shunshine group

Chủ công trình đào ao “khủng” trên đất nông nghiệp lên tiếng

13/08/2022 20:08

Thừa nhận sai, chủ công trình đào ao trên đất nông nghiệp, đắp bờ ngăn suối khẳng định đã làm vội vàng khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.

Liên quan đến bài viết: “Chưa được cấp phép vẫn ngăn suối, đào ao “khủng” trên đất nông nghiệp” xảy ra tại buôn Đăk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) mà Người Đưa Tin đã phản ánh, PV đã có cuộc trao đổi thông tin với ông Nguyễn Văn Toản (SN 1975, trú tại Tp.Hồ Chí Minh) – chủ công trình vi phạm.

Ông Toản thừa nhận: “Vấn đề này, đầu tiên tôi thừa nhận là tôi sai. Làm nếu theo đúng quy định pháp luật, tôi là người chưa đúng. Tôi khẳng định, việc này tôi làm vội vàng. Nếu như đợi khoảng nửa tháng nữa (khi đã hoàn thiện các thủ tục, giấy phép) mới bắt đầu làm thì không ai đụng chạm gì đến. Tuy nhiên, hiện nay tôi chưa có đầy đủ thủ tục, chỉ mới có chủ trương thôi nhưng đã triển khai”.

Dân sinh - Chủ công trình đào ao “khủng” trên đất nông nghiệp lên tiếng

Hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp bị đào, múc âm sâu xuống hàng mét, tạo thành một cái ao lớn.

Theo ông Toản, khu vực diện tích đất của ông đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất nông thôn mới, đất thuộc diện nuôi trồng thủy sản. “Từ lúc mua đất, tôi đã làm hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do hệ thống đường truyền từ huyện lên tỉnh bị nghẽn chỗ nào đó nên đến nay vẫn chưa xong” – ông Toản nói.

Nói về nguyên nhân đào đất, cải tạo mặt để xây dựng khu nuôi cá tầm tại suối Đắk Tuôr khi cơ quan chức năng chưa cho phép, ông Toản lý giải: “Vào mùa mưa có cho làm cũng chỉ ngồi xem chứ không làm gì được vì đất dính. Mà nông dân thì yếu tố mùa vụ rất quan trọng. Do đó, vừa rồi, tranh thủ lúc nắng ráo, tôi đã phá rẫy cà phê, đào múc đất đi và đổ ngay vườn bên cạnh”.

Bên cạnh đó, ông Toản cũng cho biết, việc đắp đất, đá chặn một phần dòng chảy của suối Đắk Tuôr để dẫn nước vào nhằm mục đích lấy mặt bằng ao, thuận lợi cho việc thiết kế sau này. “Do đáy ao sau này, tôi đổ bê tông hết nên phải san ra thành mặt phẳng mới đổ bê tông được. Muốn làm được như thế thì phải có mặt bằng. Vì vậy phải cân mặt bằng lại để xem hạ mặt bằng đến đâu và xem mặt bằng chuẩn ở chỗ nào. Do đó, lấy nước vào để cân mặt bằng là chuẩn nhất. Mục đích chỉ là như vậy thôi” – ông Toản chia sẻ.

Dân sinh - Chủ công trình đào ao “khủng” trên đất nông nghiệp lên tiếng (Hình 2).

Ông Toản cho biết, đã làm hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất nuôi trồng thủy sản từ lúc mua đất nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Về việc không tháo dỡ đoạn bờ đất, đá ngăn suối sau khi lấy mặt bằng, ông Toản phần trần: “Tôi cào tí đất đá dưới lòng suối đắp lên, chỉ cao mấy chục phân, bằng mặt của lòng suối, nước suối vẫn chảy, lưu thông bình thường. Tôi nghĩ, trận mưa to là trôi sạch, khỏi mất công phá. Cái này tôi chủ quan”.

Còn về việc gom cát ngay trên diện tích đào ao, cải tạo mặt bằng để xây dựng khu nuôi cá tầm, ông Toản khẳng định, không có việc khai thác cát để mua bán. “Địa chất ở chỗ này là bãi bồi của lòng suối. Theo đó, ở trên có một lớp đất màu, còn ở dưới toàn sỏi, cát. Do đó, khi tôi tháo nước vào thì cát trôi xuống một bãi. Thấy cát nhiều quá, mà lấp đi cũng phí nên tôi cào lên, gom lại để sàng đi, tận dụng xây dựng sau này để đỡ tốn tiền” – ông Toản cho hay.

Dân sinh - Chủ công trình đào ao “khủng” trên đất nông nghiệp lên tiếng (Hình 3).

Chủ công trình khẳng định, việc chặn một phần dòng chảy của suối Đăk Tuôr nhằm mục đích dẫn nước vào để lấy mặt bằng ao, thuận lợi cho thiết kế sau này.

Ông Toản cũng khẳng định, không biết việc thu gom cát trên đất của mình thì phải xin phép cơ quan chức năng. “Tôi tưởng trong bãi đất của mình có thì tận dụng gom lại để xây thôi. Tất cả, tôi còn để nguyên ở đấy. Nếu cơ quan chức năng không cho thì tôi san ra thôi” – ông Toản nói thêm.

Cũng theo thông tin từ ông Toản, sau khi xã đã lập biên bản, đình chỉ, ông đã dừng mọi hoạt động hơn một tháng nay, hiện máy móc đã được đưa về xã Yang Mao, huyện Krông Bông.

Dân sinh - Chủ công trình đào ao “khủng” trên đất nông nghiệp lên tiếng (Hình 4).

Sau khi bị lập biên bản, đình chỉ, công trình đào đất, cải tại mặt bằng để xây dựng khu nuôi cá tầm của ông Toản đã ngừng hoạt động hơn 1 tháng nay. 

Như Người Đưa Tin đã phản ánh, dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép và chưa hoàn thiện các thủ tục nhưng ông Nguyễn Văn Toản đã đưa máy móc, thiết bị vào đào đất, cải tạo mặt bằng để xây dựng khu nuôi cá tầm xảy ra tại suối Đăk Tuôr (thuộc buôn Đăk Tuôr, xã Cư Pui, huyện Krông Bông).

Đến ngày 4/7, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra và lập biên bản về việc đào đất, cải tạo mặt bằng tại suối Đăk Tuôr đối với ông Toản.

Qua làm việc, ông Toản thừa nhận, vào tháng 4/2022, ông Toản bắt đầu cho máy xúc vào khu diện tích đất nói trên để đào, múc đất, cải tạo mặt bằng nhằm xây dựng khu nuôi cá tầm.

Dân sinh - Chủ công trình đào ao “khủng” trên đất nông nghiệp lên tiếng (Hình 5).

Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, ông Toản đã đào, múc đất, cải tạo mặt bằng với chiều sâu khoảng 1,5m, diện tích đã đào đất, cải tạo mặt bằng khoảng 6.000m2.

Đến thời điểm kiểm tra, đã đào, múc đất, cải tạo mặt bằng với chiều sâu khoảng 1,5m, diện tích đã đào đất, cải tạo mặt bằng khoảng 6.000m2.

Tuy nhiên, ông Toản không cung cấp được bất kỳ giấy tờ, thủ tục có liên quan của cấp có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản cho phép đào đất, cải tạo mặt bằng xây dựng khu nuôi cá tầm.

Ngay sau đó, đoàn kiểm tra của xã Cư Pui đã lập biên bản đình chỉ mọi hoạt động tại diện tích đất của ông Toản khi chưa có quyết định bằng văn bản đồng ý cho phép của cấp có thẩm quyền...

Khánh Ngọc

Bạn đang đọc bài viết "Chủ công trình đào ao “khủng” trên đất nông nghiệp lên tiếng" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh