shunshine group

Bình Dương: Thiết lập mô hình “Doanh nghiệp xanh” và “Công nhân xanh”

20/08/2021 10:48

Sau khi xác định được “vùng xanh” “điểm xanh”, những doanh nghiệp và công nhân sẽ được cấp giấy đi đường để hoạt động trở lại.

Ngày 18/8, UBND tỉnh Bình Dương 4037/UBND-VX V/v thực hiện mô hình 03 xanh “nhà máy, nhà trọ và công nhân” tại khu vực “vùng xanh” để phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới

Theo đó, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thực hiện Kế hoạch số 146/KH-BCĐ ngày 7/8/2021 của ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về xây dựng “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 đưa Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới” từ 1/9 và xét đề nghị của sở Y tế Bình Dương tại Tờ trình số 218/TTr-SYT ngày 14/8/2021 để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

Đồng thời, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và thực hiện mô hình 03 xanh “nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh” tại khu vực “vùng xanh” trên địa bàn tỉnh (khi các địa phương tự công bố vùng xanh), đưa các hoạt động của đời sống xã hội trở về trạng thái bình thường mới.

Dân sinh - Bình Dương: Thiết lập mô hình “Doanh nghiệp xanh” và “Công nhân xanh”

Bình Dương đang mở rộng "vùng xanh" ở nhiều nơi trên địa bàn.

UBND tỉnh Bình Dương thực hiện thiết lập mô hình “Doanh nghiệp xanh” và “Công nhân xanh”, chỉ cho phép hoạt động đối với các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp khi đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch theo đúng các quy định hiện hành của ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 và bộ Y tế.

Đồng thời, phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào khu, cụm công nghiệp, không được lơ là, buông lỏng, chủ quan, tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Nơi nào không đáp ứng, không đảm bảo an toàn thì kiên quyết xử lý ngừng hoạt động.

Yêu cầu các chủ đầu tư khu cụm công nghiệp và các doanh nghiệp phải thực hiện việc quản lý chặt chẽ thông tin liên quan đến người lao động của mình (thông tin về người ở chung, địa chỉ nơi đang ở, lộ trình di chuyển hàng ngày từ nơi ở đến công ty, doanh nghiệp).

Đo thân nhiệt và yêu cầu người lao động phải khai báo y tế bắt buộc hàng ngày khi đến làm việc. Đồng thời, phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn trong sản xuất.

Dân sinh - Bình Dương: Thiết lập mô hình “Doanh nghiệp xanh” và “Công nhân xanh” (Hình 2).

Các cụm công nghiệp, KCN, doanh nghiêp, phải thực hiện cam kết, giám sát chặt chẽ người lao động, cũng như vấn đề phòng chống dịch Covid-19. Trong hình là một doanh nghiệp thực hiện quản lý đo nhiệt độ công nhân qua các thiết bị hiện đại.

Doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đúng, đủ, chủ động trong việc tổ chức xét nghiệm, liên hệ cơ quan cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm của từng người lao động trong doanh nghiệp mình.

Đồng thời thông báo, gửi kết quả đến cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương sau mỗi lần xét nghiệm để phục vụ công tác hậu kiểm; chỉ được tổ chức sản xuất kinh doanh khi đã xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ công nhân, người lao động của doanh nghiệp và đáp ứng các điều kiện sau:

Trước khi cho vào nhà máy sản xuất phải khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà máy theo quy định, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 2 lần (lần 1: trước khi hoạt động 3 ngày bằng xét nghiệm PCR gộp mẫu 10, lần 2 vào ngày hoạt động bằng test kháng nguyên nhanh gộp mẫu từ 3 đến 5).

Dân sinh - Bình Dương: Thiết lập mô hình “Doanh nghiệp xanh” và “Công nhân xanh” (Hình 3).

Công nhân làm việc trong "doanh nghiệp xanh" phải được đảm bảo an toàn, giữ khoảng cách, thực hiện 5k và được xét nghiệm thường xuyên qua tets nhanh hoặc PCR.

Trong quá trình hoạt động, sản xuất, tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng test kháng nguyên nhanh hoặc xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp, thực hiện 5 ngày/lần.

Tần suất lấy mẫu trong khu công nghiệp thực hiện theo Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 5/6/2021 của bộ Y tế; đồng thời, xét nghiệm hàng ngày đối với người tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm,… ra vào doanh nghiệp. Phát huy vai trò và tăng cường hoạt động của các tổ An toàn Covid trong doanh nghiệp.

Kinh phí thực hiện do doanh nghiệp đảm nhận. Trường hợp doanh nghiệp cần hỗ trợ kinh phí Test PCR thì các đơn vị tổng hợp nhu cầu, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định (ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh tổng hợp doanh nghiệp trong khu công nghiệp, sở Công thương tổng hợp doanh nghiệp trong cụm công nghiệp); các doanh nghiệp bên ngoài khu, cụm công nghiệp do UBND cấp huyện giải quyết theo thẩm quyền.

Dân sinh - Bình Dương: Thiết lập mô hình “Doanh nghiệp xanh” và “Công nhân xanh” (Hình 4).

Những khu vực dân cư, nhà trọ sẽ được xét nghiệm kỹ bằng test nhanh và PCR để lọc ra "vùng xanh" "công nhân xanh" để tiếp tục cho hoạt động ở trạng thái bình thường mới.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục thiết lập mô hình “công nhân xanh” và “nhà trọ xanh”.

Các địa phương phải chủ động phối hợp với “doanh nghiệp xanh” liên hệ, vận động các chủ nhà trọ và người thuê trọ tổ chức thí điểm, sắp xếp lại từng phòng trọ, khu nhà trọ theo hướng bố trí cho những công nhân cùng làm chung 1 doanh nghiệp được ở chung 1 phòng hoặc 1 dãy.

Nếu doanh nghiệp đảm bảo đủ điều kiện thì bố trí cho tất cả các công nhân của cùng 1 nhà máy, 1 doanh nghiệp ở chung khu nhà trọ hoặc các khu nhà trọ liền kề.

Tại nơi cư trú, chỗ trọ của người lao động, chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện xét nghiệm sàng lọc hàng tuần theo quy định của ngành y tế (test PCR lấy mẫu gộp chung vào 1 ống) cho tất cả các thành viên trong nhà ở/hộ gia đình/phòng trọ đang ở chung với công nhân, người lao động của “doanh nghiệp xanh”.

Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm sàng lọc và giấy đi đường cho công nhân, người lao động di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc.

Đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh (test nhanh) do “Doanh nghiệp xanh” cấp giấy xác nhận và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với việc xác nhận kết quả xét nghiệm của từng người lao động trong doanh nghiệp mình.

Đối với xét nghiệm PCR: Do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở được cấp phép cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR tuyệt đối không thu phát sinh chi phí ngoài quy định.

Giấy đi đường cho công nhân, người lao động thì các “doanh nghiệp xanh” có trách nhiệm tổng hợp danh sách công nhân, người lao động của mình gửi đến UBND cấp xã nơi công nhân, người lao động cư trú để được cấp giấy xác nhận đi đường.

Giấy xác nhận đi đường phải nêu rõ địa chỉ doanh nghiệp, địa chỉ cư trú, một cung đường mà người lao động di chuyển giữa nơi làm việc và nơi cư trú.

Bạn đang đọc bài viết "Bình Dương: Thiết lập mô hình “Doanh nghiệp xanh” và “Công nhân xanh”" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh