shunshine group

Đề xuất hỗ trợ 2,2-3,7 triệu đồng/người với 74.000 giáo viên mầm non tư

29/09/2022 16:02

() - Chính phủ đang xây dựng chính sách hỗ trợ trên 74.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bộ Tư pháp đang tổ chức thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đề xuất hỗ trợ 2,2-3,7 triệu đồng/người với 74.000 giáo viên mầm non tư  - 1

Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa).

Dự thảo quyết định có nội dung, hỗ trợ một lần mức 3,7 triệu đồng/người, áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68.

Hỗ trợ một lần mức 2,2 triệu đồng/người, áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 68 của Chính phủ.

Thời gian các cơ sở giáo dục ngoài công lập tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đến hết ngày 31/12/2022.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ đối với người lao động phải nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc và người sử dụng lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên phải nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc do cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 có tham gia Bảo hiểm Xã hội bắt buộc đã được hưởng chính sách này.

Tuy nhiên, một số lượng lớn cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập chưa đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ do chưa tham gia Bảo hiểm Xã hội bắt buộc. Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, có 74.102 cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc đối tượng này, trong đó phần lớn là người lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (hơn 69.000 người).

Thực hiện quy định tại khoản 12 mục II Nghị quyết số 68, đã có 57/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách địa phương hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, chỉ có 18/57 tỉnh, thành phố có quy định đối tượng người lao động trong giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Mức hỗ trợ 16/18 tỉnh áp dụng là 1,5 triệu; 2/18 tỉnh áp dụng mức 2 triệu... Mức hỗ trợ như vậy rất thấp trong khi thời gian nghỉ việc kéo dài, không có thu nhập, ảnh hưởng lớn đến đời sống của những người làm công việc này. Thực tế, nhiều cán bộ, giáo viên đã bỏ nghề, tìm kiếm công việc khác để ổn định cuộc sống.

Đề xuất hỗ trợ 2,2-3,7 triệu đồng/người với 74.000 giáo viên mầm non tư  - 2

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến đầu tháng 4/2022, toàn quốc có 994 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị giải thể (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, những khó khăn đó dẫn tới các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải đối mặt với nguy cơ thiếu giáo viên, không bảo đảm các điều kiện hoạt động giáo dục; rất nhiều cơ sở đã bị giải thể. Tính đến đầu tháng 4/2022, toàn quốc có 994 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị giải thể, trong đó bị ảnh hưởng nặng nề nhất là TPHCM (256 cơ sở), Đồng Nai (69), Bình Dương (66), Bắc Giang (65), Hà Nội (64), Đà Nẵng (58), Hải Phòng (58), Quảng Ninh (48)…

"Dịch vụ giáo dục mầm non ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ đứt gẫy. Đến nay, các địa phương đều đã đưa trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lại trường học, nhưng nhiều trẻ em mầm non không có chỗ học do cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã giải thể. Trẻ em mầm non, học sinh tiểu học không được đến trường, lớp, gây khó khăn cho cha mẹ trong việc tham gia lao động sản xuất, đặc biệt là công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp"- Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu thực tế.

Theo dự kiến nhu cầu kinh phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ có khoảng 74.102 người được hưởng chính sách trên, trong đó, 44.566 người được hỗ trợ mức 3,7 triệu đồng; 29.536 người được hỗ trợ mức 2,2 triệu đồng. Tổng nhu cầu kinh phí dự kiến khoảng gần 230 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất hỗ trợ 2,2-3,7 triệu đồng/người với 74.000 giáo viên mầm non tư" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh