shunshine group

Khủng hoảng China Evergrande lan sang thị trường 12.000 tỷ USD

13/10/2021 11:25

Cuộc khủng hoảng nợ 300 tỷ USD của China Evergrande đã lây lan sang các thị trường tài chính. Thị trường tín dụng nội địa 12.000 tỷ USD của Trung Quốc bắt đầu chịu sức ép.

Vài tháng sau cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande - tập đoàn bất động sản thứ hai Trung Quốc - bùng nổ, thị trường tín dụng nội địa 12.000 tỷ USD của nước này đã bắt đầu có những dấu hiệu căng thẳng.

Theo China Credit Tracker của Bloomberg (công cụ đánh giá các điều kiện trên thị trường tín dụng trong và ngoài nước), mức độ căng thẳng đã tăng lên ở cả thị trường đồng NDT và trái phiếu USD vào tháng trước.

Điều này cho thấy nếu chính quyền Trung Quốc vẫn duy trì các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản, cuộc khủng hoảng của China Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới - sẽ lan sang những nhà phát triển khác.

No cua China Evergrande anh 1

Cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande có thể ảnh hưởng tới các nhà phát triển bất động sản khác tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Lãi suất tăng cao

Sự căng thẳng trên thị trường trong nước tăng lên chủ yếu do các nhà đầu tư yêu cầu lãi suất cao hơn đối với những khoản nợ được xếp hạng AA của Trung Quốc, tương đương với trái phiếu rủi ro cao.

Xu hướng này tăng tốc trong tháng 9. Mức chênh lệch trung bình hàng ngày với các trái phiếu chính phủ tương đương đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm.

Trước đây, sự căng thẳng gia tăng chủ yếu do số vụ vỡ nợ tăng cao. Nhưng hiện tại, chi phí đi vay tăng cao đối với những công ty yếu kém có thể tạo ra thách thức lớn hơn, phức tạp hơn cho ngân hàng trung ương Trung Quốc.

Hệ thống tài chính của đất nước 1,4 tỷ dân cũng có thể bị đè nặng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm tiền mặt để giảm bớt tác động từ cuộc khủng hoảng của China Evergrande.

No cua China Evergrande anh 2

Bắc Kinh đang tìm cách ngăn ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng China Evergrande lây lan. Ảnh: Reuters.

Vào cuối tháng 9, cơ quan này đã bơm ròng 790 tỷ NDT (123 tỷ USD) tiền mặt trong 10 ngày liên tiếp. Mức độ căng thẳng đối với tín dụng nước ngoài cũng ngày càng gia tăng. Lợi suất trung bình của các trái phiếu rủi ro cao tiếp tục tăng.

Các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp địa phương vẫn tập trung ở Hải Nam. Đó là dư âm từ cuộc khủng hoảng nợ của đại gia đa ngành HNA Group Co.

HNA của tỷ phú Trần Phong là doanh nghiệp tiên phong trong làn sóng thu mua và sáp nhập từ Mỹ đến châu Âu. Nhưng mọi thứ đã sụp đổ sau núi nợ khổng lồ.

Đại dịch Covid-19 là hồi chuông báo tử của HNA. Các hoạt động hàng không và du lịch của tập đoàn bị tê liệt. Họ đệ đơn phá sản vào tháng 1/2021 và đang trong quá trình tái cơ cấu dưới sự giám sát của chính quyền đảo Hải Nam - nơi HNA đặt trụ sở.

Căng thẳng gia tăng

Theo giới quan sát, China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn cũng có thể trải qua quá trình tái cơ cấu tương tự HNA. Các nhà nghiên cứu của Citigroup Inc. cho rằng Bắc Kinh sẽ vào cuộc, chia tách hoạt động kinh doanh của China Evergrande và bán tài sản cho những nhà đầu tư chiến lược.

Với chiến lược này, các trái chủ sẽ chịu lỗ, còn những nhà đầu tư cổ phần có thể bị xóa sổ.

Mới đây, các cơ quan xếp hạng tín dụng đã hạ xếp hạng của hai nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Fantasia Holdings và Sinic Holdings do rủi ro dòng tiền.

Fantasia đã không thể trả lại một trái phiếu đáo hạn hôm 4/10. Cổ phiếu của công ty bị dừng giao dịch kể từ ngày 9/9. Tính đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu giảm mạnh gần 60%.

Khi chính quyền Trung Quốc vẫn duy trì các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản, cuộc khủng hoảng của China Evergrande sẽ lan sang những nhà phát triển khác

Bloomberg

Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm, khoản nợ phải trả của Fantasia hiện là 82,9 tỷ NDT (12,8 tỷ USD).

Hôm 4/10, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Fantasia từ B (có rủi ro vỡ nợ, nhưng vẫn còn mức an toàn giới hạn) xuống CCC- (rủi ro tín dụng đáng kể và có khả năng vỡ nợ). Cơ quan này cho biết tình hình dòng tiền của Fantasia "có thể thắt chặt hơn chúng tôi dự đoán".

Trong khi đó, cơ quan xếp hạng tín dụng S&P đã hạ xếp hạng tín dụng của Sinic Holdings từ CCC+ xuống CC. Theo trang web của cơ quan, CC có nghĩa là công ty rất dễ bị tổn thương.

“Chúng tôi hạ xếp hạng vì tin rằng Sinic đã gặp phải vấn đề thanh khoản nghiêm trọng. Khả năng trả nợ của công ty gần như cạn kiệt”, S&P viết.

Cơ quan xếp hạng cho biết tập đoàn bất động sản Trung Quốc có thể không trả được nợ trái phiếu bằng USD trị giá 246 triệu USD, đến hạn vào ngày 18/10.

Các công ty con của Sinic đã không thể thanh toán 38,7 triệu USD cho hai trái phiếu bằng đồng NDT, đến hạn vào ngày 18/9, theo S&P.

Theo Bloomberg, các công ty Trung Quốc có thể đối mặt với những thách thức chưa từng có trong vòng 2 tháng tới. Họ cần phải tái cấp vốn hoặc hoàn trả 20,3 tỷ NDT trái phiếu trong nước.

Cập nhật tình hình Covid-19

Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh Hôm nay Tổng số ca

Bạn đang đọc bài viết "Khủng hoảng China Evergrande lan sang thị trường 12.000 tỷ USD" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh