shunshine group

Hồ ao, hố công trình quanh nhà thành "bẫy" với trẻ em mùa mưa lũ

02/11/2021 07:59

Từ 2019 - 2021, An Giang có 65 trẻ tử vong do đuối nước. Là địa bàn đặc thù, cuộc sống gắn liền với kênh rạch, mỗi năm có một mùa lũ, An Giang duy trì mô hình điểm giữ trẻ, cộng đồng an toàn mùa lũ.

Nỗi lo trẻ đuối nước khi vào mùa mưa bão

Theo báo cáo của Phòng Trẻ em, bình đẳng giới  thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang, tính từ năm 2019 đến tháng 10/2021, toàn tỉnh ghi nhận có 65 trẻ em tử vong do đuối nước. Trong đó, năm 2019 là 33 trường hợp, năm 2020 có 18 trường hợp và đến 10/2021 có 14 trường hợp.

Đáng nói, trong 3 năm qua (2019 -2021) có đến 12 trẻ em tử vong tại các ao nước, hố công trình trên địa bàn tỉnh An Giang. Cụ thể, năm 2019 có 4 trường hợp, năm 2020 có đến 7 trường hợp và năm 2021 có một trường hợp.

Đau lòng nhất là vụ 5 trẻ em người dân Khmer (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) bị đuối nước thương tâm tại một ao nước công trình. Theo báo cáo xã Văn Giáo, ngày 13/9, 6 cháu rủ nhau ra ao nước công trình gần nhà chơi, chẳng may 5 cháu sảy chân rơi xuống ao và tử vong ngay sau đó. Tất cả các trường hợp tử vong đều thuộc gia đình khó khăn ở địa phương.

Hồ ao, hố công trình quanh nhà thành bẫy với trẻ em mùa mưa lũ - 1

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân (nay Phó Chủ tịch nước) và Giám đốc Công an tỉnh An Giang đến thăm hỏi, động viên thân nhân gia đình 5 trẻ em tử vong ở xã Văn Giáo vào 9/2020 (Ảnh: Minh Anh)

Cũng trong năm 2020, tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, 2 trẻ cũng tử vong tại ao nước do doanh nghiệp lấy đất làm gạch. Khi vụ tai nạn xảy ra làm nhiều người dân bức xúc, yêu cầu chính quyền và ngành chức năng cần siết lại các công trình, phải gắn biến báo, cảnh báo hố sâu nguy hiểm để ngăn ngừa những tai nạn đuối nước xảy ra.

Hay vụ đuối nước xảy ra vào 4/8 tại một ao nước công trình ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên. Khi đó, cháu Trịnh Vũ Hoàng (3 tuổi) một mình đi ao nước sau nhà của ông ngoại vừa thuê người đào để nuôi cá, do không biết ao sâu, cháu Hoàng đi xuống ao, tử vong.

Hồ ao, hố công trình quanh nhà thành bẫy với trẻ em mùa mưa lũ - 2

Ao nước do ông ngoại cháu Trịnh Hoàng Vũ bị đuối nước thương tâm (Ảnh: CTV)

Điểm giữ trẻ mùa lũ và những lồng dạy bơi di động

Trước thực trạng trẻ em đuối nước tại ao nước, hố công trình xảy ra còn nhiều, ngay từ đầu năm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang gửi văn bản đến lãnh đạo các huyện, thành phố, sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở GTVT phối hợp thực hiện các công tác phòng, tránh đuối nước cho trẻ em tại các ao, hố công trình xây dựng, san lấp mặt bằng…

Ông Đặng Huy Châu - Trưởng phòng Trẻ em, bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang chia sẻ: "Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH được UBND tỉnh giao là đơn vị chủ trì phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở VH-TT&DL cùng thực hiện nhiều công tác nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ em tử vong vì đuối nước. Tuy nhiên, số trẻ em tử vong vẫn chưa giảm sâu, còn nhiều trường hợp trẻ em tử vong tại hố công trình là điều đáng tiếc".

Mặc dù hàng năm, đơn vị gửi công văn đến Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở GTVT, để các đơn vị này nhắc nhở đơn vị thi công, chủ công trình thực hiện các biện pháp rào chắn, giăng dây ao, hố công trình và đặt biển cảnh báo nguy hiểm. Nhưng thực tế, vẫn còn tình trạng chủ công trình, đơn vị thi công phớt lờ, gây ra những vụ đuối nước thương tâm.

Hồ ao, hố công trình quanh nhà thành bẫy với trẻ em mùa mưa lũ - 3

Do đặc thù nhà dân ở khu vực ĐBSCL gắn liền với sông, ao hồ và mỗi năm có một mùa lũ (từ tháng 8 -tháng 11) nên nguy cơ trẻ em bị đuối nước là rất cao (Ảnh: Nguyễn Hành).

Theo ông Châu, thời gian tới, địa phương tiếp tục duy trì, nhân rộng và triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn, vận động những hộ gia đình (đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo) xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ em (ao nước quanh nhà có hàng rào, công trình có giăng dây, cảnh báo… ). Mục tiêu đề ra, 100% xã, phường, thị trấn triển khai thí điểm mô hình Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Trong đó, mỗi huyện có ít nhất một xã, phường, thị trấn đạt 100% hộ gia đình có trẻ em đạt các tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em. Tính đến nay có 60% xã, phường, thị trấn triển khai thí điểm mô hình. Một số xã còn lại do ảnh hưởng của dịch Covid19, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nên chưa thể triển khai.

An Giang duy trì mô hình cộng đồng an toàn tại 4 xã (xã Phú Thọ - huyện Phú Tân; Văn Giáo - huyện Tịnh Biên, Khánh An - huyện An Phú, Lê Trì - huyện Tri Tôn). Địa phương cũng tiếp tục tổ chức các điểm giữ trẻ mùa lũ và tiếp tục hỗ trợ 3 lồng bơi di động cho các huyện: Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn. Từ năm 2018 đến nay đã hỗ trợ 17 lồng bơi cho 17 xã với tổng số tiền 915 triệu đồng.

Hồ ao, hố công trình quanh nhà thành bẫy với trẻ em mùa mưa lũ - 4

Theo ông Đặng Huy Châu - Trưởng phòng Trẻ em, bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang) hiện nay sông bị ô nhiễm và mùa khô không có nước nên việc dạy bơi cho các em hoàn toàn ở hồ bơi. Nhưng thực tế hiện nay, kinh phí trang bị hồ bơi cho trường học, các xã rất khó khăn (Ảnh: Nguyễn Hành).

Ngoài ra, Đoàn thanh niên CSHCM Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với Tỉnh Đoàn An Giang thực hiện mô hình "Biên báo nguy hiểm và phao cứu sinh tái chế". Trong hoạt động này, phát động Đoàn viên, thanh niên làm phao cứu sinh từ các vật liệu tái chế (lốp xe, can nhựa…) và các bảng cảnh báo nguy hiểm.

Khi có sản phẩm, đoàn viên, thanh niên rà soát các khu vực nước sâu, khu vực có nguy cơ cao dẫn đến đuối nước: hồ nước lò gạch, vùng trũng, ao, đầm... để tiến hành cắm bảng. Đồng thời phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền ý nghĩa mô hình cho nhân dân và phân công người duy trì, bảo quản.

Ông Đặng Huy Châu - Trưởng phòng Trẻ em, bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang cho biết, ngoài những khó khăn trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em như: đặc thù nhà dân ở khu vực ĐBSCL gắn liền với sông, ao; mỗi năm có một mùa lũ; các cháu ở với ông bà lớn tuổi; kỹ năng bơi và nhận biết mối nguy về đuối nước của các cháu chưa được trang bị đầy đủ... thì kinh phí trang bị hồ bơi cho các trường học, các xã phổ cập bơi cho trẻ còn hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến kết quả phổ cập bơi cho trẻ chưa cao.

Theo ông Châu, hiện nay, trên 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang mới chỉ có huyện Chợ Mới là đơn vị vận động hỗ trợ mỗi xã có 2 hồ bơi để dạy bơi cho trẻ.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2015 - 2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao gấp 8 lần các nước có thu nhập cao.

Nguyễn Hành

Bạn đang đọc bài viết "Hồ ao, hố công trình quanh nhà thành "bẫy" với trẻ em mùa mưa lũ" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh