, thương mại điện tử, xử lý dữ liệu, CNTT, phần mềm và truyền thông là những lĩnh vực lên ngôi theo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người. Dựa trên xu hướng phát triển hiện tại, những lĩnh vực này được dự đoán chiếm tỉ lệ trong GDP tăng theo thời gian so với lĩnh vực  phần cứng và viễn thông. Đặc biệt, lĩnh vực Internet và thương mại điện tử có thể chiếm 11,08% GDP của khu vực vào năm 2031, so với mức 8,73% hiện tại.

Đông Nam Á hiện là khu vực lớn thứ năm thế giới về các thương vụ IPO trị giá 100 triệu USD, sau Mỹ Latinh, Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu. 

Ông Nash nói: "Trong vòng 5-10 năm tới, Đông Nam Á và Mỹ Latinh có thể thay đổi vị thế. Đây là một bước phát triển quan trọng và rất có ý nghĩa để suy xét về cách phân bổ danh mục đầu tư".

Ông Nash cũng tin rằng những doanh nghiệp Đông Nam Á có khả năng phục hồi tốt trong các cuộc khủng hoảng. Công ty đại chúng trong các thị trường mới nổi có tỉ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) trên 30% là xuất phát từ Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng DotCom- bong bóng thị trường cổ phiếu đã vỡ một lần vào năm 2001 và kéo theo các cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thị trường cũng bắt đầu xuất hiện những công ty như vậy từ Thái Lan và Indonesia.

Cuộc sống số - Thập kỷ bùng nổ của các kỳ lân công nghệ tại Đông Nam Á

Ông Nick Nash – Co-founder kiêm Quản lý đối tái của Asia Partners. Ảnh: Dealstreetasia.

Thiếu hụt nguồn tài trợ

Sự thiếu hụt nguồn vốn tăng trưởng để Đông Nam Á bắt kịp Trung Quốc là điều đã được Asia Partners nhấn mạnh kể từ năm 2019, từ ước tính thiếu khoảng 0,93 tỷ USD hàng năm đang tăng lên mức thiếu 1,1 tỷ USD hiện nay.

Tuy nhiên, một tín hiệu sáng cho rằng các thị trường Đông Nam Á đang dẫn trước Trung Quốc và Ấn Độ về tốc độ thực hiện vòng serie C/D với khoảng vốn từ 20-100 triệu USD. Năm 2021, các giao dịch có quy mô séc từ 20-100 triệu USD tại Đông Nam Á đã tăng 109% so với cùng kỳ năm ngoái, so với 43% ở Trung Quốc và 16% ở Ấn Độ. Đáng chú ý, nếu loại trừ Indonesia, mức tăng trưởng ấy chỉ còn lại 39%. Ông Nash nhận định: "Indonesia đã đạt mức ngang bằng với Trung Quốc. Hiện tại thị trường đó đang rất nóng". Trong khi đó, đối với các giao dịch có quy mô từ 1-20 triệu USD và trên 100 triệu USD, Indonesia tăng trưởng chậm hơn nhiều so với phần còn lại của khu vực.

Chiến lược đầu tư

Hai chiến lược đầu tư mà quỹ Asia Partners cho rằng có thể thấy tại Đông Nam Á là hỗ trợ phát triển các công ty ở thị trường Singapore hoặc phát triển các nền tảng khu vực.

Nền kinh tế Indonesia có hiện có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với GDP 1,16 nghìn tỷ USD và dân số hơn 270 triệu người. Bên cạnh đó, Singapore dù dân số chỉ hơn 5 triệu người nhưng được biết đến không chỉ là trung tâm khởi nghiệp của châu Á mà cả thế giới, hiện đứng đầu khu vực về nguồn nhân lực chất lượng với khả năng điều hành, công nghệ và khoa học dữ liệu.

Asia Partners cũng đang xem xét đến chiến lược quốc gia đơn lẻ, trong đó có Việt Nam. Năm ngoái, bất chấp đại dịch, cùng với Trung Quốc và Myanmar, Việt Nam là một trong ba quốc gia ở châu Á có mức tăng trưởng tích cực. Việt Nam khẳng định vị trí vững vàng trong top 4 nền kinh tế lớn nhất Asean năm 2020 với quy mô nền kinh tế đạt khoảng 343 tỷ USD và dân số hơn 97 triệu người đứng thứ 3 trong Asean.

Việt Nam hiện đang đứng đầu các nước trong khu vực về số lượng du học sinh, điều đó là nền tảng vững chắc để tạo ra thế hệ doanh nhân kế cận. Ông Nguyễn Kiên, người đồng sáng lập kiêm đối tác của Asia Partners tại Việt Nam, cho biết: “Khi những du học sinh trở về với kỹ năng kỹ thuật vững vàng, cùng quan điểm cởi mở và mạng lưới mở rộng hơn, những điều thú vị sẽ có khả năng xảy ra tại Việt Nam”.

Hà Thanh (theo Dealstreetasia, Asia Partners)

Link nội dung: https://nhipsongdothi.vn/thap-ky-bung-no-cua-cac-ky-lan-cong-nghe-tai-dong-nam-a-160931.html