shunshine group

Điều chỉnh hành vi tiêu dùng mới

17/05/2022 16:54

Theo VCCI, hành vi tiêu dùng mới trên internet có thể ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng từ hành vi thiếu công bằng trên thị trường cung cấp hàng hoá, dịch vụ…

Theo đề nghị của Bộ Công Thương về việc góp ý đối với dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) (bản thẩm định tại Bộ Tư pháp, sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản đóng góp một số ý kiến ban đầu.

Theo VCCI, báo cáo không chính thức của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển UNCTAD về bảo vệ người tiêu dùng trong các thị trường nền tảng (peer platform markets) và Báo cáo Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam: một số vấn đề pháp lý đều đã đề cập đến các hành vi tiêu dùng mới trên nền tảng internet như hội nhóm sử dụng sản phẩm, dịch vụ; trao đổi hàng hoá với những người có nhu cầu sử dụng lại…

Các hình thức tiêu dùng mới này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng từ các hành vi thiếu công bằng trên thị trường cung cấp hàng hoá, dịch vụ, bất cân xứng thông tin, không đảm bảo chất lượng hàng hoá, dịch vụ… Thiệt hại với người tiêu dùng có thể về tài chính hoặc phi tài chính (sức khoẻ, tâm lý, thông tin cá nhân, thời gian…).

"Đây dự kiến là những lĩnh vực sẽ ảnh hưởng lớn đến quan hệ tiêu dùng, nên là nội dung quan trọng khi thiết kế pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nội dung này và cân nhắc đưa vào điều chỉnh trong dự luật", văn bản của VCCI đề cập.

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Cũng tại văn bản này, VCCI cho rằng chính sách chống phân biệt đối xử, kỳ thị, lợi dụng cần được quy định đối với tất cả các đối tượng người tiêu dùng và trong tất cả các hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng.

Việc này không chỉ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Việc quy định “có cơ chế, chính sách chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng” người tiêu dùng dễ bị tổn thương chỉ trong việc “thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin” (điểm d các khoản 1, 2; điểm đ khoản 3, điểm c khoản 4 và khoản 5 Điều 6) có thể dẫn tới cách hiểu chưa đầy đủ và tạo lỗ hổng trong áp dụng quy định này.

Hiện tại, trong các luật chuyên ngành như Luật Người cao tuổi (tại Điều 9), Luật Trẻ em (tại Điều 5), Luật Người khuyết tật (tại Điều 14), Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (tại Điều 8) đã quy định chung về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm kỳ thị, phân biệt đối xử nhưng thực tế dường như chưa đi vào cuộc sống. Hoạt động giữa cá nhân, tổ chức kinh doanh với người tiêu dùng còn có nhiều đặc thù mà nếu không có quy định cụ thể hơn sẽ có thể dẫn đến việc vô tình vi phạm do các cách hiểu khác nhau. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các quy định cụ thể về các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử trong giao dịch với các đối tượng yếu thế để bảo đảm tính khả thi của quy định này.

Để tăng tính rõ ràng, minh bạch của quy định, VCCI đề nghị Ban soạn thảo sửa các khoản trong điều này theo hướng bỏ các từ “bảo đảm thực hiện” bởi đây là trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với khách hàng là người tiêu dùng dễ bị tổn thương (đã được quy định tại các Luật chuyên ngành nói trên), tránh các cách hiểu khác nhau dẫn tới áp dụng pháp luật không chính xác.

Chính sách về thông tin của người tiêu dùng

Liên quan đến giao dịch thương mại trên nền tảng trực tuyến, thông tin của người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để thực hiện được giao dịch (cơ bản là các thông tin về: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc các tài khoản cho phép thanh toán trực tuyến). Do đó, quy định “tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng phải thông báo trước bằng hình thức phù hợp và phải được người đó đồng ý” là không phù hợp với các giao dịch trực tuyến. Để bảo đảm tính chính xác và chặt chẽ của văn bản, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào các khoản 1, 2, 3 Điều 9 dự thảo cụm từ “trừ quy định tại khoản 4 Điều này” để bảo đảm tính chặt chẽ của quy định.

Quy định tại khoản 1 Điều 10 Dự thảo “tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng thông tin của người tiêu dùng đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo…” là bỏ sót các trường hợp tổ chức, cá nhân không phải thông báo khi thu thập thông tin quy định tại khoản 4 Điều 9. Vậy trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng các thông tin này ngoài mục đích ban đầu (như thông tin để giao kết/thực hiện hợp đồng; thông tin để tính giá, cước…) thì sẽ không có quy định, tạo thành khoảng trống pháp lý. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cho các trường hợp này.

Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin (Điều 11 Dự thảo): vấn đề này được quy định khá chung chung. Các yêu cầu như “phải có cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng”, “báo cho cơ quan chức năng trong vòng hai mươi bốn giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết…” không rõ trình tự, thủ tục, đối tượng báo cáo thì sẽ khó bảo đảm tính khả thi. Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo dẫn chiếu hoặc uỷ quyền quy định chi tiết các nội dung này.

Đồng thời, VCCI góp ý tương tự đối với quy định về kiểm tra, cập nhật, điều chỉnh, chuyển giao hoặc huỷ bỏ thông tin của người tiêu dùng (Điều 12 Dự thảo).

Về quyền của người tiêu dùng

Quyền của người tiêu dùng sẽ tương ứng với trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Theo VCCI, dự thảo còn có một số nội dung chưa bảo đảm tính hợp lý, khả thi.

Cụ thể, Khoản 6 Điều 14 Dự thảo quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, khoản 4 Điều 14 Dự thảo quy định nội dung gần tương tự cho phép người tiêu dùng “góp ý kiến với tổ chức, cá nhân về giá cả, chất lượng…”. Vậy không rõ trong trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể trao đổi với người tiêu dùng, trước khi phải đứng ra làm một bên bị khiếu nại, tố cáo hoặc bị đơn trong vụ việc dân sự?

Để nâng cao việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng: tổ chức, cá nhân có quyền thương lượng với người tiêu dùng lựa chọn cách giải quyết trong trường hợp có cách hiểu không thống nhất hoặc sai khác về các vấn đề của sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, bổ sung quy định vào Điều 55 Dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền yêu cầu người tiêu dùng thương lượng khi có tranh chấp liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp.

Nghĩa vụ của người tiêu dùng (Điều 15 Dự thảo): thực tế cho thấy một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh, ví dụ như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Chính vì vậy, để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng

Điểm b, khoản 1 Điều 21 Dự thảo quy định: “a) Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hoá, dịch vụ được cung cấp và các chương trình đánh giá, xếp hạng liên quan”: đề nghị bổ sung “nếu có” vì không phải bên thứ ba nào cũng tự mình thực hiện các chương trình đánh giá, xếp hạng này. Nếu bên bán hàng, cung cấp dịch vụ sử dụng một tổ chức đánh giá, xếp hạng khác thì phải có trách nhiệm cung cấp cho bên thứ ba này.

Điểm c, khoản 1 quy định: “c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;”. Tuy nhiên, không rõ các quy định của pháp luật về kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin hàng hoá, dịch vụ là gì. Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung dẫn chiếu tại quy định này, làm cơ sở cho việc áp dụng được hiệu quả.

Điểm c, khoản 2 quy định chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông có trách nhiệm “từ chối cho tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý nếu việc sử dụng có khả năng dẫn đến quấy rối người tiêu dùng” có thể sẽ gây ra những cách hiểu khác nhau về tiêu chí xác định thế nào là có khả năng dẫn đến quấy rối người tiêu dùng. Các tiêu chí này sẽ được xác định theo từng vụ việc cụ thể hay như thế nào? VCCI đề nghị Ban soạn thảo làm rõ theo hướng bảo đảm tính hợp lý và khả thi của quy định, tránh trường hợp gây ra tâm lý không an tâm cho chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông.

Điểm d, khoản 2 quy định chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông phải ngừng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng nếu có yêu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải yêu cầu nào của người tiêu dùng cũng chính xác và hợp pháp. Trong khi người tiêu dùng đã có cơ chế để thông báo tới cơ quan quản lý khi quyền của mình bị vi phạm thì việc yêu cầu chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông chỉ nên được thực hiện khi có quyết định của cơ quan quản lý đó. Trong giao dịch cung cấp dịch vụ truyền thông giữa cá nhân, tổ chức kinh doanh và chủ phương tiện/nhà cung cáp dịch vụ truyền thông, người tiêu dùng không phải là một bên tham gia trực tiếp mà chỉ là người có quyền lợi liên quan. Giao dịch này chỉ có thể được điều chỉnh, tạm dừng theo thoả thuận của các bên hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định trên.

Tuệ Minh

Bạn đang đọc bài viết "Điều chỉnh hành vi tiêu dùng mới" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh