shunshine group

Bộ trưởng Lao động nói về tình trạng "phát nhầm", "nhận nhầm" tiền hỗ trợ

12/11/2021 08:22

Ký báo cáo về các nhóm vấn đề chất vấn trước Phiên đăng đàn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung lý giải tình trạng "phát nhầm", "nhận nhầm" tiền chi trả hỗ trợ Covid-19.

Chiều mai, 10/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, cùng 3 vị Bộ trưởng khác được chọn lần này.

Thực hiện công văn của Tổng Thư ký Quốc hội về việc chuẩn bị báo cáo giải trình và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lao động đề cập trước hết vấn đề thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng với dịch Covid-19. Đây là một trong ba nhóm vấn đề Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại kỳ họp này.

Bộ trưởng Lao động nói về tình trạng phát nhầm, nhận nhầm tiền hỗ trợ - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH là một trong bốn Bộ trưởng được chọn đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội kỳ họp thứ 2. 

Trên 26.300 tỷ đồng dành cho 27 triệu người

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu con số, tính đến ngày 7/11, tổng kinh phí phê duyệt thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 trên toàn quốc về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 26.390 tỷ đồng (cao hơn so với mức dự kiến 26.000 tỷ đồng), hỗ trợ 26,98 triệu lượt đối tượng.

Trong đó, có 377.225 lượt đơn vị sử dụng lao động; 26,6 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác được hỗ trợ.

Đáng chú ý, chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt với kinh phí 20.280 tỷ đồng đã hỗ trợ cho 15,01 triệu đối tượng. Trong đó, 89,4% số đối tượng và 90,5% tổng kinh phí được hỗ trợ tại 23 tỉnh, thành phố phía nam.

Theo thống kê, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, 685.210 F0, F1 đã được hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí 358 tỷ đồng. 23.130 trẻ em là F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/trẻ em. Ngoài ra, 7.080 người lao động mang thai và 151.640 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động cũng đã nhận được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/người. 

Tỷ lệ giải ngân nhiều nơi khá cao

Đối với chính sách vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 745,9 tỷ đồng hỗ trợ 1.433 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 208.352 lượt người lao động. Một số địa phương có tổng kinh phí giải ngân cao là Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Định…

Đánh giá mặt được của việc thực hiện chính sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc triển khai các chính sách đã ban hành trước, chính sách hỗ trợ lần này đã giảm tối đa các điều kiện, thủ tục, rút ngắn về thời gian hỗ trợ, tạo điều kiện để người sử dụng lao động và người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.

Do diễn biến của dịch bệnh phức tạp, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, số đối tượng hỗ trợ lên đến hàng chục triệu người cùng một thời điểm, nên việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng cứng nhắc và thủ tục rườm rà còn tồn tại trong triển khai ở một số đơn vị.

"Về công tác hỗ trợ, ở nhiều địa phương vẫn chủ yếu tiến hành thủ công, chưa quan tâm đúng mức sử dụng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào chi trả hỗ trợ, nên tình trạng "phát nhầm", "nhận nhầm" xảy ra ở một số địa phương. Việc làm thủ tục hồ sơ khó khăn, người lao động cũng không đi lại được để hoàn thiện thủ tục, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ", báo cáo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu.

Ngoài ra, theo người đứng đầu ngành Lao động, một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 68 và Quyết định 23 vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, không hấp dẫn và người sử dụng lao động khó tiếp cận, hiệu quả hỗ trợ thấp, như: Chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương và phục hồi sản xuất từ nguồn tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và đào tạo lại từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ trưởng Lao động nói về tình trạng phát nhầm, nhận nhầm tiền hỗ trợ - 2

Ngoài chính sách chung, Bộ trưởng Lao động đánh giá cao nhiều địa phương có những chính sách đặc thù hỗ trợ người dân trên địa bàn.

Hạn chế tối đa nguy cơ trục lợi

Về kết quả triển khai Nghị quyết 116 (tổng mức kinh phí 38.000 tỷ đồng), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cập nhật: Cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào Quỹ, thời gian áp dụng từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022 với khoảng 7.595 tỷ đồng.

Về việc chi tiền hỗ trợ trực tiếp người lao động, cơ quan chức năng đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho trên 9,41 triệu lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 654.600 người đã dừng tham gia (bằng 87,43% số đề nghị hưởng) với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 23.965 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là chính sách chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong phòng, chống dịch, qua triển khai nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn của đối tượng và dư luận xã hội. Đây là chính sách vừa đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng; vừa có sự chia sẻ rủi ro; thể hiện vai trò "giá đỡ" của quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho chủ sử dụng lao động và người lao động.

Thủ tục giải quyết chính sách được khẳng định là đơn giản, thuận tiện, việc hỗ trợ đang rất khẩn trương, hiện chỉ còn một số lượng nhỏ đơn vị đang rà soát danh sách lao động để đảm bảo việc giải quyết, chi trả hỗ trợ đúng đối tượng, hạn chế tối đa nguy cơ trục lợi.

Bộ trưởng Lao động cũng cập nhật thông tin đã lập 12 đoàn kiểm tra tại 33 tỉnh, thành phố, đôn đốc triển khai giám sát, đánh giá việc rà soát, lập danh sách, phê duyệt và hỗ trợ; kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ đề nghị các địa phương khẩn trương lập danh sách, phê duyệt và hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tiền mặt cho các nhóm đối tượng chưa được hưởng, trong đó cần đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ của người lao động đề nghị hỗ trợ hàng ngày bằng các hình thức thuận lợi nhất (qua dịch vụ bưu chính, Cổng dịch vụ công quốc gia, trực tiếp, trực tuyến, email,…) để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động.

Đề nghị cấp kinh phí kịp thời

Bộ Lao động cũng đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí kịp thời và hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí để thực hiện chi trả sớm cho các đối tượng đã được phê duyệt danh sách hỗ trợ, tránh tình trạng người dân chờ đợi, dẫn tới bức xúc, phản ánh thông tin trên báo chí, mạng xã hội...

Thái Anh

Bạn đang đọc bài viết "Bộ trưởng Lao động nói về tình trạng "phát nhầm", "nhận nhầm" tiền hỗ trợ" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh