Với quy mô Hội chợ lên đến hơn 130 gian hàng chuyên ngành F&B từ các doanh nghiệp uy tín trong ngành thực phẩm, đồ uống, máy móc thiết bị đóng gói bao bì, thiết bị ngành bánh, đồ dùng nhà bếp, nguyên liệu thực phẩm, thuỷ hải sản,...
Nhằm giúp các doanh nghiệp có cơ hội tăng cường kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, mở rộng quan hệ hợp tác trong sản xuất kinh doanh và là cầu nối để đưa doanh nghiệp đến gần hơn với các đối tác, người tiêu dùng, khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực F&B ở thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Phát biểu tại lễ khai mạc bà Nguyễn Thị Tốt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Cần Thơ cho biết: “Đây là sự kiện thương mại chuyên ngành F&B tại TP. Cần Thơ, trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng Sông Cửa Long quy tụ hơn 130 gian hàng trưng bày chuyên ngành về đồ uống, thực phẩm, máy móc và giải pháp về đóng gói bao bì. Hội chợ lần này hứa hẹn sẽ mang đến những cơ hội kết nối quảng bá thương hiệu và giải pháp kinh doanh đột phá cho các doanh nghiệp ngành F&B Đồng bằng Sông Cửu Long. Hội chợ triển lãm dự kiến sẽ đón khoảng 10.000 khách tại thành phố Cần Thơ cũng như các tỉnh thành phố khác đến tham dự.”
Trong khuôn khổ triễn lãm, Tọa đạm “Xu hướng tiêu dùng thực phẩm xanh và thị trường xuất khẩu” được tổ chức nhằm thảo luận về sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng tiêu dùng thực phẩm xanh trong nước và quốc tế, đồng thời phân tích cơ hội cũng như thách thức mà ngành thực phẩm, nông sản, đồ uống Việt Nam đang phải đối mặt. Qua đó, đưa ra nhưng định hướng, giải pháp giúp doanh nghiệp và người dân thích ứng với sự thay đổi này đồng thời khai thác tiềm năng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, qua Tọa đàm cũng góp phần lan tỏa, tuyên truyền, góp phần chuyển dịch trong nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp về xu hướng tiêu dùng xanh, bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Một khách tham quan triển lãm và thưởng thức Beer thủ công tại Gian hàng Hải Đăng Creat cho hay: “Đây là loại bia Craft rất tuyệt vời, loại bia này rất đặt biệt có vị chua thanh của chanh dây kèm theo vị đắng nhẹ hay có những vị như matcha, táo, chuối, cafe,... hoà lẫn vào nhau tạo cảm giác rất dễ chịu về mùi vị cũng như hương thơm. Tôi đánh giá rất cao loại bia của doanh nghiệp này và tôi nghĩ rằng dòng bia này sẽ được mọi người đón nhận, thưởng thức nhiều trong thời gian sắp tới,...”.
Thực tế, tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn, cùng với các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường.
Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, mức sống người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt, an toàn cũng ngày càng tăng, nhất là các sản phẩm phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt của người dân. Vì vậy, việc tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam sẽ là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.
Theo số liệu tại báo cáo của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Khoảng 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam cũng cho thấy, người tiêu dùng đặt niềm tin vào các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm rõ ràng. Bởi vậy, chất lượng “xanh” sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh giúp các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Việc phát triển thương hiệu gắn với yếu tố “xanh” - sử dụng nguyên, vật liệu, công nghệ thân thiện, đưa ra sản phẩm sạch, bảo đảm môi trường ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Gần đây, trong Khảo sát Thói quen Tiêu dùng - tháng 12/2021, PricewaterhouseCoopers (PwC) đã khảo sát 9.370 đáp viên đang sinh sống tại 26 vùng lãnh thổ và quốc gia trong đó có Việt Nam, kết quả cho thấy, người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm nhiều hơn về môi trường. Hơn 47% người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy.
Có thể thấy, xu hướng tiêu dùng xanh đang phát triển nhanh trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Theo xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm, gắn phát triển sản phẩm với cam kết bền vững.
Mặc dù tiêu dùng xanh đang mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và môi trường sống, nhưng để các sản phẩm xanh thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường thì còn nhiều khó khăn, cụ thể như: vấn đề yêu cầu nguồn lực rất lớn, đặc biệt là giai đoạn đầu tư ban đầu có thể ảnh hưởng tới chi phí, giá thành của sản xuất. Hai là, nhiều doanh nghiệp chưa giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ba là, còn thiếu chính sách hỗ trợ phát triển xanh, các chính sách hướng đến phát triển tiêu dùng xanh còn thiếu đồng bộ. Bốn là, nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm xanh còn hạn chế. Trong khi chi phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm xanh thường lớn hơn nhiều so với loại hàng hóa tương tự.
Hội chợ được diễn ra từ ngày 5/12 đến ngày 8/12, tại trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ./.