shunshine group

Bất cập đường dự án giảm nghèo thi công chạy vào rẫy của Phó Bí thư huyện

16/08/2021 09:29

Con đường thuộc dự án giảm nghèo mục đích phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, tại xã Lơ Ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai tuyến đường nằm trong dự án chạy vào rẫy của cán bộ huyện.

Những ngày qua, nhiều hộ dân ngụ tại thôn 1 xã Lơ Ku (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai tỏ) liên tục phản ánh đến PV Người Đưa Tin Pháp luật về việc người dân không được hưởng lợi khi nhà nước đầu tư thực hiện tuyến đường có mục đích phục vụ cho cộng đồng thuộc Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (nguồn vốn ODA) tại địa bàn xã Lơ Ku. Theo đó, tại tuyến đường dẫn ra khu sản xuất thôn 1, xã Lơ Ku thuộc dự án này, tuyến đường chỉ được thi công “đứt khúc”, thi công ở chỗ có nương rẫy của cán bộ, còn của người dân lại bỏ ngỏ. Trong khi đó, nhiều người dân tại thôn 1 cho biết, xã yêu cầu họ đóng góp tiền làm con đường này.

Trao đổi với PV, bà L.T.V., 54 tuổi ngụ thôn 1 xã Lơ Ku cho biết: “Vào khoảng đầu năm 2019, xã yêu cầu các hộ dân có rẫy trong khu vực phải nộp tiền để làm đường ra khu sản xuất thôn 1. Xã quy định, số tiền các hộ phải nộp 400 nghìn/héc ta, hộ nào diện tích nhiều thì nộp nhiều.  

Gia đình tôi có 1 héc ta, số tiền phải nộp là 400 nghìn. Tuy nhiên, thời điểm xã yêu cầu nộp tiền vì mất mùa, gia đình lại khó khăn không có tiền để nộp, cán bộ xã gây áp lực”.

Tiếng nói công dân - Bất cập đường dự án giảm nghèo thi công chạy vào rẫy của Phó Bí thư huyện

Tuyến đường ra khu sản xuất thôn 1, nguồn kinh phí dự án giảm nghèo Tây Nguyên.

Bà V. cho biết: “Khi tôi cầm hồ sơ ra xã xác nhận giấy tờ để cháu đi tỉnh Bình Dương làm công nhân thì Chủ tịch xã không đồng ý. Lý do Chủ tịch xã đưa ra là vì tôi chưa đóng tiền làm đường.

Tôi phân trần rằng, gia đình khó khăn, gạo ăn hàng ngày còn phải lên quán ghi nợ, tiền đâu để đóng. Tôi đề nghị Chủ tịch xã xác nhận hồ sơ để con tôi đi làm công nhân, lãnh lương cháu gửi tiền về thì mới có để đóng, lúc đó họ mới đồng ý.

Sau đó, con tôi gửi tiền, tôi đã lên xã đóng đầy đủ.Thế nhưng, chỗ người dân lưu thông đường lầy lội, khó đi xã không làm mà chỉ làm đường vào rẫy của ông Thọ Phó bí thư huyện và nhiều cán bộ xã”.

Theo bà V., tiền dân đã đóng nhiều năm nay nhưng lại làm đường cho gia đình cán bộ, dân không được hưởng lợi thì phải trả lại tiền cho dân.

Cũng trao đổi với PV, ông Tr.C.V., 58 tuổi, ngụ thôn 1, xã Lơ Ku cho biết: “Tôi có 4 héc ta vừa số tiền phải đóng là 2 triệu để phục vụ việc làm đường. Nhưng đường chỉ làm được một khúc. Tôi nhiều lần thắc mắc ý kiến lên xã nhưng họ trả lời do hết vốn, khi nào có chương trình khác có vốn thì làm tiếp”.

Theo tìm hiểu của PV, dự án đường ra khu sản xuất thôn 1 (đoạn từ suối Tờ Kân ra khu sản xuất) xã Lơ Ku thuộc Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Dự án do ban Phát triển xã Lơ Ku làm chủ đầu tư.

Quy mô nền đường dài 320m, rộng 5m, mái taluy đào 1/1, mái taluy đắp 1/1,5, nên đường sau khi hoàn thiện đạt độ chặt lu kèn K95. Mặt đường tổng chiều dài thiết kế là 279,97m. Nguồn vốn Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên năm 2019. Thời gian thực hiện thi công hoàn thành năm 2019. Tổng kinh phí xây dựng là 500 triệu đồng.

Liên quan đến những thắc mắc của người dân, ông Hồ Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã Lơ Ku lý giải: “Đường sang khu sản xuất thôn 1 có 2 nguồn vốn. Thứ nhất là nguồn vốn của chương trình Dự án giảm nghèo Tây Nguyên (ODA), thứ 2 nguồn vốn ngân sách của xã (theo chương trình nông thôn mới, xã và nhân dân cùng làm, dân đóng góp 5%).

Tiếng nói công dân - Bất cập đường dự án giảm nghèo thi công chạy vào rẫy của Phó Bí thư huyện (Hình 2).

Đường trải thảm bê tông xuất phát từ rẫy của Phó bí thư huyện.

Theo đơn vị khảo sát để hoàn thiện tuyến đường hết khoảng 2 tỷ đồng. Nhưng ngân sách của xã có hạn và số tiền đóng góp của người dân khoảng 10 triệu cộng thêm tiền ngân sách của xã khoảng 200 triệu đã sử dụng để đổ cấp phối toàn bộ tuyến đường.

Còn khúc đã trải thảm bê tông là nguồn vốn (ODA), cái này dân không phải đóng góp. Tuy nhiên, nguồn vốn (ODA) là 500 triệu nên chỉ đủ trải bê tông một đoạn là hết kinh phí. Do đó, để hoàn thiện tuyến đường bê tông ra khu sản xuất thôn 1, phải chờ nguồn vốn từ các chương trình tiếp theo”.

Theo ông Dương, về việc người dân phản ánh chưa đóng tiền làm đường xã gây khó dễ là người dân nói không đúng sự thật, không có căn cứ.

Về việc người dân phản ánh trải bê tông không tiến hành làm từ bên ngoài đường chính rẽ vào, mà lại thi công phía bên trong từ rẫy của ông Phan Trần Thọ, Phó Bí thư huyện Uỷ Kbang, đoạn qua rẫy của nhiều cán bộ xã, ông Dương khẳng định: “Đúng là khu rẫy của ông Thọ nằm trong cùng, tuyến đường trải bê tông, cũng làm từ rẫy ông Thọ chạy ra. Tuy nhiên, việc khảo sát, lên hồ sơ thiết kế thi công do ban Dự án giảm nghèo của tỉnh về thực hiện, xã chỉ triển khai theo".

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phan Trần Thọ, phó Bí thư huyện Uỷ Kbang, người có rẫy nằm trong đoạn đường được thi công cho biết: "Tôi không có bất cứ tác động nào đến việc thi công đường. Tất cả các bước, các quy trình đều do xã họ triển khai, thực hiện. Tôi không hay biết gì hết".

Bạn đang đọc bài viết "Bất cập đường dự án giảm nghèo thi công chạy vào rẫy của Phó Bí thư huyện" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0937636383hoặc gửi về địa chỉ email (nhipsongdothi.vn@gmail.com).  
#hungthinh