shunshine group

Chuyển đổi số trong nông nghiệp còn rời rạc, thiếu sự thống nhất

26/05/2022 20:30

Chính phủ số, kinh tế số và nông dân số là ba điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự thành công của quá trình chuyển đổi số nền nông nghiệp Việt Nam.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2022 do Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, chiều ngày 26/5 đã diễn ra phiên Hội thảo chuyên đề “Nông nghiệp thông minh- Xu hướng và giải pháp”. Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu đến từ nhiều cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tham dự dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chuyển đổi số ứng dụng trong nông nghiệp ra sao?

Theo Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), nông nghiệp số được hiểu là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tích hợp sản xuất nông nghiệp từ vùng canh tác, nuôi trồng đến người tiêu dùng. Những công nghệ này có thể cung cấp cho ngành nông nghiệp các công cụ và thông tin để đưa ra quyết định  sáng suốt hơn, cải thiện năng suất và hỗ trợ quản lý hiệu quả.

Sự kiện - Chuyển đổi số trong nông nghiệp còn rời rạc, thiếu sự thống nhất

PGS.TS Nguyễn Tùng Phong, Phó giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi (Bộ NN-PTNT)

Chuyển đổi số nông nghiệp là xu thế tất yếu, đây quá trình ứng dụng và tích hợp các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (IClouds), kết nối vạn vật (IOT), cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuỗi khối (Blockchange)... vào các hoạt động của chuỗi liên kết, giá trị các ngành hàng nông nghiệp nhằm tạo ra giá trị mới, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp, nông thôn số đồng bộ, thống nhất theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Phát biểu tại buổi Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tùng Phong, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng, hướng đến phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn phải phù hợp với định hướng, mục tiêu tổng thể của chiến lược, chương trình chuyển đối số quốc gia và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, triển khai một cách chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm.  

Ba trụ cột chính phát triển chính của quá trình số hóa nông nghiệp Việt Nam

Đề cập đến những mục tiêu chính, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, Phó giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi chỉ ra ba yếu tố trọng tâm. Trong đó, thay đổi từ thượng tầng quản lý, phát triển Chính phủ số tại các cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn được đặt lên hàng đầu.

“Chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn trước tiên phải chuyển đổi nhận thức của cán bộ và người dân theo hướng phát triển kinh tế số nông nghiệp. Xác định người nông dân, doanh nghiệp, cộng đồng nông thôn là chủ thể, là trung tâm để thực hiện chuyển đổi”.

Lấy cơ chế chính sách làm nền tảng, công nghệ là bước đột phá, tận dụng tối đa hạ tầng số và triển khai theo phương châm đồng bộ, thống nhất, liên thông. Trong đó, cơ quan Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, kiến tạo, quản lý và thúc đẩy, doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong chủ lực, mỗi hợp tác xã và mỗi hộ nông dân là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để hình thành lên một nền kinh tế số nông nghiệp toàn diện và đồng bộ.

Sự kiện - Chuyển đổi số trong nông nghiệp còn rời rạc, thiếu sự thống nhất (Hình 2).

Ứng dụng Drone trong nông nghiệp là một phương án chuyển đổi số hiệu quả

Nhấn mạnh về vai trò đặc biệt quan trọng của người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp, PGS.TS Nguyễn Tùng Phong cho biết, cần phải đảm bảo, ưu tiên nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn. Hợp tác, thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội. Tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng trực tiếp tham gia quá trình sản xuất những tri thức nền tảng để triển khai nhanh và có hiệu quả thiết thực cho quá trình chuyển đổi số nông nghiệp tại Việt Nam.

Bảy nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp thành công

Đi vào phân tích chuyên sâu những nhiệm vụ, khó khăn cụ thể cần phải giải quyết, PGS.TS Nguyễn Tùng Phong nêu ra bảy nhiệm vụ chính cần sớm thực hiện.

Xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) và cơ sở tri thức của ngành nông nghiệp và của từng lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, chế biến, thị trường…

Xây dựng và tích hợp các công nghệ, mạng lưới dự báo, quan sát, giám sát (trên không, mặt đất..) phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, thị trường...để nâng cao giá tri gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường…

Xây dựng và phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số tạo nên một mô hình nông thôn thông minh.

Sự kiện - Chuyển đổi số trong nông nghiệp còn rời rạc, thiếu sự thống nhất (Hình 3).

Ứng dụng công nghệ phun, tưới tự động trên vùng chè ở huyện Anh Sơn, Nghệ An (ảnh: Quang Dũng)

Cơ cấu lại nông nghiệp tập trung giá trị gia tăng bằng cách quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn (các ngành hàng tập trung) và quy mô phù hợp về diện tích, nguồn lực với các HTX để đảm bảo thực hiện đồng bộ và hiệu quả với các yêu cầu của các chương trình số hóa và chuyển đổi số.

Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, thiết bị thiết yếu của chuyển đổi số qua hệ thống các phần mềm, các tiêu chuẩn dữ liệu, ngân hàng kiến thức. Xây dựng nền tảng dịch vụ công để HTX, hộ nông dân có thể tham gia…

Xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ tâm huyết hình thành lên một lực lượng cán bộ có kiến thức về khoa học, kỹ thuật, quản lý, đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Dạy nghề cho lao động cơ sở theo hướng ứng dụng nông nghiệp thông minh, đáp ứng thực tế sản xuất của từng địa phương trên cả nước. Đào tạo kỹ năng cho nông dân tham gia vào HTX, đào tạo kỹ năng số cho nông dân áp dụng trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo, đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử trong nông nghiệp. Tập huấn, đào tạo nông dân, HTX theo xu hướng của thị trường, làm quen với thành công và thất bại của thị trường.

Sự kiện - Chuyển đổi số trong nông nghiệp còn rời rạc, thiếu sự thống nhất (Hình 4).

Đánh giá về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, PGS.TS Nguyễn Tùng Phong cho biết: “Công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp nhận được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt các Chính phủ và Bộ NN-PTNT, đây là thuận lợi lớn nhất. Tuy nhiên, chuyển đổi số là vấn đề mới tại Việt Nam. Do đó, hiện trạng, nhu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn tại nhiều địa phương chưa đồng đều. Việc ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử và thực hiện chuyển đổi số trong NN&PTNT còn rời rạc, thiếu sự thống nhất, liên thông.

Mặt khác, các căn cứ pháp lý triển khai chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn còn chưa đầy đủ để đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ”.

Bạn đang đọc bài viết "Chuyển đổi số trong nông nghiệp còn rời rạc, thiếu sự thống nhất" tại chuyên mục Nhịp sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh